THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CHỈ NÊN QUY ĐỊNH MỘT MỨC GIÁ KHỞI ĐIỂM ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ XE Ô TÔ CHUNG ÁP DỤNG TRÊN CẢ NƯỚC

26/10/2022

Thảo luận ở Tổ 3 về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, nhiều đại biểu Quốc hội đồng thuận với việc chỉ nên quy định một mức giá khởi điểm chung áp dụng trên phạm vi cả nước và nghiên cứu mức giá không quá cao để thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ THÍ ĐIỂM CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ THÔNG QUA ĐẤU GIÁ

Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng ngày 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Thảo luận ở Tổ 3 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Gia Lai, Ninh Thuận.


Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3 sáng ngày 26/10.

Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội sẽ đáp ứng được nhu cầu có thật, nguyện vọng chính đáng của một bộ phận không nhỏ người mua xe ô tô muốn sở hữu biển số xe ô tô theo mong muốn cá nhân; đồng thời thông qua việc tổ chức đấu giá biển số xe ô tô sẽ giúp khai thác kho số một cách hiệu quả hơn, tăng thu ngân sách nhà nước và đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phương tiện giao thông đường bộ, công khai, minh bạch trong cấp quyền sử sụng biển số ô tô.

Cho ý kiến về phạm vi thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, đại biểu Vương Thị Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhất trí thực hiện thí điểm trên phạm vi cả nước, vì với chỉ có một hình thức đấu giá là trực tuyến quy định trong dự thảo nghị quyết nên không hạn chế phạm vi và không hạn chế nhu cầu được đăng ký tham gia đấu giá của người dân tại tất cả các địa phương trên cả nước.

Đối với mức giá khởi điểm khi tổ chức đấu giá biển số xe, tại khoản 1 điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá vùng 1 (gồm: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng. Vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng.

Đại biểu Vương Thị Hương cho rằng, tại khoản 1 điều 2 quy định, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá). Tức là dù có hộ khẩu thường trú ở Hà Giang hay Cà Mau nếu có nhu cầu thì người dân đều được tham gia đấu giá biến số của Hà Nội hoặc các tỉnh thành khác.

Theo đại biểu Vương Thị Hương, để tạo điều kiện, công bằng cho người dân được tiếp cận, tham gia đấu giá biển số, không phải chỉ để thu ngân sách Nhà nước mà với mục tiêu chính là khai thác kho số, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân trong việc sở hữu biển số xe ô tô, cũng như minh bạch, công khai trong hoạt động này, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉ quy định một mức giá khởi điểm chung áp dụng trên phạm vi cả nước và nghiên cứu mức giá không quá cao, bởi nếu mức giá khởi điểm cao quá thì chưa chắc đã đạt được mục tiêu thu hút được người tham gia.


Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu ý kiến tại Phiên họp Tổ.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, tham khảo ở một số nước trên thế giới, mức giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô tô là 0 đồng nhằm đảm bảo cho tất cả người dân tham gia đấu giá biển số xe. Việt Nam có thể tham khảo cách thức thực hiện mức giá khởi điểm ở các nước trên thế giới để tất cả người dân trong toàn quốc đều có thể đấu giá được. Do vậy, nên áp dụng 1 mức phù hợp để mọi người có thể đấu giá biển số xe. Cách thức đấu giá cần theo quy trình chặt chẽ, có sự chuẩn bị kỹ càng. Thời điểm đấu giá biển số xe ô tô nên thực hiện từ này 01/7/2023.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Thúy Chinh đề xuất là việc đấu giá biển số xe ô tô nên thực hiện thí điểm ở một số tỉnh, thành có điều kiện về kinh tế như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh. Sau đó, Chính phủ có thể tổng kết quá trình đấu giá biển số xe sau một thời gian thực hiện thí điểm thì mới nên mở rộng ra các tỉnh thành trong cả nước.

Chỉ lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến

Trong dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá có đề cập việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Tại khoản 2 điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định: Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ Công an lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến, kết nối với Hệ thống đăng ký, quản lý xe để đấu giá biển số và đăng ký biển số trúng đấu giá theo quy định.


Đại biểu Vương Thị Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đóng góp ý kiến.

Theo đại biểu Vương Thị Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, do biển số xe là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước, biển số đưa ra đấu giá là biển số chưa được đăng ký, nằm trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an nên khi tổ chức đấu giá phải kết nối hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an với trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản để đấu giá và đăng ký biển số trúng đấu giá. Do đó, trong thời gian thực hiện thí điểm, để đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu hệ thống đăng ký, quản lý xe khi kết nối cũng như đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm thời gian, đại biểu Vương Thị Hương đồng tình với phương án chỉ lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến đế đấu giá biển số bằng hình thức trực tuyến, không lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản cho từng đợt tổ chức đấu giá.

Tuy nhiên, với phương án chỉ lựa chọn duy nhất một tổ chức đấu giá tài sản thực hiện đấu giá đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở, hình thức nào để lựa chọn ra 01 đơn vị tổ chức đấu giá. Đặc biệt là làm rõ các điều kiện, tiêu chí lựa chọn ra được tổ chức đấu giá; đồng thời công khai, minh bạch để kiểm soát, hạn chế rủi ro dẫn đến tiêu cực.

Tại khoản 2 điều 1 dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng áp dụng Nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan được Bộ Công an giao tổ chức đấu giá. Tổ chức đấu giá là một trong những đối tượng áp dụng của Nghị quyết. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết chưa quy định về trách nhiệm của tổ chức đấu giá, vì chúng ta thí điểm chỉ có duy nhất một đơn vị, một tổ chức đấu giá, tất cả các cuộc đấu giá đều do tổ chức đấu giá này thực hiện. Để đảm bảo công bằng, hiệu quả, tránh phát sinh tiêu cực trong hoạt động đấu giá giá, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của tổ chức đấu giá, đồng thời cũng nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành có liên quan trong hoạt động đấu giá biển số xe ô tô.


Đại biểu Hoàng Văn Hữu – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Hoàng Văn Hữu– Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn khẳng định: Việc đấu giá biển số xe sẽ nâng cao đời sống cho người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, thỏa mãn nhu cầu của người dân; đảm bảo công bằng trong xã hội để có biển số đẹp.

Về lựa chọn một tổ chức đấu giá tài sản, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng, cần lựa chọn tổ chức, nhà tư vấn đấu giá tài sản theo hình thức đấu thầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Việc lựa chọn tổ chức đấu giá phải hội tụ đủ các điều kiện theo quy định.

Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, các đại biểu thống nhấ về việc thực hiện Nghị quyết này để cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển kinh tế-xã hội, là điểm tựa ở khu vực Tây Nguyên. Để thực hiện được mục tiêu này, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột như: Được miễn thuế thu nhập cá nhân, được tạo điều kiện, chính sách đãi ngộ thỏa đáng.../.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:


Toàn cảnh Phiên họp tại Tổ 3 về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. 


Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề cập về việc tạo điều kiện cho Tp.Buôn Ma Thuột phát triển.


Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nêu ý kiến về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại Tp.Buôn Ma Thuột.


Đại biểu Tráng A Dương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề cập về việc cho tặng, kế thừa quyền đấu giá biển số xe ô tô.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị Ban soạn thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nói rõ hơn về những biển số xe không được lựa chọn để đấu giá là biển số nào?


Đại biểu Chamaléa Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho ý kiến vào chính sách thu hút các nhà khoa học có trình độ cao làm việc tại Tp.Buôn Ma Thuột.


Đại biểu Đặng Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đấu giá biển số xe ô tô góp phần tăng thu ngân sách địa phương và Trung ương.

Bích Lan-Trọng Quỳnh