THẢO LUẬN TỔ 1: CHƯA THỐNG NHẤT VỀ ĐỀ XUẤT SỬ DỤNG TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG, ANH NINH KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ

03/06/2022

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 03/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tổ 1 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

 

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Dự án Luật được xây dựng nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

Phạm vi điều chỉnh và nội dung của dự thảo Luật tập trung vào một số nội dung chủ yếu như các vấn đề về quy hoạch băng tần; cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh;

Tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Quan tâm tới vấn đề cụ thể, đại biểu Lê Nhật Thành bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ bổ sung khoản 4 Điều 45 Luật Tần số vô tuyến điện đối với quy định sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trong trường hợp đặc biệt. Do đó, đề nghị Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ với nội dung nêu trên, đồng thời nêu rõ việc bổ sung quy định vào dự thảo Luật là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Lý giải sự cần thiết, đại biểu Lê Nhật Thành nêu rõ, việc kết hợp chặt chẽ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, trong đó chủ trương xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội. Qua đó góp phần quan trọng hiện đại hóa lực lượng vũ trang, sử dụng tài nguyên quốc gia, ngân sách nhà nước nước tiết kiệm, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, việc sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội sẽ giúp tạo lập một kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng khi xảy ra tình huống về an ninh, quốc phòng. Đồng thời cũng là kênh quan trọng để thực hiện công tác bảo đảm an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn chuyển đổi số.

Việc bổ sung quy định này vào dự án Luật không xung đột với quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Do Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa điều chỉnh đối với loại tài sản công là tần số vô tuyến điện phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh, không mâu thuẫn với pháp luật về thuế, phí. Hiện nay tần số phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh đang được miễn các khoản thuế, phí, lệ phí. Tuy nhiên, khi sử dụng kết hợp với mục đích phát triển kinh tế-xã hội, để có quy định phù hợp, đảm bảo bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ với nhà nước thì phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đồng thời, Bộ Công an phải có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để đảm bảo an ninh cho các băng tần Chính phủ giao theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và quy định của ngành. Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Nhật Thành cho rằng nên bổ sung quy định theo đề xuất của Chính phủ vào dự án Luật. Tuy nhiên, để tránh lạm dụng, tránh sử dụng sai mục đích phải có quản lý chặt chẽ và cấp thẩm quyền quyết định một cách chính xác.

Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, đại biểu Tạ Đình Thi bày tỏ chưa đồng tình với đề xuất của Chính phủ. Theo đó, khi sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế ưu tiên, bảo mật đặc biệt sang cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật quốc phòng, an ninh và bí mật Nhà nước. Đại biểu cho biết, đại đa số các vị đại biểu Quốc hội của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có biểu quyết và cũng thống nhất với nội dung này.

Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế chưa bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện. Hiện nay, về phương thức cấp phép có ba hình thức là đấu thầu, thi tuyển và cấp trực tiếp. Nguyên tắc này cũng chưa bảo đảm sự thống nhất với việc cấp phép của cơ quan cấp trên. Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chưa rõ ràng, đặc biệt Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết số 132/2020/QH14 của Quốc hội. Tuy nhiên, Nghị quyết số 132/2020/QH14 được ban hành nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết này chỉ mang tính chất thí điểm.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng bày tỏ quan điểm không quy định vào trong dự thảo Luật về đề xuất sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng để phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế. Theo đại biểu, trong bối cảnh hiện nay cần đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, lý giải nguyên nhân về quan điểm của mình, đại biểu cho rằng, việc quy định theo đề xuất của Chính phủ còn liên quan đến sự công bằng, công khai, minh bạch, tự do kinh doanh,… giữa các doanh nghiệp.

Kết luận nội dung này, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ, qua thảo luận, các vị đại biểu đều thống nhất, đồng tình về sự cần thiết trình Quốc hội ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Các vị đại biểu cũng phân tích rõ hơn về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn để đề xuất sửa đổi, ban hành Luật. Cơ bản, các vị đại biểu cũng đồng tình với Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời có ý kiến đóng góp trực tiếp, trong đó cơ bản là phân tích rõ hơn về hai luồng ý kiến về đề xuất của Chính phủ sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng để phục vụ quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế. Cùng với đó, các vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã thể hiện quan điểm của mình. Qua thảo luận cho thấy, vẫn còn ý kiến chưa thống nhất về đề xuất trên./.

Minh Thành - Phạm Thắng

Các bài viết khác