ĐBQH DƯƠNG VĂN PHƯỚC: VIỆC BỐ TRÍ XE CÔNG PHỤC VỤ CÔNG TÁC KHÔNG PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ GÂY THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ

22/07/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ 3, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ rõ bất cập trong việc quy định tiêu chuẩn, định mức không còn phù hợp với thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay là việc bố trí xe công phục vụ công tác, qua đó gây khó khăn, cản trở cho việc triển khai nhiệm vụ cũng như gây lãng phí, thất thoát.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng: Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam 

Góp ý về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu rõ, việc tăng cường siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản nhà nước với các chế độ, định mức cụ thể là một trong những việc làm rất cần thiết. Đại biểu Dương Văn Phước đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua đã ban hành nhiều quy định khá cụ thể về định mức để làm cơ sở chi tiêu, quản lý ngân sách nhà nước, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy những tiêu chuẩn, định mức khi không còn phù hợp, xa rời thực tế sẽ cản trở, gây khó khăn cho việc triển khai nhiệm vụ, gây lãng phí, thất thoát.

Đại biểu Dương Văn Phước chỉ rõ, bất cập trong việc quy định tiêu chuẩn, định mức không còn phù hợp với thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay là việc bố trí xe công phục vụ công tác. Bởi do những quy định tưởng chừng như rất nhỏ này, việc trang bị xe ô tô phục vụ cho công tác hiện nay thực hiện theo quy định Nghị định số 104 ngày 11/01/2019 của Chính phủ. Theo đó, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phương đều gặp nhiều khó khăn, lúng túng, bị động trong việc bố trí xe công tác, nhất là các tỉnh có nhiều đơn vị hành chính, có nhiều huyện miền núi, có địa hình phức tạp, tiêu chuẩn, định mức trang bị xe chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, không đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ.

Đại biểu nêu dần chứng như các Ban Công tác xây dựng Đảng thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương hầu hết đều bố trí một Ủy viên Ban thường vụ và một số sở, ngành phải thường xuyên đi công tác ở các cơ sở nhưng chỉ được trang bị một xe ô tô. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ được trang bị 3 xe nhưng lại vừa phục vụ cho công tác của Văn phòng, vừa phục vụ cho các Phó Chủ tịch của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, trong khi các cơ quan này trung bình có từ 3 đến 4 chức danh đủ tiêu chuẩn để bố trí xe ô tô phục vụ công tác. Khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị ở cấp huyện gồm có 6 đơn vị Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh thường xuyên đi công tác cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các công tác tôn giáo, dân tộc bầu cử, cứu trợ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, đi họp ở tỉnh theo yêu cầu của 6 cơ quan cấp trên trực tiếp nhưng không được bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung, phải đi thuê xe thường xuyên, rất tốn kém.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Phước cũng nêu rõ, qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy, việc cắt giảm số lượng xe công nhưng không xét đến các yếu tố dân số, diện tích, điều kiện tự nhiên đã gây nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hiện nay, kinh phí chi thuê xe phục vụ công tác của các đơn vị này khá lớn, mỗi nơi quy định một khác, có nơi kinh phí thuê xe trong 1 năm bằng tiền mua mới một chiếc xe, lại không đảm bảo an toàn cho người đi công tác. Đại biểu nêu ví dụ ở Quang Nam, với địa bàn rộng, diện tích tự nhiên hơn 10.000 km2, 18 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 9 huyện miền núi, giao thông đi lại rất khó khăn, hạ tầng vận tải công cộng chưa phát triển, nếu tính chi phí cho ô tô công thì mất khoảng 700 đến 800 nghìn đồng cho một chuyến đi công tác nhưng nếu thuê xe thì phải mất đến 2 đến 3 triệu đồng/chuyến/ngày. Như vậy đã không tiết kiệm, gây lãng phí, lại còn rất bất tiện, không đảm bảo an toàn. Ở những cơ quan thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và một số sở, ngành, việc thuê xe gây tốn kém, bị động, trong khi yêu cầu công tác không thể không thuê xe. Đại biểu Dương Văn Phước nhận thấy. đây là một bất cập lớn, gây khó khăn cho nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 04/2019 của Chính phủ tại hầu hết các địa phương trên cả nước.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 04 theo hướng: Nâng định mức xe ô tô phục vụ công tác cho các Ban xây dựng Đảng thuộc các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương tối thiểu 2 xe/đơn vị, bổ sung quỹ xe cho mỗi tỉnh từ 8 đến 10 xe ô tô tùy đặc điểm tình hình diện tích, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh và giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để phân bổ cho các sở, ngànhd. Những sở, ngành có đặc thù công tác đi nhiều cơ sở thì sẽ được bố trí từ 2 xe/đơn vị, xem xét trang bị 1 xe ô tô phục vụ công tác chung cho khối dân vận và các đoàn thể chính trị xã hội cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu, tính chất công việc của khối cơ quan này.

Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, việc đề nghị bố trí thêm xe công tưởng chừng như một nghịch lý với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng lại rất hợp lý, bởi đây là một bài toán chi phí hợp lý, nó tháo gỡ những khó khăn từ cơ sở, kịp thời giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./.

Bích Ngọc