NHÓM NỮ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI: KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, BẢN LĨNH, ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC
HOẠT ĐỘNG CỦA NỮ ĐBQH NGÀY CÀNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA QUỐC HỘI
Phát triển bền vững luôn gắn liền với xây dựng xã hội bình đẳng, không bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới là mục tiêu của các quốc gia trên thế giới và của Việt Nam. Tiến trình phát triển bền vững không thể thành công nếu không tính tới yếu tố giới, không tính tới những quan tâm của phụ nữ và không có sự tham gia của phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ cũng là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm đa số nạn nhân của xung đột, bạo lực, thiên tai, dịch bệnh. Do đó cần phải nhìn nhận phụ nữ vừa là đối tượng của phát triển bền vững, vừa là nhân tố, lực lượng chủ chốt tham gia xây dựng, duy trì, củng cố phát triển bền vững.
Chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên chính thức hóa qua Nghị quyết 1325 (năm 2000) và 10 Nghị quyết tiếp theo khẳng định vai trò thiết yếu của phụ nữ trong các sáng kiến ngăn ngừa, giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình. Chương trình nghị sự WPS đã cung cấp một cách tiếp cận toàn diện để xây dựng hòa bình và tăng cường an ninh cho phụ nữ, trẻ em gái và xã hội nói chung thông qua cách tiếp cận bốn trụ cột: Phòng ngừa, Tham gia, Bảo vệ và Cứu trợ, Phục hồi.
Đoàn Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA
Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong đề xuất và thông qua một trong những nghị quyết quan trọng của WPS, Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSCR) 1889 được thông qua năm 2009; là nghị quyết đầu tiên đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn sau xung đột. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 130/2020/QH14 về sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, công nhận tầm quan trọng của vấn đề giới. Kể từ năm 2014, Việt Nam đã triển khai 512 quân nhân đến các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Chính phủ Việt Nam cũng đang có kế hoạch đưa thêm phụ nữ đến các Phái bộ LHQ, đặc biệt là các nữ cảnh sát viên, để bảo vệ dân thường toàn cầu trong bối cảnh xung đột.
Thời gian qua, Quốc hội đã không ngừng thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới và đạt được những thành tựu, kết quả tích cực, tiếng nói và sự tham gia của Việt Nam đã được ghi nhận khi quyết định chính sách ở cấp độ quốc gia và quốc tế về bình đẳng giới tại các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN-AIPA, các diễn đàn Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị nữ Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF). Thông qua các hoạt động này, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều kiến nghị đóng góp về các nội dung như: Tăng các cơ hội kinh tế cho phụ nữ với vai trò là người lao động trong gia đình; thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề về môi trường; phòng chống tất cả các hình thức phân biệt đối xử và bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em trong ASEAN; tiếp cận với y tế như là một quyền cơ bản; vai trò của Quốc hội trong việc bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ cuộc sống của người dân; Cơ chế tài chính cho sự phát triển bền vững; đạt được bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ; chiến tranh mạng - một vấn đề nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới; định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước - thúc đẩy hành động của nghị viện về nước…
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Ủy ban phối hợp nữ nghị sĩ Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Việt Nam tích cực tham gia sớm và nghiêm túc thực hiện các cam kết và điều ước quốc tế và khu vực về thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ. Việc nội luật hoá và thực hiện các quy định của các điều ước quốc tế trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật và các chính sách có liên quan đến phụ nữ được Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Tuy vậy, từ cam kết đến kết quả vẫn còn một khoảng cách dài trước những khó khăn, thách thức đối với các mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự này. Tính mạng, nhân phẩm và các quyền cơ bản của phụ nữ vẫn bị đe dọa trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu ngày càng phức tạp và bất ổn; nhiều nơi xung đột, bạo lực, đặc biệt là bạo lực về giới vẫn tiếp diễn; cùng với các thách thức như nghèo đói, dịch bệnh, thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu; khủng bố; tội phạm ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ và trẻ em. Sự hiện diện và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình tham gia các hoạt động đàm phán, hoà giải, gìn giữ hoà bình quốc tế còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, những rào cản về giới trong xã hội vẫn là cản trở đối với mong muốn chính đáng, nỗ lực vươn lên của những người phụ nữ.
Những khó khăn, thách thức này, đặc biệt đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo điều kiện và đảm bảo cho phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa trong các tiến trình ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết xã hội - những yếu tố then chốt giúp xây dựng và củng cố một nền hoà bình bền vững, bao trùm.
Nhóm nữ Đại biểu Quốc hội có nhiều hoạt động thiết thực bảo đảm quyền lợi của phụ nữ
Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật quốc gia và quốc tế tạo hành lang pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới góp phần đóng góp vào sự tiến bộ của phụ nữ, thúc đẩy hòa bình thế giới và gắn kết hơn. Lồng ghép giới vào trong các chủ trương, chính sách và thực hiện một cách thực chất. Tiếp tục rà soát các chính sách hiện hành, quan tâm xem xét sửa đổi phù hợp để đảm bảo bình đẳng về cơ hội giữa nam và nữ. Triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật về bình đẳng giới ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Trao quyền cho phụ nữ dưới nhiều hình thức: Trao quyền năng kinh tế, trao quyền giáo dục, quyền văn hóa, xã hội, trao quyền năng chính trị.
Bên cạnh đó, cần triển khai các biện pháp thúc đẩy phụ nữ tham chính, trao quyền cho phụ nữ về mặt chính trị, đảm bảo sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ở tất cả các cấp hoạch định chính sách nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Đây cũng là thước đo quan trọng và cần có để đánh giá sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi mỗi nước, là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia.
Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực phụ nữ để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động gìn giữ hoà bình, kiến tạo và xây dựng hoà bình của Liên hợp quốc. Tăng cường hơn nữa các nỗ lực chống và xoá bỏ tình trạng bạo lực chống phụ nữ và trẻ em, trong đó có bạo lực gia đình. Tăng cường sự cam kết trong thực hiện khung pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống bạo lực gia đình.