PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN XÃ HỘI ĐẶNG THUẦN PHONG: CHÚ TRỌNG GIÁM SÁT THỰC THI PHÁP LUẬT BẢO ĐẢM CƠ SỞ THỰC TIỄN TRONG LẬP PHÁP

31/08/2022

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, trong đó có hoạt động thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội cần quan tâm chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và tổ chức các phiên giải trình đối với các nội dung có liên quan để phân tích cặn kẽ, thấu đáo và xác định chính sách.

Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch sso 81/KH-UBTVQ15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Nhiều đổi mới thiết thực và hiệu quả

Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực xã hội mà Ủy ban phụ trách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, ngay sau khi Kế hoạch 81 được ban hành, Thường trực Ủy ban Xã hội đã xây dựng kế hoạch triển khai theo yêu cầu của Kế hoạch 81. Định kỳ hàng tháng, Thường trực Ủy ban Xã hội cũng thông tin đến Thường trực Ủy ban Pháp luật tình hình chuẩn bị tiến độ các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết mà Ủy ban Xã hội được phân công chủ trì thẩm tra để tổng hợp báo cáo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại hội nghị

Theo Kế hoạch số 81 thì Ủy ban Xã hội được phân công theo dõi, đôn đốc thực hiện 12 nhiệm vụ lập pháp, trong đó 4 nhiệm vụ lập pháp phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Qua theo dõi thực hiện những nhiệm vụ này đã hoàn thành việc rà soát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nêu rõ, đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo đó, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.

Đối với dự án Luật Bảo hiểm y tế, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội đưa vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tuy nhiên, qua ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các cơ quan đều nhất trí sự cần thiết ban hành nhưng còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, nhất là các chính sách lớn của dự án luật cần được tiếp tục nghiên cứu và làm rõ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đối với dự án Luật Việc làm và việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Điều chỉnh về chuyển đổi giới tính, cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Chính phủ.

Đối với 5 nhiệm vụ lập pháp phải hoàn thành trước 31/12/2022, hiện nay các cơ quan Chính phủ được giao nhiệm vụ tiến hành rà soát. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong khẳng định Thường trực Ủy ban Xã hội theo trách nhiệm được giao sẽ tiếp tục tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai việc thực hiện đảm bảo đúng tiến độ quy định tại Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, kịp thời thông tin đến các cơ quan được giao nhiệm vụ theo dõi về tình hình chuẩn bị dự án những vấn đề lớn đang đặt ra khả năng đáp ứng tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì khẩn trương tổ chức nghiên cứu, rà soát các nhiệm vụ lập pháp do cơ quan mình chủ trì, có thời hạn hoặc trước ngày 31/12/2022, bảo đảm đúng tiến bộ và chất lượng.

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Về việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thông qua Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Thời gian tới Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp tục quan tâm, đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật để đảm bảo văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng với hiệu lực pháp luật.

Cũng tại Kỳ họp thứ 3 tháng 5/2022, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với hai dự án luật gồm dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ tiếp tục tiến hành một số hoạt động như phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tổng hợp tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng tiến độ đề ra.

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy ban Xã hội được phân công chủ trì thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Ủy ban đã thực hiện giám sát chuyên đề tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021 để làm cơ sở cho thẩm tra dự án luật này; tổ chức một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm để có thông tin phục vụ hoạt động thẩm tra đối với dự án luật và làm việc với một số cơ quan chủ trì soạn thảo về việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật và những chính sách lớn dự kiến sửa đổi.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả công tác triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Xã hội kiến nghị:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc báo cáo tiến độ hàng tháng đối với các dự án luật chủ trì thẩm ta. Trong đó nêu rõ tình hình chuẩn bị dự án, những vấn đề lớn đang đặt ra, khả năng đáp ứng tiến độ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Thứ hai, tăng cường vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm chuyên gia về các dự án luật, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Thứ tư, theo trách nhiệm được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đôn đốc cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và năm 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách để đảm bảo triển khai thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật và kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định những vấn đề phát sinh làm ảnh hưởng đến nội dung và tiến độ của các dự án luật.

Thứ sáu, chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, tăng cường tham vấn ý kiến chuyên môn của các hiệp hội, chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân; tham vấn ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động, tham vấn ý kiến công chúng, ý kiến cộng đồng người dân trong quá trình xây dựng luật ban hành tổ chức thực thi; giám sát việc thực thi pháp luật và tổ chức các phiên giải trình đối với các nội dung có liên quan để phân tích cặn kẽ, thấu đáo và xác định chính sách.

Bảo Yến