Nhiều huyện nghèo, xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa thoát khỏi tình trạng “lõi nghèo”
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Toàn cảnh cuộc làm việc
Vừa qua, Ủy ban Xã hội đã có cuộc làm việc với các Bộ, ngành về kết quả và phương hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ Y tế cho biết, về công tác cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bộ Y tế tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện. Cụ thể, từ tháng 7/2021 đến tháng 12 2021, Bộ đã xây dựng Tiểu dự án 2-Cải thiện dinh dưỡng trong báo cáo Chủ trương đầu tư Chương trình giảm nghèo bền vững dựa theo tiêu chí giảm nghèo của Nghị định 07 về qui định tiêu chí giảm nghèo đa chiều 2021-2025; Hoàn thiện nội dung Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng trong Báo cáo khả thi Chương trình giảm nghèo bền vững 2021-2025; Góp ý về Nghị quyết Quốc hội, các quyết định của Chính phủ về trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. - Từ tháng 1 đến tháng 6/2022.
Ngay khi có Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 721/QĐ-BYT ngày 23/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Kế hoạch của Bộ Y tế triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Bộ cũng đã thực hiện nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 35/QĐ-BCĐCTMTQG, ngày 25/3/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Quyết định số 1768/QĐ-BYT, ngày 30/6/2022 về Hướng dẫn thực hiện nội dung Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trong quá trình xây dựng, dự thảo các văn bản (Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải thiện dinh dưỡng), Bộ Y tế đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan trung ương liên quan, lấy ý kiến các đơn vị của Bộ và 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong các dự án có liên quan (truyền thông, nông nghiệp), đồng thời thực hiện trả lời các văn bản lấy ý kiến của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về Thông tư Giám sát, Quyết định quản lý chương trình....; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về Thông tư hướng dẫn thực hiện về dự án phát triển sản xuất: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về thông tin hướng dẫn thực hiện truyền thông; Bộ Tài chính về Thông từ quản lý kinh phí sự nghiệp...
Trong quá trình xây dựng Hướng dẫn thực hiện Cải thiện dinh dưỡng, Bộ Y tế đã lấy ý kiến các tỉnh để hoàn thiện quyết định hướng dẫn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Hiện nay, đang chuẩn bị hội thảo cho phổ biến hướng dẫn các tỉnh lập kế hoạch và thực hiện; tuy nhiên do chưa có kinh phí ngân sách trung ương cho Tiểu dự án 2 định dưỡng, nên các tỉnh chưa thể hoàn thiện việc xây dựng kế hoạch. Bộ Y tế đã xem xét, rà soát để đảm bảo tránh chồng chéo hoạt động cải thiện dinh dưỡng giữa các Chương trình, Đề án, các nguồn kinh phí chi thường xuyên từ trung ương đến địa phương (đã dự thảo công văn gửi Bộ Tài chính); bên cạnh đó chủ động lồng ghép kế hoạch nguồn lực, mô hình từ các dự án của tổ chức quốc tế tại một số địa phương để tăng tính hiệu quả của chương trình.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan
Thảo luận tại cuộc làm việc, đánh giá tình hình chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế, đa số ý kiến các đại biểu cho rằng Bộ Y tế đã bám sát các nhiệm vụ phân công, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đầy đủ, sát sao các nhiệm vụ, hoàn thành đúng thời hạn. Các đại biểu cũng cho rằng, Bộ Y tế đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung thực hiện theo phân công trong Chương trình giảm nghèo để đảm bảo công tác tổ chức thực hiện Chương trình và điều phối, phối hợp trong quản lý tổ chức thực hiện. Đối với mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hằng năm được cấp có thẩm quyền giao, các đại biểu đánh giá Bộ Y tế đã đảm bảo theo đúng tiến độ thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, trong tổ chức triển khai thực hiện còn một số tồn tại, vướng mắc như: chưa có kinh phí phân bổ để triển khai từ trung ương đến địa phương; chưa thật sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan ghi nhận những kết quả khả quan Bộ Y tế đã đạt được trong công tác cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời đề nghị Bộ Y tế tập trung xây dựng và cập nhật các tài liệu chuyên môn hướng dẫn địa phương thực hiện; tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành sát sao từng nhiệm vụ và mục tiêu, đảm bảo thực hiện Chương trình giảm nghèo từ trung ương đến các địa phương.