CẦN GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT NGĂN CHẶN, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG CUỘC GỌI RÁC, CUỘC GỌI GIẢ MẠO

03/09/2022

Thời gian qua, xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng số điện thoại, công nghệ gọi điện dựa trên giao thức Internet (VoIP) để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo (giả mạo các số điện thoại của Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng...). Hiện tượng này đã và đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới và các nước chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để, gây hệ lụy xấu trong xã hội.

 

Các đối tượng sử dụng số điện thoại, công nghệ gọi điện dựa trên giao thức Internet để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, gây phiền toán cho người dân

Chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo

Thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã giả mạo bưu tá, nhân viên chuyển phát nhanh EMS gọi điện đến người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, yêu cầu chuyển khoản để chiếm đoạt tiền thu hộ COD hoặc yêu cầu chuyển tiền đối với bưu gửi quốc tế…

Một hình thức lừa đảo mới được các đối tượng sử dụng là dùng các số điện thoại như: 0979303017, 0903124801, 0901859814, 0964181853, 0938827315, 0794355121, 0794207695... gọi đến cho khách hàng, tự xưng từ công ty EMS Chuyển phát nhanh quốc tế và thông báo khách hàng có bưu gửi gửi hoặc có liên quan đến bưu gửi đi nước ngoài qua dịch vụ chuyển phát nhanh EMS quốc tế. Nội dung bưu gửi chứa hàng cấm nên bưu gửi đang bị hải quan/công an thu giữ, đang trong quá trình điều tra.

Sau đó, đối tượng này sẽ doạ dẫm, yêu cầu người nhận chuyển tiền cho mình để hàng hóa được thông quan và cung cấp số chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân, thông tin cá nhân để chuyển công an phối hợp điều tra. Vì tâm lý lo lắng, nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu thông tin mà nhiều người đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo trên một cách dễ dàng. Thống kê đã có nhiều khách hàng mất cảnh giác đã bị lừa hàng triệu đồng.

Chị Lê Hà Việt (Hoàng Cầu, Hà Nội) chia sẻ, chị nhận được cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên bưu điện cho biết, chị có một bưu kiện được gửi đến từ nước ngoài. Nhân viên bưu điện xin số căn cước công dân của chị để xác nhận chủ số thuê bao di động này có đúng là người được nhận bưu kiện hay không. Sau khi cung cấp số căn cước công dân, chị Việt được nhân viên bưu điện thông báo, do bưu kiện có giá  trị lớn nên chị phải chuyển khoản trước một số tiền đảm bảo là 1.800.000 để nhận hàng nếu không bưu điện sẽ không phát kiện hàng. Sau tìm hiểu, chị Tâm có xác nhận từ phía người thân bên nước ngoài và bạn bè không có ai gửi bưu kiện về Việt Nam, lúc này chị Việt biết mình đã bị kẻ gian lừa và lấy thông tin cá nhân, số căn cước công dân.

Ngoài ra, theo phản ánh các đối tượng lừa đảo còn giả mạo lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo liên quan đến vụ án như buôn ma túy, vi phạm giao thông, lừa đảo,… mục đích đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản…

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm thường xuyên nhận được phản ánh từ người dân về việc nhận được các cuộc gọi giả mạo. Mặc dù đa số người dân đã biết đến hình thức lừa đảo này, kể cả những người có kiến thức về công nghệ cũng như cập nhật các tin tức xã hội thường xuyên cũng bị mắc bẫy do những thủ đoạn lừa đảo này quá tinh vi và chuyên nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Trăn trở trước thực trạng này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết, vừa qua người dân bị hàng loạt số điện thoại lạ, điện thoại mạo danh công an, ngân hàng, các công ty cho thuê tài chính hăm dọa, lừa đảo, người dân nhẹ dạ cả tin nên nhiều gia đình mất tiền tỷ.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, hiện tưởng lừa đảo này diễn ra ở nhiều tỉnh, nhiều địa phương, với quy mô lớn. Trước thực trạng trên, thời gian tới, đại biểu kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp hữu hiệu để các nhà mạng quản lý đầu số điện thoại và bất cập này xử lý dứt điểm.

Về thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thừa nhận, thời gian qua, như phản ánh của Đại biểu, xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng số điện thoại, công nghệ gọi điện dựa trên giao thức Internet (VoIP) để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo (giả mạo các số điện thoại của Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng...). Hiện tượng này đã và đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới và các nước chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Đây là mặt trái của công nghệ.

Tập trung triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo

Nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng này, Bộ TT&TT đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, triển khai nhiều biện pháp như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP, Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm hạn chế cuộc gọi rác như: (1) Đưa ra phân loại xác định cuộc gọi rác (Khoản 3, Khoản 5 Điều 3); (2) Đưa ra 8 biện pháp quản lý nhằm hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác trong đó có việc xây dựng bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác và quy định về Danh sách không nhận quảng cáo (Do not Call); Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trong đó đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác (Điều 94).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Đồng thời, ban hành Thông tư 22/2021/TT-BTTTT ngày 13/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP trong đó đưa ra các tiêu chí đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác; Triển khai cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác của người sử dụng; Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Công an,…) để phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm; đồng thời tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật xử lý, ngăn chặn, theo đó: Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn hơn 53 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lợi dụng công nghệ VoIP giả mạo số điện thoại (gần 9 triệu cuộc/tháng).

Các doanh nghiệp cũng đã xây dựng các tiêu chí chặn lọc cuộc gọi rác (gọi đi với số lượng lớn, tần suất cuộc gọi đi trong ngày, thời gian thực hiện cuộc gọi ngắn…), trong 6 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp đã chặn (khoá, huỷ) hơn 150 nghìn thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo:

Một là, tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, triển khai truyền thông đến người sử dụng dịch vụ về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường sử dụng, giúp nâng cao cảnh giác, nhận biết, tránh bị lừa đảo và có biện pháp phòng tránh;

Hai là, triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 01/6/2022 (Thông báo kết luận số 174/TB-VPCP ngày 15/6/2022) về kết nối thông tin thuê bao (trừ thông tin mật) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác... Bộ TT&TT đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/9/2022. Sau khi các thuê bao điện thoại di động được rà soát chính xác theo thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp chuẩn hoá thông tin thuê bao, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi mạo danh./.

Lê Anh

Các bài viết khác