HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU, TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU CẦN BÁM SÁT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG LUẬT, PHÁP LỆNH

29/07/2022

Tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Viện Nghiên cứu lập pháp (VNCLP) về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15, dự kiến công tác 6 tháng cuối năm 2022, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, Viện sẽ chủ động tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia uy tín,... triển khai tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề bám sát theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Viện Nghiên cứu lập pháp 

Đổi mới toàn diện

Báo cáo tại cuộc làm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc (HĐDT), các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH, Văn phòng Quốc hội (VPQH); dưới sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng ủy cơ quan VPQH; với tinh thần đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu của cả tập thể, tổ chức và hoạt động của Viện NCLP được đổi mới toàn diện, đạt được kết quả tích cực theo nội dung Thông báo kết luận số 185-TB/ĐĐQH15 ngày 14/9/2021 của Đảng đoàn Quốc hội và Nghị quyết số 05 ngày 29/9/2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện NCLP.

Công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu để tham mưu, phục vụ quá trình đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội và bộ máy tham mưu giúp việc của Quốc hội, UBTVQH được thực hiện một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm; tham gia xây dựng nhiều Đề án theo sự phân công của Đảng đoàn Quốc hội; chủ động nghiên cứu, phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm, xây dựng văn bản góp ý, chuyên đề nghiên cứu phục vụ công tác thẩm tra, cho ý kiến về các Dự án luật, dự thảo Nghị quyết và phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Quốc hội; phối hợp với các đơn vị chức năng của VPQH tổ chức công tác thông tin khoa học lập pháp, công khai các kết quả nghiên cứu trên website và mạng nội bộ. Hoạt động biên tập và xuất bản của Tạp chí NCLP theo đúng kế hoạch năm, bảo đảm chất lượng, củng cố vị thế, uy tín của Tạp chí. Đổi mới, nâng cao năng lực công tác giúp UBTVQH quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học của UBTVQH. Triển khai bước đầu có kết quả công tác huy động, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học ...

Nghị quyết số 05 của UBTVQH được ban hành kịp thời, đúng thời điểm. Việc triển khai Nghị quyết đã đem lại những tác động tích cực trên nhiều mặt. Tinh thần, thái độ và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Viện NCLP được nâng lên, tạo môi trường làm việc đoàn kết, hợp tác, chia sẻ và trách nhiệm. Tổ chức của Viện NCLP đã được kiện toàn. Hoạt động của Viện NCLP có những khởi sắc, đi đúng định hướng, ngày càng phát huy được vai trò là cơ quan nghiên cứu về khoa học lập pháp và thông tin lập pháp; tham gia tích cực, chủ động, từ sớm, từ xa phục vụ công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, UBTVQH; đã có sự gắn kết chặt chẽ và từng bước tham gia có hiệu quả với HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội trong các khâu của quy trình xây dựng pháp luật; phục vụ hoạt động giám sát và tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, do thời gian triển khai thực hiện chưa dài nên vẫn còn một số quy định triển khai chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể như: công tác tổ chức nhân sự của Tạp chí NLCP chưa được kiện toàn đầy đủ; hoạt động ký kết, triển khai hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu chưa nhiều; công tác tiếp nhận, quản lý, khai thác và phổ biến kết quả NCKH chưa thực hiện được nhiều; (iv) việc huy động đội ngũ chuyên gia có mặt hạn chế ...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển 

Tập trung nguồn lực, chú trọng công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu

Liên quan đến dự kiến công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện tập trung vào triển khai: Công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu góp ý kiến đối với các dự án luật được trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV; Chủ trì, đôn đốc các cơ quan liên quan, chủ nhiệm đề tài thực hiện đúng tiến độ công tác nghiên cứu khoa học; tổ chức phục vụ các phiên họp của Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và giúp Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức các hội thảo khoa học lớn, liên quan đến các dự án luật quan trọng, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi); …

Trong đó, Viện NCLP sẽ chủ động tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm cùng cơ quan soạn thảo, các Ủy ban chủ trì thẩm tra triển khai tổ chức các hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu chuyên đề về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội và UBTVQH.

Đồng thời, sẵn sàng tổ chức các toạ đàm khoa học chuyên sâu về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi có yêu cầu đối với các dự án Luật được xem xét thông qua, gồm: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Dân chủ cơ sở; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện.

 Chủ trì tổ chức các hội thảo, tọa đàm nằm trong chương trình nghiên cứu của các NVKH đã được phê duyệt trong năm 2022; chuyển hóa kết quả hội thảo, tọa đàm và nghiên cứu đề tài thành sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm thông tin để phục vụ lãnh đạo Quốc hội, UBVTQH và các cơ quan của Quốc hội.

Tham gia tích cực và có trách nhiệm trong việc xây dựng, hoàn thiện các đề án theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội. Tập trung vào Đề án “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phối hợp phục vụ Đảng đoàn Quốc hội thực hiện 04 nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xây dựng pháp luật; các nhiệm vụ khác do Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH giao.…

Bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 và thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn của 6 tháng cuối năm 2022, tạo tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp kiến nghị: Nâng cao vị thế của Viện trong quan hệ công tác với các cơ quan trong và ngoài Quốc hội; Chế độ, chính sách đối với chuyên gia, cộng tác viên; Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Viện Nghiên cứu lập pháp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, nhất là trong các hoạt động thực tế như giám sát, khảo sát, hội thảo, hội nghị, họp thẩm tra...;

Góp ý tại cuộc làm việc, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, kết quả tiêu biểu trong hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Nhấn mạnh, tính chủ động, đóng góp thiết thực của Viện trong công tác nghiên cứu, cung cấp thông tin, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp trong công tác phối hợp giữa Viện và các cơ quan của Quốc hội ngay từ thời điểm xây dựng, thẩm tra, cho ý kiến vào các dự án luật, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả; Cần có chương trình/kế hoạch nghiên cứu mang tính dài hơn, bám sát nhiệm vụ,…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có nhiều đổi mới trong hoạt động, đóng góp thiết thực vào công tác lập pháp. Tuy nhiên, với vị trí pháp lý là cơ quan nghiên cứu về khoa học lập pháp và thông tin lập pháp nhưng lực lượng nghiên cứu của Viện còn mỏng do đó, chủ yếu vẫn là tổ chức nghiên cứu, hoạt động chủ động nghiên cứu chưa nhiều.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, để bám sát hoạt động lập pháp của Quốc hội, hoạt động nghiên cứu của Viện Nghiên cứu lập pháp cần gắn bó, liên hệ mật thiết với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trên cơ sở chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được thông qua. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, thời gian tới công tác nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, tập trung vào thảo luận nhóm, gắn với những nội dung trọng tâm còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau,… nhằm phục vụ thiết thực việc góp ý vào các dự án luật được thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 tới đây…/.

Lê Anh

Các bài viết khác