8 ĐIỂM MỚI MANG TÍNH ĐỘT PHÁ CỦA LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG

09/07/2022

Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Với 8 điểm mới đột phá, dự luật được thông qua kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) vào chiều 15/6

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn

 Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng: Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)  bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” (Điều 24), “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến” (Điều 28); Bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến” hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân (khoản 3 Điều 79);

Đồng thời, bổ sung quy định về thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công tham mưu, giúp về thi đua, khen thưởng (khoản 3 và khoản 5 Điều 83); Bổ sung trách nhiệm Người đứng đầu phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng (khoản 1 Điều 13), Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng (khoản 6 Điều 83); Phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh theo hướng Luật sẽ quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đồng thời giao Bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề lĩnh vực.

Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Cụ thể, dự luật đã bổ sung nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” (điểm c khoản 2 Điều 5) và được thể hiện trong các điều, khoản của từng hình thức khen thưởng trong dự thảo Luật về tiêu chuẩn, thành tích đạt được và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung quy định “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án (khoản 2 Điều 23).

Phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương

Quy định tại dự luật, đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thiết thực, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Theo đó, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bỏ quy định đăng ký thi đua là căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 7); Bổ sung trách nhiệm của “Người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, đơn vị (khoản 1 Điều 13); Bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu (Điều 29); Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua (Điều 21, 22, 23, 24 và khoản 1 Điều 26); Bổ sung tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua của Chính phủ đối với tập thể dẫn đầu cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức (khoản 2 Điều 25); tập thể dẫn đầu phong trào thi đua chuyên đề ở cấp toàn quốc và cấp bộ, cấp tỉnh khi sơ kết, tổng kết (khoản 2 Điều 26).

Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp,…

Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Cụ thể,  dự luật đã:  Bổ sung nguyên tắc tại điểm d khoản 2 Điều 5; Bổ sung đối tượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động là đối tượng được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” (khoản 2 Điều 24); Bổ sung đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; công tác xã hội, từ thiện nhân đạo; Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cho đối tượng là cán bộ nghiên cứu giáo dục (Điều 64); (v) Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân” cho đối tượng là “hộ sinh” (khoản 1 Điều 65); Bổ sung đối tượng xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” cho đối tượng là “người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” (khoản 1 Điều 66); Bổ sung cách tính thời gian (nhân hệ số 2) làm tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước đối với cán bộ y tế, giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 4 các điều 64 và 65).

Giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân. Theo đó, dự luật đã: Quy định cụ thể đối tượng khen thưởng Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44), “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (Điều 73), Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh (Điều 74) cho đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; Bổ sung quy định nguyên tắc xét tôn vinh và trao tặng giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác (Điều 81); Bổ sung thẩm quyền trình khen thưởng đối với doanh nghiệp do Chính phủ quy định (khoản 7 Điều 83).

Quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã quy định cụ thể khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam: đối tượng khen thưởng là cá nhân người nước ngoài đối với Huân chương Hồ Chí Minh (Điều 35); cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài đối với Huân chương Độc lập các hạng (Điều 36, 37 và Điều 38), Huân chương Lao động các hạng (Điều 42, 43 và Điều 44); quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng Huy chương Hữu nghị (Điều 58).

Bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang

Theo đó, tại khoản 2, Điều 96, Luật Thi đua, khen thưởng 2022 quy định về “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” như sau: Thực hiện tặng và truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 02 năm trở lên; Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.

Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã quy định về thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng. Cụ thể: Giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước (khoản 4 Điều 84); Bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 85); Bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng” là một nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng (điểm e khoản 2 Điều 89).

Trước đó, chiều ngày 15/6, với 424/437 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,14% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Luật này quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Lê Anh