SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI PHẢI ĐẢM BẢO NGƯỜI BỊ THU HỒI ĐẤT CÓ CHỖ Ở, THU NHẬP VÀ ĐIỀU KIỆN SỐNG BẰNG HOẶC TỐT HƠN NƠI Ở CŨ

28/11/2022

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, việc thu hồi đất để dành cho Nhà nước thực hiện các dự án, công trình xây dựng phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: ĐỀ NGHỊ QUỐC HỘI XEM XÉT TỔ CHỨC MỘT KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

ĐBQH NGUYỄN CHU HỒI: MINH BẠCH GIÁ ĐẤT NHẰM HẠN CHẾ CUỘC ''CHẠY ĐUA'' GIỮA CÁC NHÓM LỢI ÍCH

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV cho ý lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 và sẽ tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội là vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tạo việc làm ổn định, sinh kế cho người dân khi Nhà nước có chính sách thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình xây dựng.

Liên quan đến nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cơ bản thống nhất với các nguyên tắc được xác định tại Điều 97, đặc biệt là nguyên tắc việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây là một trong những quan điểm tiến bộ, nhân văn theo tinh thần Nghị quyết 18 của Đảng, phù hợp với lợi ích và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân, nhất là những người có đất bị thu hồi.

|
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để lượng hóa được vấn đề này, nhằm vừa thực hiện đúng và vừa đáp ứng được đầy đủ theo yêu cầu của người dân là rất khó và rất dễ dẫn đến tình huống người dân không chấp nhận phương án bồi thường do quy định không rõ ràng. Có thể nói, việc thu hồi, bồi thường về đất là một trong những vấn đề luôn có tính thời sự và phát sinh nhiều vấn đề khác có liên quan. Do đó, việc quy định rõ ràng để hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về đất đai là một trong những cách thức để tránh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện phát sinh. Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể hơn để định lượng, xác định rõ cơ chế quy định việc hướng dẫn, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm thẩm định, giám sát liên quan đến vấn đề này, nhằm đảm bảo tín hiệu lực hiệu quả và khả thi trong thực tiễn.

Đối với nguyên tắc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, tại khoản 3 Điều 97, thực tế cho thấy, nội dung quy định như vậy chính là nhằm tạo sự linh hoạt và bảo đảm việc bồi thường phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, do đó đại biểu Trần Thị Thanh Hương đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động trên cơ sở nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác với mục đích sử dụng của loại đất bị thu hồi nhưng phải có giá trị tương đương với đất bị thu hồi. Đồng thời, đề nghị cần quy định thứ tự ưu tiên trong các hình thức bồi thường về đất trên tinh thần thỏa đáng, công bằng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân một cách tốt nhất, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện sau này.


Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, một quan điểm hết sức đúng đắn của Đảng tại Nghị quyết 18 trong vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân là khi Nhà nước thu hồi đất là phải có chỗ ở và đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở mới. Dự thảo luật đã đưa quan điểm này thành nguyên tắc bồi thường về đất đai khi Nhà nước thu hồi đất tại khoản 2 Điều 97. Chúng ta thấy rằng, khi Nhà nước thu hồi đất, người dân mất đi một tư liệu sản xuất rất quan trọng. Bởi vậy, việc bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng nhất là đảm bảo kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho người dân. Nếu không đảm bảo được điều này, họ sẽ rơi vào nguy cơ tái đói nghèo. Do đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể về việc tạo sinh kế cho người dân khi bị thu hồi đất.

Nêu quan điểm về việc cơ quan quản lý Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình nhưng vẫn phải đảm bảo việc làm, sinh kế cho người dân, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết, qua khảo sát cho thấy, khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30 đến 60% giá thị trường ở mỗi địa phương tương ứng. Như vậy, thu hồi đất cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay không ít trường hợp bị lạm dụng.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng và cũng phải quy định rõ, không quy định chung chung, phải quy định khu vực nào là quốc phòng, khu vực nào để kinh doanh. Việc thu hồi đất vì mục đích phúc lợi công cộng cũng phải rõ. Riêng giao đất cho khu kinh tế vì kinh doanh thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường. Đồng thời, phải làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi, đất gắn với mục đích sử dụng đất được cấp theo phương thức như hiện nay hay định giá theo giá trị của đất bất động sản hình thành tương lai khi đã có một số lượng lớn vốn được bỏ ra đầu tư. Ngoài ra, cần xác định nguyên tắc định giá của phương pháp này để làm nguyên tắc xây dựng, sửa đổi luật.


Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước.

Thực tế cho thấy, mặc dù đối tượng thu hồi đất do nhà nước quản lý nhưng thiệt hại mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm được quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan đến đất bị thiệt hại, liên quan đến sinh kế. Nhìn về phố cổ Hà Nội hiện nay cho thấy, việc người dân chen chúc, tạm bợ, chật chội trong các nhà chỉ vài m2 trên một đầu người không phải do thiếu chỗ ở tốt hơn mà chính là sinh kế, là làm việc, việc làm. Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, cần quy định thêm người dân, tổ chức khi bị thu hồi đất ngoài được bồi thường theo quy định cần xem xét, hỗ trợ thêm. Người dân thì hỗ trợ vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, còn tổ chức doanh nghiệp cũng cần có chính sách hỗ trợ tương ứng khi họ đã hy sinh, di dời cho sự nghiệp phát triển, có như vậy chúng ta mới thực hiện đúng mục tiêu chỗ ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.

Với những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Đối với vấn đề thu hồi và bồi thường liên quan đến đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về việc cần làm rõ giao đất không phải đấu thầu, đấu giá; đất nào cần phải đấu thầu, đấu giá? Hiện nay, việc đấu thầu, đấu giá đất thì Nhà nước sẽ thu hồi. Hình thức thứ hai là Nhà nước không thu hồi đất mà có sự thỏa thuận với các bên. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, trong trường hợp nào sẽ thu hồi và đấu thầu, đấu giá thì cần được làm rõ trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Việc đấu thầu, đấu giá mang lợi ích gì thì cũng cần làm rõ hơn trong dự án Luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, việc thu hồi đất phải đảm bảo một bằng bằng, điều tiết địa tô, chính sách đền bù. Quan trọng nhất là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp./.

Bích Lan