PHIÊN BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHOÁ XV
Được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật gồm có 06 chương, 91 điều quy định về: phạm vi, nguyên tắc và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền, nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thực hiện dân chủ ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động (gồm doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước). Ở mỗi loại hình cơ sở, Luật quy định cụ thể những nội dung chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước phải công khai; những nội dung Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia ý kiến, bàn, quyết định, kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm để Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định rõ nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, phải bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
Quang cảnh phiên họp
Phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở được xác định như sau: Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú. Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác. Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định. Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động. Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.
Chính quyền địa phương cấp xã phải công khai tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công
Đối với những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai, Luật quy định, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp xã phải công khai các nội dung sau đây: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế hằng năm của cấp xã và kết quả thực hiện; Số liệu, báo cáo thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch hoạt động tài chính của cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã; dự toán ngân sách, kế hoạch hoạt động tài chính đã được Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách cấp xã định kỳ theo quý, 06 tháng, hằng năm; quyết toán ngân sách nhà nước và kết quả thực hiện các hoạt động tài chính khác đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (nếu có).
Chính quyền địa phương cấp xã phải công khai dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã và tiến độ thực hiện; kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình đầu tư trên địa bàn cấp xã; kế hoạch quản lý, sử dụng quỹ đất do cấp xã quản lý; kế hoạch cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của cấp xã; quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng xã và điểm dân cư nông thôn; quy hoạch chung được lập cho thị trấn, đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được lập cho các khu vực thuộc phạm vi thị trấn; Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.
Các đại biểu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Chính quyền địa phương cấp xã công khai việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với địa bàn cấp xã; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; Tình hình đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng, thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và hình thức xử lý khác đối với tài sản công do cấp xã quản lý; tình hình khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công của chính quyền địa phương cấp xã; Chủ trương, chính sách, kế hoạch, tiêu chí, đối tượng, quy trình bình xét và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, trợ cấp, tín dụng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển sản xuất, hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp thẻ bảo hiểm y tế và các chính sách an sinh xã hội khác được tổ chức triển khai trên địa bàn cấp xã;
Đồng thời, Chính quyền địa phương cấp xã cũng phải công khai thông tin về phạm vi, đối tượng, cách thức bình xét, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian, thủ tục thực hiện phân phối các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa hoặc để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên địa bàn cấp xã; việc quản lý, sử dụng các nguồn đóng góp, quyên góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài dành cho các đối tượng trên địa bàn cấp xã; Số lượng, đối tượng, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ; danh sách công dân đủ điều kiện nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; danh sách tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ trên địa bàn cấp xã; Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã...
Doanh nghiệp nhà nước phải công khai tình hình sản xuất, kinh của doanh nghiệp
Liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước, Luật quy định cụ thể những nội dung doanh nghiệp nhà nước phải công khai. Theo đó, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh hoặc thông tin chưa được công khai theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp nhà nước phải công khai trong nội bộ doanh nghiệp các nội dung sau đây: Tình hình sản xuất, kinh doanh hoặc tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động; Các thỏa ước lao động tập thể mà doanh nghiệp đã ký kết, tham gia.
Doanh nghiệp nhà nước phải công khai việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); Việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Tình hình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết kiến nghị, phản ánh liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của người lao động; Quy chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; Các nội dung khác về thông tin tài chính, quản lý tài sản công, về công tác cán bộ theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp nhà nước công khai các thông tin về việc bảo đảm đạo đức, văn hóa kinh doanh, việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Về hình thức và thời điểm công khai thông tin tại doanh nghiệp nhà nước, Luật quy định các hình thức công khai thông tin tại doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Niêm yết thông tin; Thông báo tại hội nghị người lao động; tại hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; tại các cuộc họp, giao ban của đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp; Thông báo bằng văn bản đến toàn thể người lao động; Thông qua người phụ trách các đơn vị, bộ phận của doanh nghiệp để thông báo đến người lao động;
Thông báo bằng văn bản đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để thông báo đến người lao động; Thông báo qua hệ thống thông tin nội bộ hoặc đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và được sự thống nhất của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Các hình thức chuyển tải thông tin khác không vi phạm quy định của pháp luật và được quy định trong quy chế thực hiện dân chủ của doanh nghiệp.
Nội dung thông tin quy định tại Điều 64 của Luật này phải được công khai chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày có quyết định, văn bản của người có thẩm quyền về nội dung cần công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.