THUÊ TỔ CHỨC KHÁC XÁC MINH THÔNG TIN NHẬN BIẾT KHÁCH HÀNG CẦN ĐƯỢC QUY ĐỊNH CỤ THỂ.

01/09/2022

Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022). Quan tâm tới dự luật, TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho rằng, lần sửa đổi này đã bổ sung nhiều quy định về về nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng phù hợp với khuyến nghị của FATF . Tuy nhiên, vấn đề thuê các tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng cần được quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

 

Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022)

Bổ sung nhiều quy định mới về nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng

Dự thảo Luật Phòng Chống rửa tiền (PCRT) sửa đổi được bố cục gồm 4 Chương, 54 Điều, trong đó, bổ sung mới: 09 Điều; sửa đổi: 43 Điều và hủy bỏ: 07 Điều; giữ nguyên quy định của Luật PCRT 2012: 02 Điều, quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; hợp tác quốc tế trong PCRT. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) cũng quy định việc PCRT nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Trên cơ sở các khuyến nghị của FATF, đánh giá của APG tại báo cáo đánh giá đa phương dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhận biết, cập nhật, xác minh thông tin khách hàng. Trong đó, điều chỉnh các quy định về thông tin nhận biết khách hàng, thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; bổ sung các quy định về nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba (được sửa đổi từ hoạt động kinh doanh qua giới thiệu tại Luật PCRT năm 2012), xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua việc thuê tổ chức khác đảm bảo chặt chẽ và đảm bảo đối tượng báo cáo chịu trách nhiệm về kết quả nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua các tổ chức này.

Ngoài ra, về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị (PEP): Dự thảo Luật bổ sung quy định về đối tượng PEP của tổ chức quốc tế, quy định trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng, chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

 Về quan hệ ngân hàng đại lý: dự thảo Luật bổ sung quy định đối tượng báo cáo khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác tại một quốc gia, vùng lãnh thổ khác để cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác cho ngân hàng đối tác phải áp dụng các biện pháp nhằm thu thập thông tin, đánh giá việc thực hiện các biện pháp về PCRT, hiểu biết về các trách nhiệm PCRT của ngân hàng đối tác.

Về giám sát một số giao dịch đặc biệt: dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật PCRT về các giao dịch đặc biệt đối tượng báo cáo phải giám sát, đồng thời bổ sung trách nhiệm đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp tăng cường phù hợp với mức độ rủi ro về rửa tiền; kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch, trường hợp có nghi ngờ về tính chính xác, mục đích của giao dịch, phải xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.

 Về minh bạch thông tin của pháp nhân, thỏa thuận pháp lý, tổ chức phi lợi nhuận: dự thảo Luật kế thừa quy định yêu cầu thu thập, cập nhật, lưu trữ, thông tin của đối tượng báo cáo, cá nhân, tổ chức có liên quan, bên cạnh đó bổ sung một số thông tin cần thu thập, lưu trữ; quy định trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thuê các tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng cần được quy định cụ thể

Bình luận về nội dung này, TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp cho rằng, FATF khuyến nghị các quốc gia cần có cơ chế đảm bảo rằng thông tin cơ bản của khách hàng là đầy đủ, chính xác và cập nhật. Thông tin chính xác là thông tin đã được xác minh để xác nhận tính chính xác bằng cách xác minh danh tính và tình trạng của chủ sở hữu hưởng lợi bằng cách sử dụng các tài liệu, dữ liệu hoặc thông tin đáng tin cậy, có nguồn gốc/được thu thập một cách độc lập. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật nước ta không có biện pháp xác minh bắt buộc nào bao gồm yêu cầu sử dụng tài liệu, dữ liệu hoặc thông tin từ nguồn độc lập, đáng tin cậy khi đối tượng báo cáo đang xác minh danh tính khách hàng. Theo đó, khi ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền cần quy định về các biện pháp bổ sung để hỗ trợ đối chiếu, xác thực tính chính xác của thông tin khách hàng.

TS. Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp

TS. Hồ Quang Huy cho biết, tại dự thảo Luật hiện đang quy định đối tượng báo cáo có thể thuê tổ chức khác hoặc thông qua bên thứ ba để xác minh thông tin nhận biết khách hàng tại Điều 12, Điều 13 và Điều 14. Khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định: “Đối tượng báo cáo có thể thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh, xác thực điện tử, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; tổ chức quy định tại Điều 13, 14 Luật này để đối chiếu thông tin khách hàng cung cấp”. Quy định này của Luật ngoài đáp ứng các khuyến nghị của FATF còn nhằm tạo điều kiện cho đối tượng báo cáo có thể chủ động trong việc xác minh, đối chiếu thông tin của khách hàng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 37/2021/NĐ-CP) thì tổ chức tín dụng và tổ chức khác quy định tại khoản 2, 4 Điều 8 không được tùy tiện sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc theo phương thức khai thác khác do Bộ Công an hướng dẫn trong trường hợp các tổ chức này được giao thực hiện dịch vụ công (khoản 2) hoặc khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin trong các trường hợp khác (khoản 4). Với từng hình thức khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ có các chủ thể có thẩm quyền cho phép khai thác cũng như trình tự, thủ tục khai thác khác nhau (Điều 9, 10). Việc quy định đối tượng báo cáo có thể thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối chiếu thông tin khách hàng cung cấp như tại dự thảo Luật sẽ không thống nhất với các quy định hiện hành về khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về nguyên tắc, các quy định tại dự thảo là quy định tại luật, các quy định hiện hành về khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại nghị định, theo đó, có thể các quy định tại luật sẽ phủ định các quy định tại nghị định (nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm). Tuy nhiên, cần thiết phải làm rõ các quy định tại dự thảo Luật có phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước trong việc khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ thông tin cá nhân của người dân hay không để làm cơ sở quy định.

Ngoài ra, cũng tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật quy định đối tượng báo cáo có thể thông qua tổ chức được cung ứng dịch vụ định danh, xác thực điện tử để đối chiếu thông tin khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, trong đó có quy định về dịch vụ, tổ chức cung ứng dịch vụ định danh, xác thực điện tử. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật PCRT cũng cần theo dõi, bám sát tiến độ xây dựng, ban hành Nghị định nói trên, cũng như nghiên cứu các quy định về chủ thể được cung ứng dịch vụ định danh, xác thực điện tử… để có cơ sở quy định nội dung tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật, tránh trường hợp sau khi ban hành, các quy định không có sự thống nhất dẫn đến không thực hiện được, không bảo đảm tính khả thi của quy định .

Cũng theo TS. Hồ Quang Huy, vấn đề thuê các tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng cần được quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật quy định đối tượng báo cáo phải bảo đảm tổ chức được thuê bảo mật thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật nhưng chưa có quy định về hậu quả pháp lý trong trường hợp tổ chức được thuê làm lộ thông tin khách hàng, cũng như không giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Theo đó, cần thiết nghiên cứu bổ sung quy định một số biện pháp nhằm bảo đảm tổ chức được thuê bảo mật thông tin nhận biết khách hàng, quy định trách nhiệm của các bên có liên quan trong trường hợp làm lộ, lọt thông tin nhận biết khách hàng.

Dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) tiếp tục được cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát, hoàn thiện nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới đây (10/2022)./.

Lê Anh

Các bài viết khác