ĐỒNG BỘ, PHÙ HỢP PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA

03/09/2022

Vừa qua, tại hội thảo “Giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam - Lý luận, thực tiễn và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia" do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH tổ chức, TS.Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay...

 

Hội thảo “Giải quyết tranh chấp kinh tế tại Việt Nam - Lý luận, thực tiễn và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia" 

Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều đối tác chiến lược trên toàn thế giới như Hoa Kỳ, Nhật, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc..., đặc biệt là 02 Hiệp định thương mại thế hệ mới CPTPP và EV.FTA. Theo đó, quy mô xuất nhập khẩu tăng liên tục, quan hệ thương mại ngày càng mở rộng, sôi động cả trong nước và quốc tế. Nền kinh  tế Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này mở ra rất nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, cùng việc mở cửa, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế thì các nguy cơ tranh chấp kinh tế cũng gia tăng tương ứng, nhu cầu giải quyết tranh chấp kinh tế trên phạm vi khu vực và toàn cầu theo đó cũng tăng lên. Đặc biệt, thời gian từ cuối năm 2019 đầu năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã làm nhiều hoạt động kinh doanh bị đình trệ, thay đổi, nguy cơ phát sinh các tranh chấp tăng lên gấp nhiều lần bối cảnh thông thường.

Giải quyết tranh chấp kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng

Theo TS.Nguyễn Ngọc Sơn, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đối với mọi nền kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh. Giải quyết các tranh chấp kinh tế là đòi hỏi tự thân của các quan hệ kinh tế nhằm đáp ứng được những yêu cầu trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Cụ thể là: nhanh chóng, thuận lợi, không làm cản trở và hạn chế các hoạt động kinh tế; khôi phục và duy trì các quan hệ hợp tác, tín nhiệm giữa các bên; giữ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên trên thương trường; và kinh tế nhất (ít tốn kém nhất). Trên thực tế, mỗi phương thức giải quyết tranh chấp đều có những lợi thế, những khó khăn khi áp dụng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, hoàn thiện và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật cũng như các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, giải quyết tranh chấp kinh tế hiệu quả không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, mà còn thúc đẩy phân bổ nguồn lực một cách minh bạch, qua đó trực tiếp và gián tiếp nâng cao năng suất của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cho ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia bày tỏ thống nhất với quan điểm do TS. Nguyễn Ngọc Sơn nêu, “Nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như môi trường kinh doanh và việc giải quyết tranh chấp kinh tế thuận lợi hay kém thuận lợi. Do vậy, vai trò của giải quyết tranh chấp kinh tế có vị trí đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay.”.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà đối với các quốc gia trên thế giới là phải giải quyết tốt, kịp thời các tranh chấp, bởi điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, tranh chấp thương mại có thể được giải quyết thông qua các phương thức: thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án. Mỗi phương thức có sự khác nhau nhất định về tính chất pháp lý cũng như nội dung của thủ tục, trình tự tiến hành. Các bên tranh chấp có quyền tự do trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào lợi thế của bản thân phương thức đó cũng như mức độ phù hợp của phương thức giải quyết tranh chấp đối với nội dung, tính chất của vụ việc cụ thể.

Theo đó, khi xảy ra tranh chấp kinh doanh các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua việc trực tiếp thương lượng với nhau. Trong trường hợp không thương lượng được, việc giải quyết tranh chấp có thể được thực hiện với sự trợ giúp của bên thứ ba thông qua phương thức hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

Việc giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh dựa trên nguyên tắc quan trọng là quyền tự định đoạt của các bên. Cơ quan nhà nước và trọng tài thương mại chỉ can thiệp theo yêu cầu của các bên tranh chấp.

Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh, thương mại ngày càng đa dạng và không ngừng phát triển trong tất cả mọi lĩnh vực sản xuất, thương mại, dịch vụ, đầu tư… Vấn đề lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại được các bên cân nhắc, lựa chọn phù hợp dựa trên các yếu tố như: bản chất của tranh chấp, mối quan hệ l giữa các bên, thời gian và chi phí dành cho việc giải quyết tranh chấp;...

Chuyên gia phát biểu tại hội thảo

Liên quan đến các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, các đại biểu nhấn mạnh, trong các phương thức tranh chấp, thương lượng là phương thức được lựa chọn nhiều nhất, vì đây là giải pháp mở đầu quen thuộc của nội bộ các bên để giải quyết tranh chấp trước khi đưa tranh chấp ra cơ quan tài phán. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thương lượng khó đạt được kết quả do nguyên nhân xảy ra tranh chấp chủ yếu là sự vi phạm nghĩa vụ của một bên, các bên trong quan hệ tranh chấp khó có thể bình tĩnh xem xét các vấn đề một cách khách quan.

Đối với phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án, có ý kiến đề xuất, việc hoàn thiện các quy định còn chưa phù hợp là hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án. Yêu cầu hoàn thiện này liên quan tới một số vấn đề như: hoàn thiện thủ tục rút gọn, cần quy định chặt chẽ hơn về việc hòa giải của Tòa án, xây dựng cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, nghiên cứu xây dựng Luật tố tụng điện tử;…

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại phải đáp ứng yêu cầu tạo ra sự thống nhất, phù hợp giữa pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế. Xây dựng được một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp, tương đồng với pháp luật nhiều nước sẽ thúc đẩy phát triển các quan hệ thương mại, từ đó phát triển đất nước. Mặt khác, việc hoàn thiện pháp luật để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế không có nghĩa là phủ nhận toàn bộ giá trị của pháp luật hiện tại, mà việc hoàn thiện này phải dựa trên cơ sở kế thừa những ưu điểm, những thành tựu của pháp luật đã có.

Bên cạnh đó, pháp luật về giải quyết tranh chấp thương mại phải được thiết kế đáp ứng được các yêu cầu khách quan của việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đó là sự tôn trọng sự tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp; tôn trọng thỏa thuận của các bên, giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo các phán quyết, quyết định của cơ quan giải quyết tranh chấp được thực thi.

Thực tế thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp gặp rủi ro khi mua bán, đầu tư, hoạt động dịch vụ với các đối tác trong nước và nước ngoài. Đặc biệt khi tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp thường lúng túng trong việc xử lý. Do đó, thực trạng này đã đặt ra yêu cầu áp dụng các hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp, có hiệu quả nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, qua đó, tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội./.

Lê Anh

Các bài viết khác