TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ NAM THĂM, TẶNG QUÀ GIA ĐÌNH CÁC ĐỒNG CHÍ NGUYÊN LÃNH ĐẠO TỈNH
Tham dự Hội nghị có các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, đại diện lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố. Theo các đại biểu, cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nước. Do đó, các ý kiến hướng tới việc xây dựng một bộ luật hiệu quả, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp và người dân nhưng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Đại diện các Sở, ngành phát biểu, cho ý kiến vào các dự thảo Luật.
Tuy đánh giá cao các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về đã đáp ứng được các yêu cầu trong thực tiễn, phù hợp với các quy định của hiến pháp; giải quyết được các mâu thuẫn bất cập của pháp luật liên quan đến đất đai hiện hành, nhưng các đại biểu Quốc hội, đại diện các Sở ngành và các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng. Đó là vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các quy định về giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất; đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về thu hồi đất đối với dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn; việc sử dụng đất nằm trong hành lang an toàn giao thông.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung vào Dự án Luật quy định về đất đối với các cơ sở tín ngưỡng; bổ sung chế tài xử lý những trường hợp không chấp hành phương án tập trung, tích tụ đất đai đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; xem xét phân loại đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao; xem xét quy định bồi thường tái định cư; việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai. Một số đại biểu đề nghị cần xem xét quy định rõ quyền lợi của người dân trong các dự án; làm rõ thẩm quyền của HĐND tỉnh trong việc thực hiện thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội; lưu ý khắc phục sự chồng chéo giữa Luật Đất đai với các luật khác.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu một cách toàn diện, đó là quan điểm của các đại biểu và chuyên gia khi chỉ ra những vấn đề cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn việc chỉ định thầu; trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định chỉ định thầu; căn cứ lựa chọn nhà thầu; việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc. Việc đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu.
Về chính sách đấu thầu cần có sự xem xét bao quát đối với các đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần xem xét nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu; đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm về các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, các hình thức xử lý vi phạm trong đấu thầu…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng phát biểu.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo rất quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2022 tới đây. Thực tế cũng cho thấy, qua quá trình triển khai thi hành Luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập nên cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, tạo ra các chính sách hoàn thiện hơn, vì lợi ích quốc gia, dân tộc nhưng cũng đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế. Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý vào dự thảo luật, tổng hợp ý kiến để báo cáo Quốc hội, làm căn cứ tham gia thảo luận tại tổ, tại hội trường./.