NHẤT TRÍ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP TỤC CHI TRẢ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI HƠN 400 NGHÌN NGƯỜI LAO ĐỘNG THUỘC ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 03/2021/UBTVQH15

11/08/2022

Chiều 11/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTVQH xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trình UBTVQH bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên họp

Vẫn còn hơn 400 nghìn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng chưa được chi trả

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau ngày 31/12/2021 (thời điểm hoàn thành việc hỗ trợ đối với người lao động) vẫn còn hơn 414 nghìn lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đúng thời hạn theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg (nộp hồ sơ đề nghị chậm nhất đến hết ngày 20/12/2021) nhưng chưa được chi trả với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng. Do đây là các trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ vào những ngày cuối cùng của thời hạn theo quy định (thời hạn cuối cùng chậm nhất là ngày 20/12/2021), có diễn biến quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp phức tạp; thông tin về quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp; nhân thân của người lao động còn chưa chính xác do đó để xác định đúng người, đúng mức hưởng chỉ hoàn thành sau ngày 31/12/2021 (thời điểm hoàn thành việc chi trả theo quy định) nên chưa chi trả cho các trường hợp này.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, phát sinh khó khăn trong việc xác định rõ đối tượng hỗ trợ, cơ sở để xác định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các đơn vị do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập được giao tự chủ về tài chính làm cơ sở thực hiện Nghị quyết số 116/NQ CP. Do đó, việc thực hiện các thủ tục nhận hỗ trợ của một số đơn vị đặc thù còn chậm so với tiến độ đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình

Trên cơ sở đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Thông báo kết luận cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH ngày 24/9/2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với nội dung: Cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ với số tiền dự kiến khoảng 1.155 tỷ đồng cho hơn 414 nghìn người lao động đủ điều kiện và đã nộp hồ sơ theo quy định; Thời hạn thực hiện chỉ trả là 01 tháng, kể từ ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ. Trường hợp, hết thời hạn nêu trên mà người lao động không đến nhận tiền hỗ trợ hoặc không thể liên hệ được với người lao động thì coi như người lao động không có nhu cầu nhận hỗ trợ.

Về cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi tiếp tục thực hiện chi trả, sau khi tiếp tục chi trả hỗ trợ cho người lao động thì kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn vì vẫn cao hơn 2 lần tổng chi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021.

Việc hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa hoàn thành, cần kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã thể hiện đúng đắn, kịp thời quan điểm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Việc triển khai, giải quyết chính sách được Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan, địa phương thực hiện, tổ chức kịp thời, nhanh chóng, đa dạng và cơ quan nòng cốt là cơ quan Bảo hiểm xã hội ở các địa phương; công tác kiểm tra, đôn đốc được quan tâm, tăng cường.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc hỗ trợ cho người lao động vẫn chưa hoàn thành, một bộ phận người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định trong Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 làm mất đi tính cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

Trong bối cảnh cấp bách, với tính chất và ý nghĩa của Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, việc xử lý của các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với tồn đọng chưa giải quyết chế độ đối với hơn 400 nghìn người lao động là rất chậm , không đúng với tinh thần làm việc của Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi không kịp thời báo cáo và xử lý vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, Tờ trình, Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá về kết quả của các hoạt động, giải trình, làm rõ tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân và việc giải quyết các kết luận của Kiểm toán nhà nước.

Với quan điểm bảo vệ và chăm lo quyền lợi người lao động, sự công bằng giữa những người lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ, từ kết quả khảo sát, giám sát, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ quan tâm thêm những vấn đề sau: Khẩn trương chi trả hỗ trợ người lao động, khắc phục tình trạng chậm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng thời hạn. Cần huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các địa phương trong rà soát, thông tin đến các đối tượng thụ hưởng mà chưa liên hệ được bảo đảm quyền lợi công bằng và thực hiện hỗ trợ đến được hết các đối tượng. Đồng thời, có giải pháp xử lý đối với những trường hợp vì lý do bất khả kháng mà không nhận được hỗ trợ, tránh để xảy ra khiếu kiện.

Ngoài chính sách này, cần rà soát tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 được ban hành trước và sau thời điểm ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15, nhất là các chính sách hỗ trợ có điều kiện (như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chính sách cho vay để trả lương cho người lao động) để khắc phục các hạn chế, xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm hiệu quả, tính kịp thời và mục tiêu của chính sách, tạo lòng tin trong nhân dân.

Nhất trí ban hành Nghị quyết tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với hơn 400 nghìn người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15

Thảo luận tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tiếp tục chi trả hỗ trợ người lao động, khắc phục tình trạng chậm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đúng thời hạn để bảo đảm đúng ý nghĩa của Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15.

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ nêu trong Tờ trình cũng như Báo cáo thẩm tra Ủy ban Xã hội về những kết quả đạt được cũng như một số vấn đề còn hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 để hỗ trợ người lao động từ kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội là một giải pháp hết sức kịp thời, để tháo gỡ một phần khó khăn cho người lao động và cả người sử dụng lao động để vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ và ý kiến của Ủy ban Xã hội về việc tiếp tục hỗ trợ 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để chi trả, hỗ trợ cho người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn đến thời điểm này, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ thêm, số đã nộp hồ sơ đến hết thời hạn này đã bao gồm hết tất cả các đối tượng chưa? Chúng ta đã rà soát hết chưa, liệu còn vướng mắc gì không, còn phát sinh thêm đối tượng không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao ý nghĩa của Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15; đây là Nghị quyết rất trúng, đúng và cần thiết, tính khả thi rất cao, vào cuộc sống rất nhanh. Nghị quyết không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động mà còn góp phần hỗ trợ nền kinh tế nói chung rất tốt trong giai đoạn, hoàn cảnh vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện việc chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng hạn. Hình thức văn bản sẽ là ban hành Nghị quyết để đảm bảo cơ sở pháp lý, sau đó Quốc hội còn có kiểm tra và giám sát.

Kết luận nội phung Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban Xã hội, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ để quyết định. Đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết tiếp tục chi trả, hỗ trợ cho những người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách đúng hạn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận

Về hình thức văn bản, tán thành ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện việc chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03 đã nộp hồ sơ đúng hạn.

Tại Phiên họp, trên cơ sở 100% ý kiến biểu quyết của thành viên Ủy ban Thường vụ tán thành ban hành Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, thực hiện các thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 03 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 9 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, nhất là đối với các cơ quan thực thi chính sách khi không kịp thời báo cáo và xử lý vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Thực hiện tốt hơn nữa công tác theo dõi, quản lý danh sách, cơ sở dữ liệu, dự báo và kết nối thông tin trong việc đề xuất ban hành chính sách. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền để người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng chính sách đúng thời hạn được tiếp cận và thụ hưởng chính sách.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Toàn cảnh phiên họp

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về việc cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số
03/2021/UBTVQH15 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm, số đã nộp hồ sơ đến hết thời hạn này đã bao gồm hết tất cả các đối tượng chưa? Chúng ta đã rà soát hết chưa, liệu còn vướng mắc gì không, còn phát sinh thêm đối tượng không?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện việc chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng hạn​

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành ban hành Nghị quyết

Hồ Hương- Phạm Thắng

Các bài viết khác