Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản 775/UBTVQH14-PL và văn bản số 4357/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 55, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Phân loại đô thị trong giai đoạn 5 năm vừa qua, tổng hợp các đề xuất, vướng mắc khó khăn của địa phương để kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.
Theo Bộ Xây dựng, sau 05 năm thực hiện Nghị quyết, công tác đánh giá, phân loại đô thị đã có nhiều đổi mới, được thực hiện toàn diện, chất lượng hơn từ phát triển kinh tế - xã hội cũng như khả năng, mức độ phát triển đô thị, không chỉ đối với khu vực nội thành, nội thị mà còn đối với cả khu vực ngoại thành, ngoại thị và các khu vực dự kiến thành lập quận, phường. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng đô thị dần đi vào nề nếp, có kế hoạch, thứ tự ưu tiên, thu hút nguồn lực hiệu quả. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng và chỉnh trang, từng bước đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị; diện mạo, kiến trúc cảnh quan đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại,...
Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 1210, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đối với 05 đô thị loại I, 12 đô thị loại II; Bộ Xây dựng theo thẩm quyền đã ban hành quyết định công nhận đối với 20 đô thị loại III và 197 đô thị loại IV; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 197 đô thị loại V. Đến tháng 6/2021, cả nước có 867 đô thị, trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại I; 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 89 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V. Một số đô thị được nâng loại đô thị, sau đó đã được thành lập thành phố, thị xã; nhiều điểm dân cư nông thôn được đầu tư xây dựng trở thành đô thị loại V đã được thành lập thị trấn trung tâm của huyện – hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn kết phát triển đô thị - nông thôn;…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, một số quy định trong Nghị quyết số 1210 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể:
Một là, một số tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị quy định trong Nghị quyết số 1210 chưa xem xét đặc điểm vùng miền, yếu tố đặc thù về mức độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc điểm phân bố dân cư, lao động; chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của các đô thị như quy mô dân số, mật độ dân số quy định ở mức cao; yêu cầu bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử; các chính sách ưu tiên đối với vùng khó khăn đặc biệt khó khăn, vùng chịu tác đống của biến đổi khí hậu; đô thị có định hướng phát triển theo mô hình tăng trưởng xanh, thông minh,… nên nhiều đô thị, bao gồm cả các đô thị loại I, loại II, loại III, đặc biệt là đô thị loại IV khó đạt được tiêu chí theo quy định. Một số tiêu chuẩn như: nhà ở, đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị và cấp đơn vị ở, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại khu chôn lấp hợp vệ sinh hoặc tại các nhà máy đốt, nhà máy xử lý rác thải, nhà tang lễ,… chưa phù hợp với điều kiện thực tế, quy định mới; phương pháp tính toán một số tiêu chuẩn về kinh tế - xã hội, viễn thông, công nghệ thông tin, tiêu chuẩn về không gian công cộng hoặc các tiêu chuẩn đánh giá phân loại ở ngoại thành, ngoại thị cũng cần quy định rõ hơn hoặc phải sửa đổi phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành mới được ban hành, tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị
Hai là, Nghị quyết số 1210 chưa có quy định cụ thể để áp dụng đánh giá phân loại đối với đô thị có tính chất đặc thù như các đô thị được định hướng phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đại phương (Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10 tháng 01 năm 2019 về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045). Chính sách khuyến khích phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chưa được quy định cụ thể trong Nghị quyết số 1210 để có cơ sở áp dụng.
Ba là, mối quan hệ giữa phân loại đô thị và công nhận đơn vị hành chính đô thị tương đương còn chưa cụ thể. Một số địa phương còn lúng túng khi tổ chức thực hiện phân loại đô thị, đánh giá chất lượng đô thị đối với các trường hợp phạm vi thành lập đơn vị hành chính đô thị khác với phạm vi phân loại đô thị đã được công nhân trước đó. Việc đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường cũng chưa được quy định rõ ràng.
Bốn là, việc kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo đõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu, việc quản lý chất lượng đô thị sau sắp xếp đơn vị hành chính đô thị chưa được quy định trong Nghị quyết số 1210 để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện kiểm tra định kỳ, thường xuyên.
Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 là thực sự cần thiết, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn khách quan. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 cùng với việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 -2030 theo Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị. Vì vậy, để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 về phân loại đô thị theo trình tự, thủ tục rút gọn./.