Toàn cảnh phiên họp
Qua thảo luận, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hiến kế để đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công, phát triển kinh tế vùng chính sách để phát huy, bảo tồn văn hóa các dân tộc về đời sống và nhà ở cho công nhân lao động; về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên; việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội trong thực tế…
Liên quan đến Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội là quyết tâm rất lớn của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, dịch COVID- 19 khiến người dân và cộng đồng doanh nghiệp ở nước ta vô cùng khó khăn. Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Đại biểu cho rằng, đây là một kỳ họp hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ với bao tâm huyết, công sức của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các vị đại biểu Quốc hội thông qua nhiều cơ chế, chính sách hết sức kịp thời và cần thiết.
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất chứng tỏ Quốc hội luôn đồng hành cùng với Chính phủ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đất nước đặt ra, trong đó đáng chú ý là việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay Nghị quyết 43/2022/QH15 chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đại biểu tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ đánh giá, xem xét kỹ vấn đề này, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể và từ đó có các giải pháp hữu hiệu hơn.
Một số ý kiến đại biểu khác cũng cho rằng, trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đôn đốc rất quyết liệt nhưng có một thực tế không thể phủ nhận đó là đang chậm so với tiến độ. Nếu đối chiếu với Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và rất có thể có những mục tiêu đã đề ra phải hoàn thành trong giai đoạn 2022 – 2023 chúng ta sẽ không thể thực hiện.
Các đại biểu nêu rõ, gói phục hồi được triển khai trong bối cảnh khách quan, có điều kiện thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được khống chế và đẩy lùi. Xét về nguồn lực theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội là sẵn sàng. Trong khi đó, quy trình, thủ tục đã đơn giản hóa tới mức tối đa và cũng đã thực hiện phân cấp tới mức tối đa tới từng bộ, ngành, địa phương; có những tiền lệ mà trước đây chưa bao giờ áp dụng…
Các đại biểu băn khoăn liệu chúng ta có đang lãng phí cơ hội, lãng phí thời gian hay không? Nếu như chúng ta đang lãng phí thời gian, cơ hội thì cũng đồng nghĩa với việc là đang lãng phí nguồn lực và ngân sách. Nhấn mạnh điều này, các đại biểu cho rằng, chúng ta có một kỳ họp đặc biệt với một chương trình đặc biệt nhưng cũng rất cần một quyết tâm đặc biệt và một cách làm đặc biệt. Chính phủ cũng cần rà soát tổng thể, làm rõ rằng đang chậm và vướng mắc ở đâu, đồng thời cần xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc không bảo đảm tiến độ.
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà Chính phủ đang phải đối mặt, các đại biểu mong muốn Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu hơn để việc triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội sẽ không lỡ nhịp, không bỏ lỡ cơ hội và không để những hy vọng của người dân cùng với thời gian trở thành nguội lạnh.
Trước thực trạng việc giải ngân thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng quá chậm, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, việc hỗ trợ lãi suất 2% năm được các doanh nghiệp và người dân rất kỳ vọng. Theo đó, trước kỳ họp Quốc hội 3 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31 quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Nghị định đã thực hiện hóa việc giảm lãi suất 2% nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tạo động lực phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại diện COVID-19. Tuy nhiên, Nghị định ban hành đến nay vẫn tương đối chậm. Vì vậy, quá trình thực hiện, các đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành phối hợp điều hành không chỉ linh hoạt, quyết liệt mà phải kịp thời hướng dẫn các ngân hàng thương mại, đặc biệt là với các ngân hàng thương mại đã đạt hạng mức tín dụng triển khai nhanh việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân vay./.