Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K'đăm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và đại diện Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Pháp luật, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tài chính - Ngân sách; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại cuộc làm việc, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết, PTSC là đơn vị do PVN nắm cổ phần chi phối (51% vốn điều lệ). Với tổng quy mô tài sản tính đến cuối năm 2021 là 24.844 tỷ đồng, PTSC hiện sở hữu hệ thống cơ sở vật chất lớn mạnh, phân bố tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước với đội tàu dịch vụ 19 chiếc, đầu tư sở hữu và đồng sở hữu 6 kho nổi chứa xuất và xử lý dầu thô hiện đại có giá trị lớn, hệ thống căn cứ cảng được đầu tư phát triển tại nhiều trung tâm kinh tế - dầu khí từ Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Đặc biệt, căn cứ cảng dịch vụ dầu khí tại Vũng Tàu đã cung cấp hỗ trợ dịch vụ cảng và hậu cần cho toàn bộ các hoạt động chính về thăm dò và khai thác của các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam. PTSC hiện còn đang sở hữu và quản lý các xưởng cơ khí chế tạo, điện tự động hóa, chống ăn mòn..., công trường thi công, đóng mới các công trình dầu khí ngoài khơi và các công trình công nghiệp, phương tiện hiện đại… Kết quả thực hiện doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 là 6.600 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 66% kế hoạch năm, tăng 13% so với thực hiện cùng kỳ năm trước, lợi nhuận hợp nhất trước thuế thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 là 380 tỷ đồng, đạt 156% kế hoạch 6 tháng đầu năm.
Kiến nghị với Đoàn công tác, lãnh đạo PTSC cho biết, trong thời gian tới ngành dầu khí sẽ triển khai hàng loạt dự án trọng điểm có quy mô đầu tư và khối lượng công việc vô cùng lớn, điển hình như các chuỗi dự án Cá Voi Xanh, Lô B, các dự án nhà máy xử lý khí, các dự án nhà máy điện than, nhà máy điện khí, Dự án Lạc Đà Vàng, Kình Ngư... Đây là cơ hội rất lớn để tham gia cung cấp dịch vụ, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện năng lực đối với các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật nói chung và PTSC nói riêng.
Với xu hướng bảo hộ hiện nay của nhiều nước trên thế giới, PTSC kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép Tập đoàn có các giải pháp cụ thể tạo hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế nguy cơ mất cơ hội công việc ngay trên sân nhà; kiến nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn ban hành bộ quy chuẩn về thương mại, kỹ thuật, năng lực kinh nghiệm của các nhà thầu, nhà cung cấp và phê duyệt danh sách nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn...
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá cao kết quả tích cực trong hoạt động dầu khí của PTSC. Trải qua hơn 30 năm phát triển, PTSC đã không ngừng lớn mạnh, vươn lên trở thành một trong những đơn vị chủ lực và là đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao chuyên ngành phục vụ trực tiếp cho thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí hàng đầu trong nước và khu vực.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua. Hiện nay, Ủy ban Kinh tế đang chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư tới. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ 6 yêu cầu lớn mà dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi phải đạt được. Trong đó, phải thể chế hóa được đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23.7.2015 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trên cơ sở lắng nghe các kiến nghị của PVN, các đơn vị thành viên của PVN và khảo sát thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tập hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.