NHIỀU Ý KIẾN PHẢN BIỆN, CÓ TÍNH KHOA HỌC CAO TẠI TỌA ĐÀM VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

28/07/2022

Ngày 28/7 tại tỉnh Thanh Hóa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm khoa học nhằm lấy ý kiến về các nội dung lớn, phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự.

 

Uỷ ban Quốc phòng và An ninh khảo sát về Phòng thủ dân sự tại Thái Nguyên

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh phát biểu tại Toạ đàm

Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí lãnh đạo, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa, các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lĩnh vực này. Cuộc tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện Cục Cứu nạn cứu hộ, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Ban soạn thảo dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Học viện, nhà trường, cơ sở nghiên cứu và đại diện tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, dự án Luật Phòng thủ dân sự đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2022, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới đây. Với tinh thần chủ động, từ sớm, từ xa, Ủy ban đã tiến hành 4 đoàn khảo sát tại 3 miền. Cuộc tọa đàm này là dịp để Thường trực Ủy ban tiếp tục ghi nhận các ý kiến trao đổi, góp ý sâu sắc của các Giáo sư, tiến sỹ, nhà khoa học và chuyên gia về dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Các đại biểu phát biểu tại Toạ đàm

Các đại biểu cho rằng, phòng thủ dân sự là hoạt động có tính chất bao trùm các lĩnh vực đời sống; thống kê sơ bộ được quy định ở 39 luật, trong khoảng 80 văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó việc ban hành Luật là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định Hiến pháp 2013 trên nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Phòng thủ dân sự đã được quy định trong Luật Quốc phòng và Nghị định số 02/2019, là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, cần đặt làm rõ nội hàm khái niệm này cũng như sự cấp thiết xây dựng luật để tránh chồng chéo.

Đại diện Ban soạn thảo phát biểu

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII cho rằng, người dân tự đào hẩm để trú ẩn, đó là phòng thủ dân sự. Vì vậy, khái niệm phải xác định lại khoa học hơn, thực tiễn hơn và mang tính thời đại hơn, chứ ở trong dự thảo luật này không có khái niệm về phòng thủ dân sự. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XII, XIII phân tích: “Tất cả vấn đề gì liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân về phòng thủ dân sự phải quy định theo luật. Hiện nay chúng ta có Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp, các Nghị định kèm theo nhưng thực hiện quyền con người quyền công dân còn lúng túng”.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, sợi chỉ đỏ xuyên suốt của Phòng thủ dân sự là bảo vệ nhân dân trong mọi tình huống, ứng phó với các thảm họa, sự cố. Vì vậy, xây dựng Luật này cần đặt trong tổng thể các quy định pháp luật, phải có tầm nhìn. Phân tích cụ thể về nội dung này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm: “Tất cả các hoạt động KT-XH đều phải gắn với quy hoạch nên Phòng thủ dân sự cũng phải theo quy hoạch phát triển KT-XH, cho nên tôi đọc thấy nó mơ hồ trong khi quy hoạch là nhạc trưởng, nó là luật “mẹ” về các vấn đề quy hoạch, kế hoạch thì chúng ta không đạt được”.

Các đồng chí đồng chủ trì buổi toạ đàm

Phân tích dưới góc độ nghiên cứu, Thiếu tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND cho rằng, cuộc tọa đàm cần làm rõ hơn về tính cấp thiết của việc ban hành Luật này trên cơ sở thể chế hóa chủ trương, đường lối, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, dựng nước đi đôi với giữ nước; phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân trong bảo vệ Tổ quốc; làm rõ luật này có tác động gì đến quyền con người, công dân. “Rất nhiều các luật chuyên ngành nói về vấn đề này nhưng thiếu luật chung nhất. Có những vấn đề quan trong liên quan đến Phòng thủ dân sự lại chưa đưa vào luật. Ví dụ như vấn đề an ninh phi truyền thống chưa thấy nói ở đây rõ nét, vấn đề có phải ứng phó, khắc phục không? Nhiều vấn đề mới đặt ra để hiểu nội hàm Phòng thủ dân sự phải rộng hơn nữa”, Thiếu tướng PGS.TS Phan Xuân Tuy nhấn mạnh.

Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu Quốc hội các khóa đã tập trung trao đổi, phân tích, cho ý kiến về các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật để bảo đảm tránh chồng chéo giữa hệ thống pháp luật; các dạng thảm họa, sự cố, mức độ rủi ro; công trình Phòng thủ dân sự; tình trạng khẩn cấp về Phòng thủ dân sự; quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, lực lượng tham gia Phòng thủ dân sự và mối quan hệ giữa các lực lượng. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như: quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động Phòng thủ dân sự; nguồn lực và chế độ chính sách đối với người tham gia Phòng thủ dân sự.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh gia cao các ý kiến phát biểu đều có chất lượng, có tính phản biện cao, đề cập đến cả cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, làm rõ khái niệm “Phòng thủ dân sự”; phân tích làm rõ phạm vi dự thảo Luật; rà soát các quy định để tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo với các luật khác có liên quan.  Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến trong quá trình thẩm tra dự án Luật Phòng thủ dân sự, để bảo đảm chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trình ra Quốc hội để nhận được sự đồng thuận cao, đảm bảo tính pháp lý và tính khả thi khi Luật được thông qua./.

Khắc Phục