QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ, NGĂN CHẶN HÀNH VI RỬA TIỀN QUA TIỀN ẢO, TÀI SẢN ẢO

24/10/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) tại phiên họp tổ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay pháp luật chưa cho phép tiền ảo, tiền kỹ thuật số, tài sản ảo, nhưng đã có nhiều trường hợp sử dụng, giao dịch, do vậy, dự án Luật này cần có quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ để ngăn chặn hành vi rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo.

CẦN QUY ĐỊNH THẬT TƯỜNG MINH VỀ NHỮNG DẤU HIỆU ĐÁNG NGỜ CƠ BẢN

Đại biểu Nguyễn Minh Đức- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh 

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Đức- Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, trong thực tiễn, tội phạm thường sử dụng 7 thủ đoạn cơ bản để thực hiện hành vi rửa tiền. Các đối tượng thành lập công ty "ma", với vỏ bọc xuất nhập khẩu hàng hóa để thực hiện hành vi rửa tiền. Bên cạnh đó là thủ đoạn thông qua nền tảng trò chơi trực tuyến, điển hình là thông qua các trò chơi điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Cách thứ ba, các đối tượng núp bóng gây quỹ từ thiện, đi du lịch; hoặc chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được thừa kế.

Tội phạm rửa tiền cũng thực hiện thủ đoạn nhờ người thân mua tài sản, bất động sản hoặc cho tặng tài sản, thông qua mua cổ phiếu, trái phiếu; lợi dụng tiền ảo, tài sản ảo để rửa tiền. Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, do tội phạm đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, nên cần cần tính toán để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, ngăn chặn hành vi rửa tiền.

Đề cập đến vấn đề phòng, chống rửa tiền đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số, đại biểu Đào Hồng Vận- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, mặc dù hiện nay, pháp luật nước ta chưa cho phép tiền ảo, tiền kỹ thuật số, nhưng thực chất hai loại tiền này đang có giao dịch. Vì vậy, nếu trong xây dựng pháp luật, nếu không quan tâm đến loại tiền này thì sẽ tạo ra kẽ hở pháp lý.

Đại biểu Đào Hồng Vận- Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên 

Vì vậy, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu quy định trong Luật để quản lý vì nếu không đưa vào Luật sẽ tạo thành kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, tránh các trường hợp đối tượng đưa tiền trái phép ra nước ngoài bằng cách dùng tiền thật mua tiền ảo, sau đó ra nước ngoài bán tiền ảo đó.

Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng đề cập tới tình trạng lợi dụng tiền ảo rửa tiền, tài trợ khủng bố. Theo đại biểu, dù hiện nay Nhà nước ta chưa công nhận các loại tiền ảo, nhưng theo đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường tiền ảo rất lớn, là một trong 10 nước tham gia đông, là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn.

Đại biểu Dương Văn Phước cho biết, thời gian gần đây, liên tiếp các đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn, tuy nhiên các hoạt động này đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Tiền ảo, tài sản ảo vẫn "lọt lưới" và quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền chưa có quy định về lĩnh vực này. Vì vậy, các đại biểu cho rằng, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật là rất cần thiết.

Trong các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng, tiền ảo, tài sản ảo với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi các loại tiền thu được thông qua hình thức bất hợp pháp thành "tiền sạch", chuyển qua các khoản tài trợ khủng bố thông qua việc trao đổi, mua bán đồng tiền ảo tại các quốc gia khác nhau.

Thủ tướng Chỉnh phủ Phạm Minh Chính

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo nên Chính phủ thống nhất chưa quy định loại tiền này vào dự luật khi trình Quốc hội. Tuy nhiên, dù không được pháp luật công nhận, trong thực tế, tiền ảo vẫn được sử dụng, giao dịch. Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu chế tài phù hợp, và nên giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo hướng quy định rõ định nghĩa về tài sản bảo đảm phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự và các luật liên quan.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, trước đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành cũng đã có đề xuất thể hiện trong dự thảo ban đầu quy định đối tượng báo cáo về kinh doanh tài sản ảo. Tuy nhiên qua rà soát các quy định của pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép chính tài sản ảo. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo, các cơ quan kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội phương án giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Theo dõi phiên thảo luận, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, việc chấp hành luật pháp về phòng, chống rửa tiền của công dân Việt Nam còn chưa nghiêm. Mặt khác, một số điều khoản của Luật Phòng chống rửa tiền còn sơ hở; các quy định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống rửa tiền chưa rõ ràng; nhiều quy định chưa được cụ thể hóa trong hoạt động của các cơ quan pháp luật nên chưa phát huy được năng lực và thẩm quyền của các cơ quan thi hành luật, làm cho bọn tội phạm luồn lách Luật Phòng chống rửa tiền ở Việt Nam. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng chống rửa tiền là rất cần thiết.

Cụ thể, các chuyên gia kiến nghị hoàn thiện các quy định về nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước, bảo đảm Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng phân tích, xử lý, chuyển giao và trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền, việc trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước trong việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền và đơn vị đầu mối thuộc Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện các chức năng trên.

Theo các chuyên gia, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về trách nhiệm tham gia đánh giá rủi ro, đánh giá rủi ro ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý từng bộ phận, ngành liên quan đến việc đánh giá rủi ro, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong công tác thanh tra giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với từng loại đối tượng báo cáo; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Các thông tin liên quan đến giao dịch đáng ngờ cần được chuyển tới cơ quan điều tra xác minh, xử lý như tin báo tố giác về tội phạm và có biện pháp phong tỏa tài khoản trong trường hợp cần thiết.

Minh Hùng