Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” dự kiến diễn ra tháng 12/2022, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức. Mục tiêu của Hội thảo là tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Đây là hội thảo quan trọng, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại biểu Quốc hội, đại diện Đại sứ quán một số nước và một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện một số đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo về văn hóa, cơ sở văn hóa nghệ thuật, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế…
Trước thềm Hội thảo Văn hóa 2022, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia nghiên cứu văn hóa kỳ vọng Hội thảo sẽ gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa. Quan tâm đến hoạt động này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chia sẻ quan điểm với Cổng TTĐT Quốc hội về việc bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam và đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của Hội thảo.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế
Phóng viên: Dự kiến đầu tháng 12/2022, Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” sẽ được tổ chức, với sự tham dự của khoảng 1 nghìn đại biểu, gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa. Đại biểu đánh giá như thế nào về quy mô, sự cần thiết, cũng như tầm quan trọng của hội thảo này?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tôi cho rằng, Hội thảo Văn hóa 2022 đã có sự chuẩn bị chu đáo trên các nền tảng chính trị, pháp lý, sự đồng hành của Quốc hội cũng như các chuyên gia về văn hóa. Hội thảo nhằm quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội thảo là cũng là bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 - văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hoá, văn nghệ - là văn kiện lịch sử quan trọng, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn và dân chủ.
Đặc biệt, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, sâu sắc, toàn diện, tổng thể nhằm phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo là cần thiết, cấp bách, đúng theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phóng viên: Như đại biểu vừa phân tích về sự cần thiết thể chế hóa quan điểm của Đảng, vậy chúng ta cần làm gì để có hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để văn hóa có bước phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: Hệ thống chính sách, pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng, tạo nền tảng cơ bản, cơ sở để cụ thể hóa từng quan điểm, chủ trương của Đảng. Nếu không có cơ chế, không có thể chế, không có chính sách thì không có cơ sở hợp pháp để triển khai bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của nước ta. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu chỉ có chủ trương của Đảng, mà không có hành lang pháp lý cụ thể dẫn tới tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu. Như vậy, các giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa sẽ không hoàn thiện, hoàn chỉnh như chúng ta mong muốn. Vậy nên việc xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực văn hóa là vô cùng quan trọng - đây chính là nền tảng cơ bản của mọi nền tảng trong việc xây dựng văn hóa của Việt Nam.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, địa phương, chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa. Xin hỏi quan điểm của đại biểu về nhận định này và chúng ta cần làm gì để khơi dậy tối đa các nguồn lực phát triển văn hóa?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: Theo tôi, có rất nhiều giải pháp, nhiệm vụ, nhưng cần đặc biệt hết sức chú ý kế thừa Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943; cụ thể hóa một cách đầy đủ, toàn diện ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Bài phát biểu cũng chính là tiếp tục phát triển, mở rộng các nội dung đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các nội dung trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã có sự kế thừa, phát triển từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8, Cương lĩnh xây dựng phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011.
Đây là cơ sở chính trị quan trọng, với cách nhìn tổng thể và biện chứng kiến về việc xây dựng văn hóa, nâng tầm văn hóa để văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đa dạng trong thống nhất, thống trong đa dạng, đa sắc màu, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trên cơ sở đó, chúng ta cần xây dựng chương trình hành động, những nội dung thực hiện thiết thực, hiệu quả cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa trong xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, làm sao giữ được cốt lõi, hồn cốt, tinh túy của văn hóa Việt Nam.
Bên cạnh chú trọng bảo tồn và phát triển hài hòa văn hóa vật thể và phi vật thể, cũng cần quan tâm xây dựng con người văn hóa, trong đó người Việt Nam phải mang đậm văn hóa Việt Nam. Đó là xây dựng con người mang giá trị chân thiện mỹ, có tình yêu nước nồng nàn, khát vọng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn vậy cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, bởi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể của văn hóa. Những người quản lý văn hóa cũng phải được đào tạo để vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng trong quản lý nhà nước.
Chúng ta cũng cần tiếp tục xác định văn hóa là một mặt trận để đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu của thời đại mới - thời đại số, đa chiều, đa cực như hiện nay. Điều này đòi hỏi chủ thể sáng tạo văn hóa và người thụ hưởng văn hóa cũng cần có sự chủ động hướng đến những giá trị tốt đẹp, tương thân tương ái, tương trợ, đoàn kết tạo thành những “sản phẩm văn hóa sống”.
Cùng với những giải pháp ở trên, theo tôi môi trường văn hóa vô cùng quan trọng. Cần xây dựng môi trường gia đình trong bối cảnh số, bên cạnh sự kết nối từ xa cũng cần có sự liên kết, gặp gỡ để xây dựng tình cảm gia đình bền chặt. Xay dựng thiết chế cần thiết cho sự phát triển con người bằng máu, bằng xương, bằng thịt phải mạnh hơn, lớn hơn, chuẩn mực hơn so với “con người số”. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời điểm hiện nay và tầm nhìn đến năm 2045, năm 2050 cần phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì về thành công, cũng như những nội dung sẽ được thảo luận tại hội thảo Hội thảo Văn hóa 2022?
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: Tôi rất kỳ vọng vào Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức, đặc biệt có sự góp mặt của các đồng chính lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả các chuyên gia văn hóa trong nước và nước ngoài.
Tôi tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng như thành phần dự hội nghị, cùng với việc lựa chọn nội dung, chủ đề thảo luận, hội thảo sẽ tạo ra đòn bật cho văn hóa phát triển. Bởi văn hóa không chỉ đơn thuần là những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là văn hóa kinh tế, văn hóa chính trị, văn hóa y tế, văn hóa quân sự, văn hóa số…
Tôi cũng mong muốn nội dung hội thảo sẽ làm rõ được nền tảng gốc của văn hóa, cần nêu rõ cái tinh, cái cốt của văn hóa Việt Nam để góp phần gìn giữ, trùng tu, tôn tạo, vun vén để không bị mất đi trong thời đại mới. Mỗi một quốc gia, dân tộc khác nhau có đặc trưng văn hóa khác nhau, vì vậy cần tìm giải pháp cho việc bảo tồn, phát huy, quảng bá, giới thiệu, tôn vinh và truyền bá để thế giới biết đến đặc trưng văn hóa Việt Nam.
Tôi cũng rất mong muốn tại hội thảo này sẽ chỉ ra được những thách thức, nguy cơ làm bào mòn, làm lệch chuẩn văn hóa truyền thống nghìn năm của dân tộc Việt Nam, trong đó phải đoán định được từ sớm, từ xa thì sẽ có giải pháp ứng phó, đối phó với những hành vi phi văn hóa. Đồng thời, Hội thảo sẽ có những giải pháp tiếp tục cụ thể hóa những tư tưởng, quan điểm của Đảng về văn hóa như: Đề cương văn hóa năm 1943; quan điểm về văn hóa trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; bài phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; và các hội nghị chuyên sâu về văn hóa… Đặc biệt, năm 2023 sẽ diễn ra Hội nghị cấp quốc gia để tổng kết 80 năm thực hiện Đề cương văn hóa 1943, vì vậy, hội thảo này sẽ là tiền đề chuẩn bị cho hội nghị tiếp theo nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa Việt Nam.
Tôi tin rằng không chỉ riêng tôi, mà nhiều đại biểu Quốc hội và người dân, đặc biệt ở những nơi có nền tảng văn hóa, có nhiều di sản, di tích như Thừa Thiên Huế hay Quảng Ninh, Ninh Bình… đều kỳ vọng rất lớn vào những chính sách phát triển tính mới của văn hóa trên nền cũ bất biến của văn hóa Việt Nam. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, là người Việt Nam, tôi cũng rất tâm đắc, quan tâm đến lĩnh vực văn hóa dân tộc thiểu số. Tôi mong muốn qua hội thảo này sẽ gợi mở nhiều giải pháp, chính sách thiết thực giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!