TỔNG THUẬT CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An phát biểu tại hội trường về Dự án Luật Phòng thủ dân sự
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đoàn Thị Lê An bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo luật và cho rằng việc xây dựng luật là sự bổ sung, hoàn thiện cho hệ thống pháp luật quốc gia, sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động Phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rộng, nhiều nội dung liên quan đến các luật chuyên ngành, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ các luật và hệ thống văn bản liên quan để tránh trùng lắp hoặc mâu thuẫn với những quy định của các đạo luật đã ban hành trước đó như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thông tin mạng; Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp...
Về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy Phòng thủ dân sự, tại Điều 37 dự án luật, đại biểu cho rằng việc hợp nhất các ban chỉ đạo, chỉ huy ở cấp Trung ương và địa phương là phù hợp, vì hiện nay trong lĩnh vực Phòng thủ dân sự, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy như: Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các tổ chức chỉ đạo nêu trên ít nhiều có sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, thành viên nên trên thực tế, khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra, các tổ chức chỉ đạo đều vào cuộc tổ chức chỉ đạo, điều phối, giải quyết và khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, gây chồng chéo, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo về phòng, chống thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực tổ chức thực hiện.
Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng thủ dân sự.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với dự án Luật như: Điều 11 dự án luật quy định xây dựng kế hoạch Phòng thủ dân sự tại khoản 1 quy định “Kế hoạch Phòng thủ dân sự các cấp được xây dựng theo chu kỳ 5 năm và được điều chỉnh hằng năm khi cần thiết”, tuy nhiên tại điểm a, khoản 2 về nội dung kế hoạch phòng thủ lại quy định “Đánh giá, cập nhật hằng năm về đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường, tình hình phát triển của các ngành kinh tế và hạ tầng cơ sở trên quy mô toàn quốc”. Việc quy định như trên có sự mâu thuẫn giữa các điều khoản trong quy định, cần xem xét sửa lại cho phù hợp với mức độ cần thiết cũng như thống nhất nội dung của 2 khoản trên trong Điều 11.
Đối với nội dung quy định từ Điều 25 đến Điều 27 của dự án luật về các biện pháp được áp dụng trong Phòng thủ dân sự từ cấp độ 1 đến cấp độ 3, việc thực hiện, áp dụng các biện pháp giữa các cấp độ chưa có quy định liên kết, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung một điều khoản quy định tính liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các lực lượng, các tổ chức khi thực hiện các cấp độ phòng thủ từ cấp 1 đến cấp 3.
Điều 44 dự án luật quy định Quỹ Phòng thủ dân sự, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết đối với “Quỹ Phòng thủ dân sự”, “Quỹ phòng, chống thiên tai”. Trong đó, cần quy định rõ nguồn thu, thời gian thu, mức độ đóng góp từng đối tượng, người dân; điều kiện, phạm vi, đối tượng chi…, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong quá trình quản lý, sử dụng 2 loại quỹ này./.