Đại biểu Dương Tấn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phát biểu tại hội trường
Phát biểu ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Tấn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các đối tượng chịu tác động để sửa đổi, bổ sung vào dự thảo luật lần này, cơ bản đã khắc phục được những khó khăn, vướng mắc của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, thể chế hóa được chủ trương của Đảng, đảm bảo thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với cam kết quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo chất lượng để Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Đưa ra ý kiến đối với nội dung cụ thể về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã được quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Theo đại biểu, việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đã có những ưu điểm vượt trội so với việc giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật đã phân tích rất rõ. Tại khoản 2 Điều 211, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã giao cho Chính phủ quy định cụ thể hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và thủ tục xử phạt. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng và phù hợp với tình hình thực tế, sự phát triển của xã hội, đồng thời đề nghị giữ quy định này như hiện hành.
Đối với vấn đề hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng ở Điều 190, đại biểu bày tỏ nhất trí với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị giữ nội dung này như hiện hành. Việc quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người nông dân và đặc biệt là vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số do tình trạng thiếu đất canh tác, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thu nhập còn thấp, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Do vậy cần phải có đánh giá rất kỹ nếu chúng ta sửa quy định này.
Bên cạnh đó, về tác giả, quyền tác giả, đồng tác giả, khoản 1 Điều 12a quy định "tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, trường hợp có từ 2 người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là đồng tác giả". Việc xác định đồng tác giả rất quan trọng vì nó liên quan đến quyền các quyền khác như là quyền nhân thân, quyền tài sản của chủ thể. Tuy nhiên, giải thích về đồng tác giả như trong dự thảo còn trừu tượng và rất khó xác định, có thể dẫn đến cách hiểu khác nhau khi thực hiện. Theo đại biểu, cần có giải thích từ ngữ về đồng tác giả thật rõ ràng hoặc có thể chúng ta sẽ đặt ra một số tiêu chí có thể định lượng được để xác định đồng tác giả. Ví dụ như thời gian về tỷ lệ người đó tham gia đóng góp tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh để có thể thực hiện một cách thống nhất khi luật được thông qua.
Toàn cảnh phiên họp
Tại khoản 60 Điều 1 bổ sung Điều 119a về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp, khoản 3 Điều 119a có đoạn thể hiện "đơn khiếu nại lần đầu được nộp dưới hình thức văn bản giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến". Theo đại biểu, nếu chỉ quy định như vậy thì chưa rõ đơn khiếu nại lần hai sẽ nộp dưới dạng nào. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ "lần đầu" để thống nhất hình thức nộp đơn, đồng thời bổ sung quy định đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ thì đơn mới có giá trị pháp lý.
Tại khoản 5 Điều 119a quy định "thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong trường hợp phải thẩm định lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 điều này hoặc phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại, thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại". Xuất phát từ quy định về thời gian giải quyết khiếu nại hiện nay thì quá ngắn nên dẫn đến tình trạng nhiều đơn khiếu nại giải quyết trễ hạn cho nên mới loại trừ thời gian này ra. Tuy nhiên, thời gian thẩm định lại hồ sơ khiếu nại có thể loại trừ ra, còn thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại cần phải phân định rất rõ việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại này do người khiếu nại yêu cầu thực hiện thì có thể loại trừ ra thời gian giải quyết khiếu nại. Việc cơ quan nhà nước trong quá trình xác minh cần phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại thì vẫn nằm trong thời gian giải quyết khiếu nại.
Ngoài ra, khoản 6 Điều 119a mới đề cập đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Có một số nội dung chưa được đề cập đến như thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thời hiệu giải quyết khiếu nại thì vẫn chưa được đề cập đến. Đại biểu đề nghị bổ sung 2 nội dung này vào dự thảo để triển khai một cách thống nhất.