BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI, ĐẶC BIỆT VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐẶC THÙ TRONG PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

07/06/2022

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ,  Ủy ban Xã hội tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi Luật với các lý do được thể hiện trong Tờ trình. Việc sửa đổi Luật đã cơ bản thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06 - CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

 Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình. Các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng cần được quan tâm, xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh. Các nội dung sửa đổi bảo đảm phải tiến bộ hơn và góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát để giữ lại các quy định đang thực hiện ổn định, được đánh giá là phù hợp với thực tế, hạn chế sửa đổi khi chưa tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá hiệu quả của các quy định kiến nghị sửa đổi; Bổ sung các quy định để có thể nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh, hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù; Bổ sung quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của Công an cấp xã.

Toàn cảnh phiên họp

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về công tác gia đình và PCBLGĐ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác trong các luật có liên quan; rà soát, đánh giá để bảo đảm tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam để tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự án Luật.

Về bảo đảm chính sách dân tộc, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật, qua theo dõi, giám sát của Ủy ban Xã hội và ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, tại địa bàn sinh sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tương đối phổ biến, một số hành vi bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ chung trong cả nước. Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp PCBLGĐ phù hợp với các địa phương, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Cùng với đó, Ủy ban Xã hội cho rằng, Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật và quy định rõ nguyên tắc “thực hiện bình đẳng giới trong phòng, chống bạo lực gia đình”. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa nguyên tắc này, đồng thời, nghiên cứu lồng ghép giới vào các điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, về hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm đủ thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, cập nhật, bổ sung số liệu tại các báo cáo thành phần của hồ sơ theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật; bổ sung đánh giá về nguồn lực thực hiện các nội dung về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn về PCBLGĐ, người tham gia công tác PCBLGĐ và bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Hồ Hương