TỔNG THUẬT SÁNG 15/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤU THẦU (SỬA ĐỔI)

14/11/2022

3336 lượt xem

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 15/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội biểu biểu quyết thông qua Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) cùng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

TỔNG THUẬT CHIỀU 14/11: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành Phiên họp

Theo đó, đầu giờ sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Cũng tại Phiên họp buổi sáng, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đồng thời tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ngay sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trước khi kết thúc phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp.

10h57: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận

Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, đã có 18 đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đã giải trình, làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, sử dụng ngân sách nhà nước. Các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách, sửa đổi, bổ sung tính hiệu quả của các quy định trong Luật. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm, hành vi bị cấm, quy định nhà thầu, nhà đầu tư, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, cơ chế đền bù, quy trình thủ tục trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các hình thức hợp đồng, thanh tra kiểm tra giám sát trong hoạt động đấu thầu…

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

10h43: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu sâu sắc, tâm huyết, toàn diện, trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ Luật Đầu tư là một khó phức tạp ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Trong quá trình soạn thảo có nhiều luống ý kiến đặt vấn đề nên quy định nới lỏng hay siết chặt để bảo đảm quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao, trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt nhưng cũng có những vướng mắc như nhiều đại biểu phản ánh. Do đó, sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực tham nhũng. Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện các mua sắm các gói thầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Làm rõ quy định áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nếu chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì đối với những doanh nghiệp dưới 100% cho đến 01% đến 99% lại không quản, lại buông hết thì không phù hợp.

Mặt khác nếu quy định từ 65% trở lên thì không đúng với khái niệm của doanh nghiệp nhà nước và tạo ra một khoảng trống pháp luật đối với những doanh nghiệp có từ 50 đến 65% vốn nhà nước. Do đó, Bộ trưởng đề nghị được giữ như quy định là từ trên 50% vốn trở lên để kiểm soát. Còn dưới 50% thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng gian lận thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự thảo Luật cũng đã đưa ra rất bổ sung, quy định rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này. Theo đó, đã bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả các chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình và được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. 

Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cần có quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này. Dự thảo Luật đã thiết kế chương có quy định về vấn đề này và có một số điều khoản ở các chương khác quy định những vấn đề liên quan đến y tế. Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát lại để đầy đủ, bao quát tạo thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế.

Trước ý kiến đề xuất có chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần phải cân nhắc bởi nếu có chương riêng sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật. Bởi vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh…

Bộ trưởng cũng cho biết thêm sẽ rà soát để bảo đảm bao quát đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc trong ngành y tế để tạo thuận lợi 

Về vấn đề đơn giản hóa các thủ tục cắt giảm thời gian chi phí trong đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; đồng thời cắt bỏ, loại bỏ các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ mà phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu để rà soát đảm bảo cho Luật thật rõ ràng, chi tiết để thuận lợi trong thực hiện.

10h39: Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Làm rõ hơn nội dung về giải thích từ ngữ

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân đánh giá cao nhiều nội dung của dự thảo Luật; cho rằng dự thảo Luật lần này đã căn bản có rất nhiều tiến bộ, nhiều mặt tích cực so với trước đây. Đặc biệt là trong thời gian ngắn, rất nhiều ý kiến đóng góp tại tổ đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu và sửa đổi trong phiên bản trình Quốc hội lần này...

Đối với nội dung về phương thức chọn thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đại biểu Huân cho biết, khi xem Điều 4 về giải thích từ ngữ của dự thảo Luật lại không có nội dung giải thích như thế nào là hồ sơ một giai đoạn, hồ sơ gồm có gì.

Đại biểu nêu rõ, tất nhiên chúng ta có thể hiểu những người trong ngành sẽ hiểu được rằng cả kỹ thuật và tài chính được đưa vào trong cùng một túi. Nhưng nếu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) không giải thích thật chặt chẽ, người dân sẽ không hiểu thế nào là “một túi” và “một túi” gồm những cái gì?

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải giải thích kỹ, rõ nội dung này ngay tại Điều 30 hoặc nếu không cần được đưa vào trong Điều 4 để giải thích từ ngữ cho cụ thể. 

Đề cập đến Điều 44 quy định về công bố dự án đầu tư có sử dụng đất và Điều 45  quy định về việc lập, phê duyệt, công bố danh mục dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, đặc biệt về các dự án trong ngành, trong quản lý, trong lĩnh vực yêu cầu đấu thầu..., đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ hơn. Bởi, đại biểu cho biết, hiện nay có một số dự án đang lựa chọn các nhà đầu tư về các dự án xử lý rác thải, công nghệ quan trọng.

10h33: Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: Cần quy định rõ ngành nào được đấu thầu quốc tế

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Duy Thanh đồng thuận với việc sửa đổi Luật nhằm hoàn chỉnh hơn đối với hoạt động đấu thầu, mua sắm tài sản. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.

Liên quan đến đấu thầu quốc tế, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, hiện chưa có văn bản cụ thể quy định ngành nào được đấu thầu quốc tế nên Chính phủ cần có quy định rõ ràng. Về đấu thầu qua mạng cũng là vấn đề cần được xem xét lại. Theo đó, trong dự án Luật cần có quy định số lượng nhà thầu được phép đấu thầu qua mạng. 

Theo Điểm c, khoản 1, Điều 15 Luật Đấu thầu hiện hành quy định, đấu thầu quốc tế như sau: Gói thầu cung cấp dịch vụ xây lắp hỗn hợp thì nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu. Đối với quy định như trên thì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể ngành nào được phép đấu thầu quốc tế. Do đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung nội dung trên vào dự án Luật cho phù hợp và bổ sung thêm một khoản giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể để các ngành nghề mà nhà thầu trong nước không thực hiện được.

Đối với hình thức đấu thầu qua mạng, đại biểu Nguyễn Duy Thanh khẳng định, đây là hình thức đấu thầu tiên tiến, đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu tốt. Việc chào hàng cạnh tranh qua mạng cũng làm cho việc lựa chọn chào hàng cạnh tranh minh bạch hơn.

Hiện nay, đấu thầu truyền thống quy định mở thầu phải có tối thiểu 3 nhà thầu. Trường hợp thời điểm đóng thầu có ít nhất 3 nhà thầu thì phải xin ý kiến ngay hoặc gia hạn thời điểm đóng thầu cũng như trách nhiệm đối với quyết định của mình. Đối với đấu thầu qua mạng thì không quy định việc mở thầu có tối thiểu 3 nhà thầu theo quy định. Do đó, việc quy định như trên thường xảy ra tình trạng có một nhà thầu tham dự đấu thầu qua mạng nên tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước so với từ 2 nhà thầu trở lên.

Đối với Điều 26 của dự án Luật có đề cập việc lựa chọn tư vấn cá nhân được áp dụng khi công việc của gói thầu chỉ yêu cầu 01 hoặc 01 chuyên gia có kinh nghiệm, năng lực thực hiện mà không cần tham gia của tổ chức, không yêu cầu các điều kiện thực hiện công việc như đối với nhà thầu là tổ chức. Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh, quy định nói trên có một số khái niệm chưa rõ ràng, cụ thể lựa chọn tư vấn cá nhân thực hiện trong trường hợp nào nên phải làm rõ điều này.

10h25: Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đề nghị dành một chương quy định chi tiết về hồ sơ mời thầu.

Đánh giá cao dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã làm rõ nhiều điểm vướng mắc cũng như lược bỏ những khâu không cần thiết để đơn giản hóa thủ tục đấu thầu, đại biểu Hoàng Văn Cường rất đồng tình với việc sửa đổi tại Điều 41 quy định: trong trường hợp cần thiết có thể đưa xuất xứ hàng hóa từ một số quốc gia hoặc một số vùng lãnh thổ để đảm bảo mua được hàng hóa có chất lượng cao, tránh tình trạng đưa tiêu chí kỹ thuật chung chung, dẫn đến hàng của các nước trong khu vực cùng tiêu chí kỹ thuật, giá rẻ nhưng chất lượng không tốt. Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng như một số đại biểu nêu trong ngành y tế không mua được thuốc tốt, với giá rẻ.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng hạn chế lớn nhất trong đấu thầu trong thời gian vừa qua là số lượng tham gia dự thầu rất ít, kể cả đấu thầu trên mạng (bình quân hơn 1 hồ sơ). Điều đó chứng tỏ tính cạnh tranh không cao, nguyên nhân có thể thông tin được cài cắm trong hồ sơ mời thầu, làm hạn chế những nhà thầu tham gia.

Chính vì vậy, để hạn chế việc cài cắm thông tin cần quy định rất rõ trong hồ sơ mời thầu, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong Luật Đấu thầu dành một chương quy định thật chi tiết những nội dung của hồ sơ mời thầu.

Về đấu thầu mua sắm tập trung, đại biểu cho rằng đấu thầu tập trung là nhằm mục tiêu nhằm tạo điều kiện cho đơn vị mua sắm số lượng nhỏ, có một số hàng hóa rất đặc thù, không thể mua sắm được hoặc nhiều đơn vị cùng mua sắm một loại hàng hóa tập trung sẽ ưu việt hơn, giá rẻ hơn, chọn nhà cung cấp tốt hơn. Như vậy, đấu thầu tập trung ung không có nghĩa là triệt tiêu các đơn vị không được tự đấu thầu mua sắm.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, kết quả đấu thầu tập trung được dùng vào mục đích là mua sắm thay cho các đơn vị đã đăng ký và khi có được thông tin về giá cả về đấu thầu mua sắm tập trung - đây chính là thông tin tham chiếu để những đơn vị khác chưa đăng ký đấu thầu tập trung, sẽ giải quyết được thời gian chờ đợi đến kỳ.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, đấu thầu mua sắm là một công việc hết sức phức tạp, có tính chuyên môn rất sâu, không phải ai cũng hiểu được kỹ thuật đấu thầu, thị trường trong nước và thế giới. Vì vậy cần phải có những người chuyên nghiệp, nhưng trong quy định của pháp luật chỉ có một điều duy nhất về tổ chuyên gia đấu thầu và không có tiêu chuẩn cụ thể như thế nào.

10h21: Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng: Bổ sung trường hợp áp dụng chỉ định thầu

Nhất trí cao với nhiều nội dung của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu cho biết, trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 21, cần bổ sung nội dung chỉ định thầu các gói thầu tư vấn xây lắp, tư vấn giải phóng mặt bằng như đo đạc, kiểm đếm, gói thầu kiểm lâm, gói thầu hạ tầng di chuyển điện, gói thầu hạ tầng tái định cư, gói thầu tư vấn chương trình mục tiêu quốc gia. 

Tại Điều 79 về trách nhiệm của tổ chức thẩm định, khoản 2 có quy định rằng, tổ chức thẩm định có trách nhiệm: hoạt động độc lập, khách quan khi tiến hành thẩm định; Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan; Bảo mật các tài liệu trong quá trình thẩm định; Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện các quy định tại Điều này theo yêu cầu của người có thẩm quyền, chủ đầu tư, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu. 

Đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm trách nhiệm của tổ chức thẩm định trong dự án Luật, cụ thể, tổ chức thẩm định phải chịu trách nhiệm chính về tính đúng đắn của dự án, đồ án, kiến trúc, kết cấu, khối lượng, đơn giá, và phải chịu trách nhiệm chính trước cơ quan thanh tra kiểm toán khi có kết luận sai phạm, chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải chịu bồi thường thiệt hại.

10h16: Đại biểu Khương Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Cần quy định chi tiết về hồ sơ mời thầu

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Khương Thị Mai bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đấu thầu để tạo hành lang pháp lý cho việc đấu thầu, khắc phục những tồn tại đã được chỉ ra. Dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, đặc biệt là có hai Nghị định hướng dẫn thi hành về lựa chọn nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu.

Để khắc phục những tồn tại đã được được chỉ ra trong thời gian qua, đại biểu cho rằng phải quy định chi tiết về hồ sơ mời thầu, tránh việc đưa ra nhiều thông số kỹ thuật đối với gói thầu mua sắm hoặc đưa những chỉ tiêu về kinh nghiệm tổ chức thực hiện dự án hoặc hồ sơ gói thầu nhằm hạn chế nhà thầu tham gia, hồ sơ phải thật rõ ràng, cụ thể...

Bên cạnh đó, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng cũng cần quy định chi tiết tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu. Theo đại biểu, dự án đầu tư kinh doanh cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích lâu dài phải căn cứ vào mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường để chọn được nhà đầu tư đích thực thực hiện dự án cũng như giải quyết được vấn đề phát triển bền vững, tạo ra nguồn thu ngân sách Nhà nước thông qua chính sách thuế. 

Mặt khác, tại Điều 18 Nghị định hướng dẫn thi hành luật quy định về phương pháp chấm điểm theo thang điểm. Đại biểu cho rằng, Nghị định phải quy định rõ ràng về cơ cấu tỉ lệ trọng trong điểm tương ứng. 

Đại biểu cũng đề nghị những nội dung liên quan đến đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư nên chuyển sang Luật Đất đai. Bởi Luật Đấu thầu sẽ được thông qua vào tháng 5/2023, Luật Đất đai (sửa đổi) thì được thông qua vào tháng 10/2023. 

Trước tình trạng nhà thầu bắt tay nhau để nâng giá thầu trong thời gian qua, đại biểu Khang Thị Mào đề nghị dự thảo Luật cần có cái giải pháp xử lý nghiêm hành vi tiết lộ thông tin của các cá nhân liên quan đến đấu thầu để xử lý hành vi này một cách nghiêm minh.

10h10: Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH Phú Thọ: Bổ sung quy định về tư cách, tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu phụ

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH Phú Thọ nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Góp ý về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư tại Điều 5, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tư cách hợp lệ của nhà thầu phụ. Theo đó, bổ sung quy định cụ thể giá trị tối đa theo tỉ lệ phần trăm giá trị hợp đồng mà nhà thầu chính được phép chuyển nhượng cho nhà thầu phụ. (Còn tiếp)

Đại biểu giải thích, để tránh nhà thầu chính lợi dụng quy định trong dự thảo Luật để kí kết với nhà thầu phụ với tỉ lệ cao, đồng thời khắc phục tình trạng các nhà thầu sử dụng năng lực, thậm chí các mối quan hệ thân quen để tham dự các gói thầu, sau đó mua bán, chuyển nhượng hoặc đưa các nhà thầu có năng lực yếu vào thực hiện gói thầu làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Bên cạnh đó, việc nhà thầu chính và nhà thầu phụ đã tồn tại nhiều năm song hành với nhau.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm đối với nhà thầu phụ khi ký kết hợp đồng với nhà thầu chính. Do vậy, để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị bổ sung các quy định trong dự thảo Luật về tư cách, tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm các nhà thầu nói chung và các nhà thầu phụ nói riêng.

Về thông tin đấu thầu tại Điều 7, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn về đăng tải thông tin đối với dự án là nội dung gì, thông tin dự án nhưng phải liên quan đến lựa chọn nhà thầu thì cần quy định cụ thể. 

Liên quan đến quy định đấu thầu trước tại Điều 39, đại biểu Cầm Hà Chung cho rằng, đây là quy định mới cho phép chủ đầu tư triển khai một số hoạt động chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu ở một số công đoạn nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế sẽ khó làm vì cơ bản các dự án chậm tiến độ giải ngân kém hiện nay là do công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư bị vướng mắc, trong khi các dự dự án mới chưa được phê duyệt thì chưa xác định được hướng tuyến nên chưa xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện trước công tác đầy đủ, hỗ trợ tái định cư.

Do vậy, để linh động, hiệu quả và triển khai nhanh, đại biểu Cầm Hà Chung đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.

10h07: Đại biểu Nguyễn Tri Thức - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Đề xuất bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế

Thống nhất với các ý kiến của các đại biểu đã góp ý tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc, điều đó là chưa đủ. Đại biểu mong muốn Ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực đấu thấu y tế có tính chuyên sâu rất cao. Bên cạnh đó, dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường, đại biểu cho rằng cần phải xem vật tư y tế hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Tại Khoản 5, Điều 39: Khi đấu thầu  được phép mua, được chọn xuất xứ để có những thiết bị y tế hiện đại để phục vụ người bệnh, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng nên sửa lại là cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt hoặc bệnh viện tuyến cuối nên được phép lựa chọn thương hiệu để mua sắm thuốc hoặc trang thiết bị y tế. Có như vậy thì người nghèo và bệnh viện công mới được tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại và các thiết bị tiên tiến nhất.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức cũng đề nghị nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện giờ chỉ có quy định là cấp cứu, còn chưa quy định trường hợp cấp bách bởi khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Trường hợp cấp bách này thì xử lý như thế nào, tổ chức nào được phép xác định trường hợp cấp bách?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị nên cho phép lãnh đạo bệnh viện hay là Đảng ủy, Hội đồng xác định trường hợp cấp bách, để tránh tiêu cực và kịp thời đáp ứng thuốc cho người bệnh.

9h59 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Hoàn thiện các quy định pháp luật về đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Góp ý quy định về chỉ định thầu, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết quy định gói thầu cung cấp dịch vụ phí tư vấn phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua bán từ các nhà thầu khác, gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được quy định này, phù hợp với thông lệ đấu thầu quốc tế cho phép áp dụng chỉ định thầu đối với các trường hợp có tính độc quyền bảo hộ sáng chế.

Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ duy nhất vận hành được như nội dung trên chưa phản ánh hết được thực tiễn hiện nay và có thể dẫn đến nguy cơ vi phạm quy định pháp luật đấu thầu khi áp dụng điều này. 

Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên được nhận viện trợ tài trợ, máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại. Trong quá trình vận hành máy móc phải sử dụng các dịch vụ phi tư vấn do cần phải đảm bảo tính tương thích về công nghệ, bản quyền nên không thể mua từ các nhà cung cấp khác. 

Đại biểu đề nghị đối với trường hợp trang thiết bị nhận được từ viện trợ tài trợ cần phải được sửa đổi theo hướng: gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn phải mua từ nhà thầu từ nhà cung cấp theo nguồn tài trợ viện trợ đã thực hiện trước đó do cần phải đảm bảo tính tương thức về công nghệ bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được loại hóa chất sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới đảm bảo yêu cầu về mặt chuyên môn. 

Về chỉ định thầu trong mua sắm trang thiết bị y tế đặc chủng, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất bổ sung thêm trường hợp chỉ định thầu dành cho việc thực hiện mua một số loại trang thiết bị y tế đặc chủng trên thế giới chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất chế tạo và bán thương mại trên thị trường.

Về chỉ định thầu rút gọn, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị dự thảo cần quy định về chỉ định thầu rút gọn trong trường hợp cấp bách thiên tai, dịch bệnh, mở rộng các trường hợp áp dụng chỉ định thầu rút gọn gồm cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm và thuốc. 

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cũng lưu ý cần phân biệt các trường hợp chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu thông thường, không để xảy ra lúng túng trong việc áp dụng pháp luật như hiện nay. 

Đại biểu cho rằng hoạt động đấu thầu thuốc tập trung có nhiều điểm khác, do đó, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị Ban soạn thảo cần đưa ra nguyên tắc xác định nguồn vốn căn cứ lập kế hoạch đối với gói thầu mua sắm thuốc tập trung; đồng thời, cần làm rõ vai trò của đơn vị mua sắm thuốc tập trung trong quá trình đấu thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu.

9h52: Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Đề nghị rà soát pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, dự thảo luật được sửa đổi dựa trên 5 nhóm chính sách, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, lựa chọn nhà đầu tư chuyên ngành. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Đình Thi lại băn khoăn về đảm bảo năng lực của nhà đầu tư, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư trong công tác đấu thầu. Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu... 

 Đại biểu Tạ Đình Thi đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và tán thành đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. 

Dự án Luật cũng đã được xây dựng trên cơ sở 5 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua trong đề nghị xây dựng luật, trong đó có việc bổ sung hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong dự án Luật cũng đã bổ sung phạm vi điều chỉnh có phần hoàn thiện khung pháp lý về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư và khắc phục khoảng trống pháp luật hiện nay trong việc lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực năng lượng. 

Dự án Luật đã lược bỏ quy định của Luật Đầu tư về thủ tục đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm và quyết định. Như vậy, điều này đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm tính thống nhất trong quy định về lựa chọn nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá thêm tác động của việc lược bỏ quy định nêu trên tại Luật Đầu tư, trong đó cần rà soát toàn diện quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật về đấu thầu và các pháp luật liên quan. Đồng thời, đại biểu đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật về đầu tư và pháp luật về đấu thầu. 

Đối với dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện các quy định tại dự thảo luật để phù hợp với điều kiện, yêu cầu quản lý nhà nước đối với từng ngành, lĩnh vực và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

9h46: Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn ĐBQH: Đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu; cho rằng Luật này đã trải qua 5 lần sửa đổi, bổ sung nhưng đều có tính chất nhỏ lẻ... Đại biểu mong muốn việc sửa đổi toàn diện Luật sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập về cơ sở pháp lý, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đấu thầu… 

Đại biểu cũng bày tỏ cơ bản tán thành với những ý kiến tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; cho rằng Chính phủ cần cung cấp đầy đủ, tổng thể hơn về số liệu để chứng minh cho những lập luận, quan điểm, làm nổi bật hơn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc của luật hiện hành, làm căn cứ vững chắc cho việc sửa đổi toàn diện thay vì tiếp tục sửa đổi, bổ sung. 

Để hoàn thiện hơn nữa dự thảo luật, đại biểu Hải đề nghị rà soát nội dung về giải thích từ ngữ, tại Khoản 9, Điều 4 của dự thảo luật về đấu thầu quốc tế là hoạt động đấu thầu có sự tham dự của nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; đề nghị rà soát lại quy định này theo hướng mở chứ không nên quy định cứng như vậy. Đấu thầu quốc tế, đấu thầu có yếu tố nhà thầu, nhà đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài là đủ, tức là chỉ cần có một nhà đầu tư nước ngoài vẫn thỏa mãn đó là đấu thầu quốc tế mà không phải phụ thuộc vào việc phải có nhà thầu, nhà đầu tư trong nước.

Ngoài ra, đại biểu nêu rõ, quy định tại Khoản 9, Điều 4 của dự thảo luật cũng bị vênh với chính Điều 11 của dự thảo luật. Do đó, đề nghị điều chỉnh quy định đấu thầu quốc tế là hoạt động đấu thầu có sự tham dự của nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài.

Đại biểu nhấn mạnh, nhìn chung, dự thảo Luật cần được rà soát kỹ lưỡng hơn nữa để tránh xung đột giữa các quy định. Đồng thời, cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các dự án luật trình Quốc hội cùng thời điểm như Luật Đất đai (sửa đổi) hoặc các dự án luật sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này như Luật Dầu khí (sửa đổi)...

9h25: Quốc hội nghỉ giải lao

9h19: Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Cần một chương riêng về đấu thầu thuốc.

Góp ý vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa 13 ban hành cho tới thời điểm này đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết trên thực tế nền cần phải sửa đổi.

Đại biểu nêu quan điểm đấu thầu chỉ là một phương tiện, không phải là mục đích. Mục đích của đấu thầu là để có những sản phẩm chất lượng và kiểm soát được giá cả. Nhưng thời gian qua xảy ra tiêu cực quá nhiều và hầu như toàn thể dự thảo luật có các quy định nhằm tăng cường những biện pháp làm sao để giám sát, tuy nhiên sẽ làm tăng thời gian, công sức và hiệu quả chống tiêu cực chưa rõ. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị ban soạn thảo quy định một chương riêng về đấu thầu thuốc; đồng thời đa dạng hóa các phương thức để có được hàng hóa, dịch vụ, có được thuốc cho người bệnh, chứ không chỉ có hình thức đấu thầu. Hơn nữa, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu, trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện. 

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc càng ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng giải pháp nào để giá rẻ chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc. Đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá của bác sĩ điều trị về thuốc đấu thầu, trong đó cần được lượng hóa và tính thành số điểm và phải chịu trách nhiệm công khai, minh bạch bởi Hội đồng thuốc và điều trị…

9h12: Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Nên quy định hạn mức chỉ định thầu cao hơn

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga cho rằng việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật đồng bộ, thống nhất, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư, mua sắm bằng vốn, tài sản nhà nước.

Góp ý về quỹ thầu đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga cho biết dự thảo Luật quy định khá rõ các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định trách nhiệm của chủ đầu tư hủy thầu do quyết định sai phương thức đấu thầu, thiếu trách nhiệm hậu quả là phải hủy thầu, gây tổn hại cho nhà thầu, chậm tiến độ dự án và gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong trường hợp này. Đại biểu cho rằng nếu việc hủy thầu không chính đáng, thậm chí không có trong quy định của luật thì cần phải có chế tài chế tài xử lý.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề xuất Chính phủ khi ban hành Nghị định quy định giá trị các gói thầu nên đánh giá sát hợp với điều kiện thực tiễn các gói thầu quy mô nhỏ có sự tham gia của cộng đồng. Đại biểu đề xuất Chính phủ nên quy định hạn mức là 5 tỉ và cho biết thực tế cho thấy, công trình xây dựng có sự tham gia giám sát của nhân dân thì công trình sẽ có chất lượng rất tốt. Cùng với đó, đại biểu cũng đề xuất nên quy định hạn mức cao hơn so với quy định hiện hành của Nghị định 63 của Chính phủ.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chủ thể là người có thẩm quyền thực hiện công tác giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu được quy định tại Điều 87 của dự thảo Luật về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu. Đồng thời đề xuất Ban soạn thảo bổ sung chủ thể giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Để dự thảo Luật triển khai đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và Nhân dân; trong quá trình thực hiện đấu thầu cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu, kế hoạch đấu thầu, thông báo mời thầu.

9h08: Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai: Ưu đãi nhà thầu cung cấp sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam

Quan tâm đến quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng đối tượng được hưởng ưu đãi phải là nhà thầu cung cấp sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ ở Việt Nam, sản phẩm dịch vụ thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem lại hình thức ưu đãi trong đấu thầu là gói thầu xây lắp dành cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 10, do gói thầu này đã chỉ rõ đối tượng được tham gia, chỉ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đại biểu đặt câu hỏi, trường hợp không có doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu thì việc lựa chọn nhà thầu sẽ được quy định như thế nào?

Đại biểu cũng cho rằng, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo chưa quy định rõ những hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này thì chịu sự điều chỉnh của luật nào, vì vậy, cần bổ sung nội dung này đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng. 

Điều 2 của dự thảo Luật quy định, Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đấu thầu quy định tại Điều 1 của Luật này. Đại biểu đề nghị chỉnh lý quy định tại Điều 2 để bảo đảm tính bao quát đầy đủ đối tượng áp dụng.

9h02: Đại biểu Phạm Văn Hòa   - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Quy định rõ về tính cạnh tranh trong đấu thầu

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu đại biểu Phạm Văn Hòa góp ý vào một số nội dung cụ thể. Theo đó, đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh cần rà soát, quy định cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả trong lĩnh vực đấu thầu.

Về tính hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư, đại biểu cho rằng quy định có tên trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong thời điểm trình duyệt kết quả nhà thầu, nhà đầu tư là chưa hợp lý. Đại biểu đề nghị sửa “thời điểm trình duyệt kết quả nhà thầu, nhà đầu tư” thành “thời điểm đấu thầu” để tránh trường hợp tiêu cực, hoặc cơ quan đơn vị mất nhiều thời gian lựa chọn nhà thầu.

Về đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, Điều 6 có quy định, nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính để đảm bảo tính bình đẳng. Tuy nhiên, khoản 4 lại quy định nhà thầu được chỉ định thầu không phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này. Đại biểu cho rằng, cần quy định nhà thầu được chỉ định thầu phải đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều này, để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh việc ưu ái quá mức trong chỉ định thầu.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu chỉ ra rằng Dự thảo Luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu. Tuy nhiên, cần rà soát hành vi cấm theo nhóm chủ thể để dễ áp dụng như nhóm hành vi cấm chung, nhóm hành vi cấm đối với người có thẩm quyền, chủ đầu tư; nhóm hành vi cấm đối với tổ chuyên gia, tổ chấm thầu; nhóm hành vi cấm đối với nhà thầu.

8h55: Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Quy định rõ phạm vi điều chỉnh của các hoạt động phải đấu thầu

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Khánh Thu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đây là một dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng được xã hội quan tâm, nhất là với năm chính sách mới quan trọng được bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành. 

Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng đấu thầu của dự thảo Luật có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Thêm mới 21 Điều, sửa đổi 75 Điều và bãi bỏ 12 Điều. Đặc biệt, tại khoản 3, Điều 1 bổ sung quy định về các hoạt động không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, vẫn còn những hoạt động khác không có trong khoản 3, Điều 1 nhưng cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập cho thuê tài sản công hay các dịch vụ phi y tế.

Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định rõ phạm vi điều chỉnh của các hoạt động phải đấu thầu. Đồng thời, cần có quy định khái niệm vốn nhà nước nhằm bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với các quy định tại pháp luật có liên quan.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, dự thảo luật có một số quy định chưa hợp lý, khó thực hiện, chưa phù hợp với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạchh, hiệu quả kinh tế, chưa quy định thẩm quyền quyết định các gói thầu tại mục đ Điều 27,…

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Đồng thời quy định nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để yêu cầu đối với các gói thầu được áp dụng lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đặc thù và khẩn cấp, cấp bách.

Để đảm bảo công tác đấu thầu công khai, minh bạch, đạt hiệu quả, tránh sai sót, vi phạm không đáng có, đại biểu cho rằng cần bổ sung vào dự thảo luật quy định riêng về đấu thầu cho ngành y tế như mua sắm thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, vậy tư thay thế, hóa chất sinh phẩm và các dịch vụ phi tư vấn khác. Đồng thời cần có quy định chi tiết hình thức chỉ định thầu, xử lý chỉ định thầu rút gọn.

8h49: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Rà soát lại các trường hợp được đấu thầu trước

Qua nghiên cứu dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Kiều tán thành việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu 2013. Hoạt động đấu thầu mua sắm công thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề khiến việc sửa đổi Luật này trở nên cấp thiết. Đại biểu cũng thống nhất các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, xây dựng Luật đặc biệt là việc nâng cao tính cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Góp ý vào nội dung cụ thể, về áp dụng pháp luật tại Điều 3, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 5 trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục và các nội dung khác trong lựa chọn nhà thầu và ban hành quy chế để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp. Vì hoạt động này không thuộc phạm vi điều chỉnh quy định tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nội dung này nên đưa vào Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đang được nghiên cứu sửa đổi.

Về khoản 7 quy định việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Đại biểu đề nghị xem lại quy định tại khoản này vì nếu áp dụng theo điều ước quốc tế thì phải áp dụng toàn bộ nội dung, trình tự, thủ tục. Trường hợp điều ước quốc tế không quy định trình tự, thủ tục thì hiện án áp dụng luật này.

Đề cập về chỉ định thầu tại Điều 21, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cân nhắc quy định cụ thể hơn đối với một số trường hợp chỉ định thầu gói thầu tái định cư tại điểm d khoản 1. Nếu tất cả các gói tái định cư đều thực hiện chỉ định thầu là chưa phù hợp, nhất là đối với các gói thầu thực hiện tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, có nhiều nhà nhà thầu quan tâm. Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Tại điểm b, khoản 1 cần quy định cụ thể hơn.

8h44: Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các gói thầu có quy mô nhỏ

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Tiến đồng thuận với việc sửa đổi Luật và cho rằng, dự án Luật cần có sự thống nhất, đồng bộ với các hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế.

Đối với thực hiện hợp đồng, Trần Văn Tiến băn khoăn về nhiều gói thầu có quy mô nhỏ nhưng yêu cầu phức tạp, tỉ mỉ đến từng chi tiết thì việc giao cho cộng đồng thực hiện có khả thi không? Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này. 

Cụ thể, về tham gia thực hiện hợp đồng ở Điều 25, theo quy định tại khoản 1 thì nhiều nhiều gói thầu thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình xóa đói giảm nghèo có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp được giao cho cộng đồng thực hiện, trong khi năng lực của cộng đồng bị hạn chế. 

Tại Khoản 2 quy định những gói thầu có quy mô nhỏ, đại biểu Trần Văn Tiến đồng thuận với dự án Luật nhưng cũng có những gói thầu có quy mô nhỏ nhưng có yêu cầu kỹ thuật phức tạp như: tượng đài, bức tranh, bức tượng điêu khắc... thì việc giao cho cộng đồng thì đại biểu Trần Văn Tiến băn khoăn về tính khả thi thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị gộp Khoản 1 và Khoản 2 thành một quy định theo hướng các gói thầu có quy mô nhỏ, không đạt yêu cầu về kỹ thuật thì giao cho cộng đồng thực hiện.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này vì liên quan đến tiêu chí thế nào là gói thầu có quy mô nhỏ và thế nào là gói thầu có yêu cầu về kỹ mỹ thuật lựa chọn tư vấn cá nhân?

8h41: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu 2013 để phù hợp với các quy định hiện hành, đặc biệt nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện với các luật được ban hành sửa đổi sau Luật Đấu thầu…

Để đảm bảo sự chặt chẽ, phù hợp đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng đề nghị Khoản 3, Điều 5 của dự thảo Luật về điều kiện đối với các nhà thầu, nhà thầu, nhà đầu tư, cá nhân cần chỉnh sửa một số quy định cụ thể như sau: Tại Điểm b, khoản 3 sửa lại từ “không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thành “không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Tại Khoản 4, Điều 17 quy định về hủy thầu. Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu dẫn đến hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, đây là quy định quan trọng góp phần tạo tính cạnh tranh, minh bạch của hoạt động đấu thầu; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà thầu tham dự thầu. 

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4, Điều 17 dự thảo chưa quy định rõ về cơ chế đền bù chi phí như thế nào, các bên liên quan phải khởi kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại trước pháp luật dân sự hay theo trình tự, thủ tục nào. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ ràng và cụ thể hơn về vấn đề đền bù chi phí cho các bên liên quan khi hủy thầu trong các trường hợp trên. 

Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một số tổ chức giám sát để thực hiện.

8h39 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết trước đó Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) với 180 lượt ý kiến phát biểu. Thảo luận tại Tổ, cơ  bản các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm thế chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý, góp phần phòng, chống lãng phí, giải quyết những tồn tại trong lựa chọn nhà thầu mua sắm công…

Ngoài ra các đại biểu cũng đã góp ý đối với từng nhóm chính sách cụ thể và các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật. Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách với các nhóm nội dung lớn cần tập trung thảo luận thảo luận.

Phó Chủ tịch Quôc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề, tránh trùng lắp.

8h36: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gồm 08 Điều. 

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 470 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,38 %. Như vậy Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

8h21: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 26/10 và 07/11/2022, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết. 

Về sự cần thiết ban hành và phạm vi Nghị quyết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù vì hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW (Nghị quyết số 23); đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện kết quả thực hiện cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội đối với các địa phương trước khi ban hành Nghị quyết thí điểm.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị, đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23. Tại các Nghị quyết Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, Quốc hội đều giao Chính phủ có trách nhiệm tổ chức sơ kết 03 năm và tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội. 

Có ý kiến cho rằng, phạm vi chính sách tại Dự thảo Nghị quyết còn hạn chế, đề nghị bổ sung các chính sách nhằm góp phần phát triển Thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Về vấn đề này UBTVQH xin được giữ phạm vi chính sách thí điểm như Dự thảo Nghị quyết với các lý do: Thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về phạm vi, quy mô của các chính sách, trong số 10 nhóm nhiệm vụ tại Kết luận, có 05 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội đã được thể hiện đầy đủ trong Dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh có cơ chế đặc thù trong cả nước, đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương. Ngoài chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 67.  

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23, theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới và cùng với Nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả Vùng phát triển. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ; mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. 

Đối với các chính sách quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên vì theo quy định của Luật NSNN, việc ban hành định mức chi thường xuyên thuộc thẩm quyền của UBTVQH, không nên quy định tại Nghị quyết này. UBTVQH xin báo cáo như sau: Khoản 2 Điều 19 Luật NSNN quy định Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính - ngân sách nhà nước. Chính sách này đã được Quốc hội quy định tại các Nghị quyết đặc thù áp dụng đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Vì vậy, để bảo đảm tính pháp lý, tính thống nhất, thể chế hóa Kết luận số 67 và áp dụng trong suốt thời gian thí điểm, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định nội dung này tại Nghị quyết.

Về vấn đề này UBTVQH xin được giữ phạm vi chính sách thí điểm như Dự thảo Nghị quyết với các lý do: Thực hiện Kết luận số 67 của Bộ Chính trị về phạm vi, quy mô của các chính sách, trong số 10 nhóm nhiệm vụ tại Kết luận, có 05 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội đã được thể hiện đầy đủ trong Dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh có cơ chế đặc thù trong cả nước, đồng thời phát huy thế mạnh của địa phương. Ngoài chính sách thí điểm thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Kết luận số 67.  

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23, theo đó các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng sẽ được xây dựng trong thời gian tới và cùng với Nghị quyết này sẽ tạo khung chính sách ưu đãi tương đối toàn diện để thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phát triển thành cực tăng trưởng, kích hoạt cho cả Vùng phát triển. Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị hành chính cấp huyện là vấn đề mới, chưa có tiền lệ; mặt khác, các chính sách cần tương thích với khả năng hấp thụ và tổ chức thực hiện. 

Đối với các chính sách quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý quy hoạch, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) định mức chi thường xuyên vì theo quy định của Luật NSNN, việc ban hành định mức chi thường xuyên thuộc thẩm quyền của UBTVQH, không nên quy định tại Nghị quyết này. UBTVQH xin báo cáo như sau: Khoản 2 Điều 19 Luật NSNN quy định Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính - ngân sách nhà nước. Chính sách này đã được Quốc hội quy định tại các Nghị quyết đặc thù áp dụng đối với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế. Vì vậy, để bảo đảm tính pháp lý, tính thống nhất, thể chế hóa Kết luận số 67 và áp dụng trong suốt thời gian thí điểm, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép quy định nội dung này tại Nghị quyết. 

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định rõ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị và việc lập, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch nếu liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh thì cần tính toán kỹ và cần có ý kiến của các Bộ liên quan, trong đó có Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhưng phải theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Quá trình thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung này sẽ bảo đảm tuân thủ đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó có tổ chức lấy ý kiến của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư có liên quan đến các nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như Dự thảo Nghị quyết. 

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giáo dục, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong quá trình soạn thảo, trên cơ sở định hướng tại Kết luận số 67, những ngành, lĩnh vực phù hợp đã được lựa chọn phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, theo Chương trình hành động tại Nghị quyết số 103/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra 32 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện Kết luận số 67, trong đó có 23 nhiệm vụ về phát triển các ngành, lĩnh vực, qua đó sẽ tạo hỗ trợ ưu đãi đầu tư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. 

Điều 4 của Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định về chính sách khuyến khích thuế nói chung, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường và giáo dục. Trên cơ sở thí điểm sẽ nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên để báo cáo Quốc hội khi sơ kết, tổng kết, đánh giá Nghị quyết này.

Thay mặt UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH nêu liên quan đến quy định ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; các giải pháp bảo đảm quốc phòng, an ninh khi thực hiện các chính sách thí điểm; thời gian áp dụng nghị quyết...

8h20: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp

Phát biểu điều hành nội dung tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Sau đó Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

8h16: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 03 Điều, Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội gồm 03 Chương, 58 Điều.

Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp cho thấy có 466 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 93,57 %. Như vậy Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết

8h03: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, có ý kiến cho rằng, quy định thủ tục báo cáo khi đại biểu Quốc hội vắng mặt tại phiên họp Quốc hội sẽ gây khó khăn cho đại biểu; đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào App của Quốc hội chức năng báo cáo vắng mặt của đại biểu Quốc hội. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng để bảo đảm chặt chẽ; trường hợp đại biểu Quốc hội không thể tham dự phiên họp Quốc hội để tham gia tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, nghị quyết thì không coi là vắng mặt.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 3 về việc vắng mặt vì lý do bất khả kháng, do thực hiện các nhiệm vụ khác trong kỳ họp theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ. Đồng thời, trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, bổ sung vào App của Quốc hội chức năng báo cáo trực tuyến việc vắng mặt của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, phiên họp Quốc hội để thuận tiện cho đại biểu trong việc báo cáo.

Đối với tài liệu phục vụ Kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ và bảo đảm thời hạn gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu Quốc hội để có đủ thời gian nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, có ý kiến sâu sắc, chất lượng. Có ý kiến đề nghị phân loại thời hạn gửi theo tính chất phức tạp của tài liệu; bổ sung chế tài xử lý đối với việc chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội; quy định việc gửi tài liệu chậm là nội dung để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm đúng thời gian quy định. Văn phòng Quốc hội cũng thường xuyên đôn đốc việc gửi tài liệu, đồng thời, từ kỳ họp này đã thực hiện công bố công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội. Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, đề xuất biện pháp cụ thể để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn đến đại biểu Quốc hội, khắc phục hạn chế, tồn tại.

Tại Điều 18 về thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, một số ý kiến đề nghị quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có quyền yêu cầu dừng tranh luận trong trường hợp đại biểu tranh luận không đúng trọng tâm, không rõ đối tượng tranh luận, sử dụng quyền tranh luận để phát biểu; được dừng, tạm dừng, hoãn, tạm hoãn phiên họp, kỳ họp trong tình huống có sự cố bất khả kháng, việc tiếp tục họp do Quốc hội quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận ý kiến của đại biểu và nhận thấy các nội dung này đã được quy định trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội, cụ thể là điểm d khoản 2 Điều 18 quy định: Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu hoặc dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc phát biểu, tranh luận không đúng nội dung. Đối với việc dừng, tạm dừng, tạm hoãn kỳ họp, phiên họp là thẩm quyền của Quốc hội khi quyết định chương trình hoặc điều chỉnh chương trình kỳ họp. Có ý kiến cho rằng thời gian phát biểu 07 phút của đại biểu là ngắn; không nên giới hạn thời gian phát biểu của đại biểu; khi kéo dài phiên họp, nếu còn thời gian thì đại biểu có quyền phát biểu lần hai. Ý kiến khác đề nghị giảm thời gian phát biểu của đại biểu. Có ý kiến đề nghị quy định thời gian tranh luận là không quá 02 phút; tăng thời gian giải trình của cơ quan trình đối với lĩnh vực, nội dung quan trọng, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau; đề nghị giao Chủ tọa phiên họp xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian giải trình của đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thời gian phát biểu, tranh luận của đại biểu Quốc hội là kế thừa quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành và nội quy hóa những giải pháp đổi mới có hiệu quả trong thời gian qua nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội chủ động trong việc chuẩn bị nội dung và trình bày được đầy đủ ý kiến. Do đó, xin Quốc hội cho giữ các nội dung này như dự thảo. Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội cũng không quy định giới hạn phát biểu lần hai trong thời gian kéo dài phiên họp nên đại biểu có thể thực hiện quyền của mình nếu còn thời gian.

Về thời gian giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định thời gian giải trình là 10 phút của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra là phù hợp để các chủ thể này phải trình bày thật cô đọng, súc tích, đồng thời bảo đảm dành nhiều thời gian hơn cho đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận. Bên cạnh đó, dự thảo Nội quy kỳ họp đã bổ sung quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể quyết định kéo dài thời gian mỗi lần giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trình, cơ quan chủ trì thẩm tra không quá 15 phút khi nội dung thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu như đại biểu đã nêu.

Về trình tự xây dựng, ban hành nghị quyết kỳ họp Quốc hội, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xác định rõ nghị quyết kỳ họp Quốc hội là văn bản cá biệt hay văn bản quy phạm pháp luật, nếu là văn bản quy phạm pháp luật thì phải tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị cần bảo đảm tính thống nhất giữa nội dung đề xuất và nội dung cần thẩm tra tại Điều 57. Ý kiến khác đề nghị rà soát để quy định đầy đủ, chặt chẽ các chủ thể có quyền đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 57 đã được chỉnh lý theo hướng: nội dung được các cơ quan, tổ chức đề xuất đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội phải được trình Quốc hội, được thẩm tra theo quy định hoặc có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách, đồng thời được Quốc hội thảo luận và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Các chủ thể có quyền đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết kỳ họp Quốc hội cũng đã được nghiên cứu, chỉnh lý để quy định đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật như thể hiện tại Điều 57.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu nêu về áp dụng pháp luật có liên quan để xem xét, quyết định các vấn đề khác tại kỳ họp Quốc hội quy định tại Điều 58 của dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.

8h02: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu mở đầu Phiên họp

Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sáng nay, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Tiếp đến, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội