ĐẢM BẢO THỎA ĐÁNG VÀ CÂN BẰNG TRONG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

09/07/2022

Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Luật sửa đổi đã bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật được Quốc hội khóa Xv thông qua tại Kỳ họp thứ 3

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ phải được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật; đồng thời thực tiễn thi hành cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Thực tiễn thi hành trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định ở các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, một số nội dung chưa được quy định cụ thể, chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy khai thác sử dụng làm nền tảng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan, chưa tạo được động lực thực sự cho việc tạo ra, khai thác và thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí, chưa bảo đảm sự thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra nhiều nghĩa vụ phải thi hành đối với Việt Nam liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do đòi hỏi phải được nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ.

Toàn cảnh họp báo

Giới thiệu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, nội dung sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ tập trung vào một số nhóm chính sách lớn, cụ thể, đối với chính sách về đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Cụ thể, Luật đã bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Luật cũng đã bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan; sửa đổi các quy định về chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lãnh mạnh giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có trước.

Đối với chính sách về tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, các nội dung sửa đổi trong Luật nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống sở hữu trí tuệ (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hưởng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; quy định điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định sở hữu trí tuệ với giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định sở hữu trí tuệ);

Đối với chính sách về nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, các quy định liên quan đến thực thi quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.

Đối với chính sách bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; một số quy định về ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cũng cho biết, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; giả định về quyền tác giả, quyền liên quan; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.

Hồ Hương