ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC KHẢO SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

08/07/2022

Chiều 08/7, Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Lượng

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Quang Nguyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược thúc đẩy sự phát triển của tỉnh, những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Trong mỗi giai đoạn, căn cứ tình hình thực tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra các chủ trương biện pháp cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác GDNN.

Giai đoạn 2015-2021, HĐND tỉnh đã ban hành 8 Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; UBND tỉnh ban hành và phê duyệt 5 đề án, 15 quyết định và 19 kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thi hành Luật GDNN.

Tỉnh đã dành nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có ngân sách dành cho GDNN. Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai thực hiện, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chính sách.

Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo và có thu nhập ổn định đã tác động tốt đến tâm lý của người học và xã hội, bước đầu góp phần làm thay đổi quan điểm và cách nhìn của xã hội về học nghề, lập nghiệp.

Đội ngũ nhà giáo các cơ sở GDNN từng bước được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, phương tiện học tập được đầu tư thêm, các chương trình đào tạo theo 3 cấp trình độ được xây dựng và hoàn thiện.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã đề xuất 2 trường cao đẳng thuộc tỉnh là Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc và 4 trường cao đẳng trên địa bàn thuộc các bộ, ngành quản lý là các trường được lựa chọn đào tạo ngành, nghề trọng điểm.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 cơ sở hoạt động GDNN, trong đó có 7 trường cao đẳng; 3 trường trung cấp; 20 trung tâm GDNN; 3 cơ sở khác hoạt động GDNN và 1 doanh nghiệp đăng ký hoạt động GDNN. Tổng quy mô tuyển sinh trên 47.500 người/năm.

Từ năm 2015 đến nay, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo mới cho trên gần 210 nghìn lao động; trong đó, trình độ cao đẳng chiếm trên 4%, trung cấp chiếm 17,8% và trình độ sơ cấp chiếm hơn 78%.

Công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên hằng năm, từ 66% năm 2015 tăng lên 77,6% vào năm 2021.

Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI. Qua đó, góp phần giải quyết việc, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân

Ghi nhận và đánh giá những kết quả trong công tác GDNN của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh trao đổi, thông tin một số nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới các trường nghề trong hệ thống GDNN; việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở GDNN và hướng phát triển hệ thống các cơ sở GDNN ngoài công lập;

Các cơ chế, chính sách để giữ chân đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi các trường nghề vì đang xảy hiện tượng “chảy máu chất xám” tại các cơ sở GDNN; công tác phân cấp quản lý nhà nước đối với các cơ sở GDNN; việc giao tự chủ kinh phí cho các cơ sở GDNN.

Công tác đào tạo nghề cho một số đối tượng đặc biệt, nhất là đào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp; hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDNN hiện có; chất lượng tăng trưởng hoạt động đào tạo và lý do hoạt động xã hội hóa GDNN giảm trong thời gian qua…

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận đánh giá cao những kết quả trong hoạt động GDNN của tỉnh trong thời gian qua.

Những thông tin, ý kiến, trao đổi của tỉnh là cơ sở thực tiễn để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổng hợp, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách pháp luật về GDNN theo hướng đồng bộ, hiệu quả, sát thực tiễn, phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Đồng chí cũng đề nghị thời gian tới Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách; xây dựng chiến lược phát triển GDNN; nghiên cứu sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo nghề theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tăng cường phối hợp giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp trong đào tạo nghề; quan tâm nâng cao đời sống giáo viên dạy nghề; công tác phân luồng học sinh sau THCS; bố trí đầu tư nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động GDNN, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

(Theo Báo điện tử Vĩnh Phúc)