Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh dự Hội nghị Lần thứ 9 Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) Vùng châu Á - Thái Bình Dương
Được thành lập ngày 20/3/1970, Cộng đồng Pháp ngữ/Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp. OIF hiện nay gồm 88 thành viên có sử dụng tiếng Pháp với mục tiêu thông qua việc chia sẻ tiếng Pháp và các giá trị phổ quát để phục vụ các mục tiêu hòa bình, hợp tác, đoàn kết và phát triển bền vững.
Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) là tổ chức liên nghị viện gồm 91 Phân ban thành viên, trong đó có 56 thành viên chính thức, 17 thành viên liên kết và 18 quan sát viên. Theo Hiến chương Cộng đồng Pháp ngữ, APF là cơ quan tham vấn của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, trình các ý kiến đóng góp xây dựng thể chế, chính sách nói chung của Cộng đồng. APF đóng vai trò thúc đẩy xây dựng nhà nước pháp quyền, nền dân chủ, quyền con người, bình đẳng giới và quảng bá ngôn ngữ tiếng Pháp. APF hoạt động thông qua các kỳ Đại hội đồng thường niên, các Hội nghị Ban Chấp hành APF, các Uỷ ban của APF, hoạt động của các Vùng, các hội thảo chuyên đề và các chương trình hợp tác liên nghị viện khác.
Vùng Châu Á - Thái Bình Dương trong APF gồm các phân ban: Campuchia, Lào, Vanuatu, Việt Nam đã được thành lập tại Hội nghị lẩn thứ nhất của Vùng tại Huế, Việt Nam tháng 03/2006. Quy chế hoạt động của Vùng, quy định Hội nghị Vùng được tổ chức theo cơ chế luân phiên 2 năm/lần. Từ năm 2019, OIF và APF kết nạp thêm các Phân ban: Nouvelle-Calédonie, Polynésie française, Wallis - Futuna là các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp với tư cách thành viên chính thức. Theo đó, số lượng thành viên Vùng châu Á - Thái Bình Dương của APF là 7 Phân ban.
Sự tham gia tích cực của các phân ban trong Vùng đã góp phần tích cực vào hoạt động của APF tại khu vực; bảo vệ sự đa dạng văn hoá theo đúng tôn chỉ hoạt động của APF. Đồng thời đóng góp ý kiến thiết thực, tăng cường hợp tác trao đổi, ủng hộ lẫn nhau giữa các nghị sĩ trong khu vực trên các diễn đàn quốc tế. Vùng châu Á - Thái Bình Dương APF là kênh hoạt động đa phương và là nơi gặp gỡ, trao đổi quan trọng thông qua ngôn ngữ chung là tiếng Pháp giữa Quốc hội ba nước, góp phần thiết thực thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Lào - Campuchia.
Quốc hội Việt Nam là quan sát viên từ năm 1974 và trở thành thành viên chính thức của APF từ năm 1991, là thành viên tích cực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong Cộng đồng Pháp ngữ nói chung. Chủ tịch Phân ban Việt Nam được các Phân ban thành viên APF tín nhiệm bầu giữ vị trí trọng yếu của APF gồm Phó Chủ tịch APF (liên tục từ 1999 đến 2015, 2019¬2022), phụ trách Vùng châu Á - Thái Bình Dương các nhiệm kỳ 2015-2017, 2022-2024. Qua đó, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao trong khối Pháp ngữ nói riêng cũng như trên trường quốc tế nói chung.
Việc tổ chức Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chủ động và tích cực đóng góp định hình các thể chế đa phương. Đồng thời khẳng định cam kết chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Việt Nam; tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới, qua đó góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao chung của Nhà nước vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cùng với việc tổ chức các Hội nghị cấp Uỷ ban, Mạng lưới của APF, việc đăng cai Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á - Thái Bình Dương thể hiện trách nhiệm thành viên của tổ chức và khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và APF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong nhiệm kỳ APF 2022 - 2024 khi Chủ tịch Phân ban Việt Nam đảm nhận vị trí Phụ trách Vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Theo dự kiến chương trình, Hội nghị sẽ thảo luận về “Tính cấp thiết của sự hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu” và “Vai trò của Nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội”…/.