Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với thành phố Hà Nội
Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai
Báo cáo kết quả tiếp công dân trong giai đoạn từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội với Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, các cơ quan hành chính tại Hà Nội đã tổ chức tiếp thường xuyên 165.506 lượt công dân, lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã tổ chức tiếp định kỳ 68.614 lượt, tiếp đột xuất 4.493 lượt công dân. Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân qua công tác tiếp công dân chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (chiếm tỷ lệ trên 70%), liên quan đến việc bán nhà theo Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ (chiếm khoảng 8%), liên quan đến các chính sách lao động, thương binh, xã hội, chính sách đối với người có công, người nhiễm chất độc màu da cam (chiếm tỷ lệ khoảng 7%) và các nội dung khác (chiếm tỷ ỉệ khoảng 15%). Các cơ quan hành chính đã tiếp 1.395 lượt đoàn đông người/119 vụ việc, nhiều vụ việc có tính chất phức tạp kéo dài.
Triển khai các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các nghị định, thông tư,... Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4768/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Tiếp công dân Thành phố, đồng thời ban hành các quyết định để triển khai cụ thể trên địa bàn thành phố Hà Nội, làm căn cứ để các đơn vị tập trung thực hiện thống nhất, đồng bộ. UBND thành phố Hà Nội cũng tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác tiếp công dân, nhất là tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố vào ngày thứ 3 của tuần thứ 3 hàng tháng. Việc tiếp công dân, tiếp nhận đơn được ghi chép đầy đủ theo quy định.
Đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội
Tuy nhiên, đại diện Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhận thấy công tác tiếp công dân trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện trực 100% số buổi tiếp công dân định kỳ; thủ trưởng một số cơ quan chưa thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Tại các xã, phường, thị trấn do không có công chức chuyên trách nên có hiện tượng nhầm lẫn giữa đơn tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh; đơn tiếp tố với đơn khiếu nại; phân định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai giữa cơ quan hành chính với cơ quan Toà án. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm; một số đơn vị chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc. Một số vụ khiếu nại, tố cáo chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền, do đó gây khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác thuộc Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Việc uỷ cấp phó tiếp công dân định kỳ chiếm tỷ lệ cao
Qua rà soát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà - Tổ trưởng Tổ công tác thuộc Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, trong giai đoạn từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021, tỷ lệ tiếp công dân của cả 03 cấp đều không vượt quá 50%, trung bình tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo các cấp chỉ đạt 39,79%, việc uỷ quyền cho cấp phó tiếp định kỳ tính trung bình chiếm tỷ lệ cao là 60,21%. Qua khảo sát một số địa điểm tiếp công dân, Tổ Công tác nhận thấy, cơ sở hạ tầng có nơi còn có khó khăn nhất định; sổ tiếp công dân nhiều cột mục còn ghi chép sơ sài chưa đầy đủ; việc phân loại đơn còn có sự nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại, tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa kết nối tiếp công dân trực tuyến đến phường. Hơn nữa, vẫn có nơi đang thực hiện việc cập nhật, thống kê số liệu theo biểu mẫu cũ.
Từ thực trạng trên, Tổ Công tác đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và người đứng đầu các sở, ngành trên địa bàn thành phố thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân; niêm yết công khai và công bố trên trang thông tin điện tử (nếu có) lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo đúng quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 24 Luật Tiếp Công dân.
Tổ Công tác cũng đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ ra nguyên nhân tồn tại, hạn chế của việc tiếp công dân định kỳ, biện pháp khắc phục và đề xuất giải pháp, đồng thời bổ sung đánh giá sâu hơn về chất lượng, hiệu quả tiếp công dân của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan gắn với việc giải quyết, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm góp phần giải quyết dứt điểm, giảm thiểu số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, nổi cộm, phức tạp, kéo dài. Cùng với đó chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã, cấp huyện trên địa bàn triển khai thực hiện thống nhất mẫu mới về sổ tiếp công dân theo Thông tư 04/2021/TT-TTCP; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng trong công tác tiếp công dân cấp xã./.