TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN ĐỂ TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG

31/08/2022

Luật Cảnh sát cơ động đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua. Để chuẩn bị triển khai có hiệu quả các quy định của Luật, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 31/8/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động, theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật để sớm tạo hiệu quả trong thực tiễn đời sống.

 

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động tại Kỳ họp thứ 3

Tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã xem xét, thông qua Luật Cảnh sát cơ động. Luật có 05 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với cảnh sát cơ động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật Cảnh sát cơ động là bổ sung thêm một số quyền hạn của lực lượng cảnh sát cơ động trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Theo đó, Luật quy định vị trí của cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong Luật. Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. Ngoài ra, Luật còn nêu rõ nhiều nội dung quan trọng về nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm…

Tại Điều 8, Luật Cảnh sát cơ động 2022 quy định bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như sau: chống đối, cản trở hoạt động của cảnh sát cơ động; trả thù, đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cảnh sát cơ động trong thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ; chiếm đoạt, hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cảnh sát cơ động; mua chuộc, hối lộ hoặc có hành vi ép buộc cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động làm trái với nhiệm vụ, quyền hạn được giao; giả danh cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động; giả mạo phương tiện, làm giả, mua bán, sử dụng trái phép trang phục, phù hiệu, con dấu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt của cảnh sát cơ động; cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có hành vi sách nhiễu, gây khó khăn đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Trong Pháp lệnh cảnh sát cơ động 2013 quy định chung về nhiệm vụ và quyền hạn của cảnh sát cơ động tại Điều 7. Tuy nhiên, Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã chia lại cảnh sát cơ động có 09 nhiệm vụ và 07 quyền hạn riêng biệt. Trong đó, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn mới so với quy định hiện nay. Cụ thể, về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động, lực lượng này có nhiệm vụ tham mưu với Bộ trưởng Bộ Công an về biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố; thực hiện nghi lễ trong Công an nhân dân và các sự kiện quan trọng theo quy định… Về quyền hạn của cảnh sát cơ động, lực lượng này được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định tại Điều 15 Luật Cảnh sát cơ động 2022; được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ theo quy định của Luật Cảnh sát cơ động 2022; xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng giới thiệu về Luật Cảnh sát cơ động trong cuộc họp báo do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức

Ngoài ra, tại Điều 15 Luật cảnh sát cơ động 2022 quy định việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cảnh sát cơ động như sau: khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và được nổ súng quân dụng theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của cảnh sát cơ động phải tuân theo mệnh lệnh của người chỉ huy trực tiếp. Người ra mệnh lệnh phải tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.

Nhiều đại biểu, chuyên gia, nhà nghiên cứu đánh giá sẽ là một bước tiến mới trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội của Đảng, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn, tăng cường sức mạnh cho lực lượng cảnh sát cơ động để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, cùng với lực lượng Công an nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Để chuẩn bị triển khai có hiệu quả các quy định của Luật, đưa những chính sách quan trọng vào thực tiễn đời sống, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1026/QĐ-TTg ngày 31/8/2022 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát cơ động. Theo Quyết định 1026/QĐ-TTg, Bộ Công an được giao chủ trì biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tuyên truyền, phổ biến Luật cho cán bộ, chiến sĩ trong CAND; xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn chuyên sâu về Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp, các học viện, nhà trường trong CAND, trọng tâm là lực lượng Cảnh sát cơ động.

Quyết định nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật. Các bộ, ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật cho các hội viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật được thực hiện từ quý IV năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo Quyết định này, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật theo danh mục tại Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Thời gian trình trước ngày 15/11/2022.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật; tổ chức kiểm tra, rà soát, hệ thông hóa văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đề xuất sửa đổi bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới cho phù hợp với Luật, gửi kết quả về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian hoàn thành nhiệm vụ này tháng 10 năm 2022.

Các cơ quan được phân công chủ trì có trách nhiệm hoàn thành nội dung công việc được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung nhiệm vụ cụ thể được phân công. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này.

Minh Hùng