CẦN NHẤN MẠNH YẾU TỐ TỰ NGUYỆN LAO ĐỘNG CỦA PHẠM NHÂN TRONG DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG LAO ĐỘNG, HƯỚNG NGHIỆP, DẠY NGHỀ CHO PHẠM NHÂN NGOÀI TRẠI GIAM

03/06/2022

Sáng 03/6, thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, nhiều đại biểu đề nghị cần nêu bật và làm yếu tố tự nguyện lao động của phạm nhân; đảm bảo phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhất trí với phạm vi và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; đồng thời cho ý kiến về sự tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu tập trung về mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết và về nguyên tắc thực hiện thí điểm bảo đảm an toàn, tự nguyện, bình đẳng; số lượng trại giam về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm có các chủ thể, trong đó có nhiều quan tâm đến trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, của nhà đầu tư đối với các hợp tác với trại giam. Về quy định các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khâu lao động, hướng nghiệp dạy nghề ngoài trại giam, giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng và trình tự thủ tục đề nghị Chính phủ cân nhắc đối tượng dưới 18 tuổi phụ nữ có thai cho con bú; những người tổ chức vụ án đồng phạm quy định ngành nghề được pháp luật cho phép về bảo đảm an toàn, an ninh và về thời gian thực hiện nghị quyết cần tiếp tục nghiên cứu để quy định phù hợp.

Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nêu rõ, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, trong đó có 02 Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế ILO là Công ước số 29 và Công ước số 105. Việt Nam đã nội luật hóa đầy đủ các yêu cầu của 2 Công ước này vào pháp luật quốc gia. Trong các quy định về theo Công ước ILO thì lao động là phạm nhân là một ngoại lệ không bị coi là cưỡng bức lao đông nếu đáp ứng được 3 yêu cầu như: Có bản án của tòa án đã có hiệu lực; phải được tiến hành dưới sự giám sát và kiểm tra của những cơ quan công quyền, và phạm nhân không bị chuyển nhượng hoặc bị đặt dưới quyền sử dụng của công ty hoặc hiệp hội tư nhân. Đối chiếu với các quy định của dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, dự thảo đã cơ bản đáp ứng 3 yêu cầu như trên. Đặc biệt, dự thảo đã quy định yếu tố tự nguyện tham gia của phạm nhân tại điểm b Khoản 3 Điều 1 - yếu tố này giúp loại trừ bản chất cưỡng bức của việc lao động.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đưa ra quan điểm

Tuy nhiên, theo đại biểu phân tích, ngoài 02 Công ước của ILO nêu trên thì Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng có các cam kết về lao động cưỡng bức. Do đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát dự thảo Nghị quyết, đảm bảo phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tôi đề nghị: bổ sung vào các Nghị định hướng dẫn hình thức văn bản thể hiện sự tự nguyện của phạm nhân; làm rõ hình thức, giá trị pháp lý, bổ sung các điều khoản cơ bản của văn bản hợp tác giữa trại giam và tổ chức, cá nhân ngoài trại giam; rà soát, bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn với Nghị quyết; tách quy định giữa phạm nhân lao động với phạm nhân hướng nghiệp và học nghề ngoài trại giam vì mỗi đối tượng có chế độ khác nhau; chỉ nên thí điểm trong các đơn vị không tham gia xuất nhập khẩu; giới hạn phạm vi thí điểm dưới 10% số lượng trại giam và nên thí điểm trong 3 năm; đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra tham vấn ý kiến của Văn phòng tại Hà Nội về dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Cũng quan tâm về yếu tố tự nguyện lao động của phạm nhân, đại biểu Lê Thanh Hoàn– Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá chỉ ra rằng, trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ quan điểm thực hiện thí điểm mô hình lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam không vi phạm công ước quốc tế về lao động cưỡng bức thể hiện qua các yếu tố cơ bản như sau: phạm nhân phải tự nguyện tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam; phạm nhân được trả tiền công lao động, trại giam là đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát và tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Tuy nhiên, theo đại biểu, trong dự thảo Nghị quyết quy định phạm nhân chỉ được trả một phần công lao động và có quyền và nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự. Do đó, đối với phạm nhân tham gia lao động ngoài trại giam với yếu tố tự nguyện thì cũng cần có những cơ chế trả công tương xứng khác với chế độ lao động bắt buộc theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Thi hành án hình sự, ngay cả khi lao động là bắt buộc. Căn cứ theo Điều 14 Công ước 29 về lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động quốc tế thì lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc dưới mọi hình thức đều phải được trả công bằng tiền, mức trả công không được thấp hơn mức hiện hành đối với cùng loại công việc trong vùng mà người lao động đang được sử dụng, phải có một chế độ trả công thỏa đáng đối với công việc của phạm nhân. Đây cũng là yêu cầu tại Điều 76 của Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu phải đối xử với tù nhân của Liên Hợp quốc năm 1955.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn– Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá phát biểu

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị sửa đổi Khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết theo hướng "phạm nhân tham gia lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam được trả công theo quy định của pháp luật về lao động", cùng với đó là các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động cũng phải được chú ý đến, đó là phải có những quy định bảo đảm cho phạm nhân đề phòng tai nạn lao động, kể cả bệnh nghề nghiệp với những điều khoản không kém thuận lợi hơn so với quy định pháp luật áp dụng đối với lao động tự do.  

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát để quy định cụ thể hơn về công tác bảo đảm an ninh, an toàn, quản lý, giam giữ khi mỗi điểm lao động dự kiến chỉ có 2 cán bộ chiến sĩ quản lý trên tổng số 50 phạm nhân. Đồng thời, cần quy định cụ thể biện pháp phòng ngừa tình trạng lao động cưỡng bức, như quyền được chấm dứt lao động của phạm nhân theo đề nghị của họ cũng như việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có liên quan.

Tiếp tục quan tâm đến yếu tố tự nguyện lao động của phạm nhân và sự đảm bảo phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đại biểu Đinh Ngọc Quý- Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay Việt Nam tham gia khá nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, theo đó, các hiệp định này đều quy định :"Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu tất cả các nước tham gia phải thông qua và duy trì các quyền được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO trong pháp luật, thể chế và thông lệ".

Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam là thành viên của ILO, mặc dù chúng ta chưa phê chuẩn một số Công ước, tuy nhiên với tư cách là thành viên thì chúng ta phải có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện. Chính vì thế, quan điểm thận trọng với việc tổ chức lao động ngoài trại giam đối với phạm nhân nên được cân nhắc. Trong bối cảnh chúng ta tham gia Công ước như hiện nay và là thành viên của Liên hợp quốc, về bảo đảm quyền con người, các quyền riêng đối với phạm nhân phải lưu ý đến các công ước cơ bản của ILO bởi vì hầu hết các công ước tự do thế hệ mới hiện nay, các quy định về lao động và tiêu chuẩn lao động mặc dù không quá chi tiết nhưng hầu hết dẫn lại các Công ước của ILO và việc này rất dễ dẫn đến các tranh chấp mà sau này rất khó lường./.

Hồ Hương- Phạm Thắng