NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CỞ SỞ: GÓP PHẦN THỰC HIỆN HIỆU QUẢ PHƯƠNG CHÂM DÂN BIẾT, DÂN BÀN, DÂN KIỂM TRA, DÂN THỤ HƯỞNG

11/12/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật được ban hành là cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân; tiếp tục khẳng định và góp phần thực hiện tốt hơn, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Cách đây hơn 20 năm, tháng 6/1997, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã ra Nghị quyết về Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh. Tiếp sau đó, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị khoá VIII đã ra Chỉ thị 30 về Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Thể chế hoá các chủ trương, quan điểm của Chỉ thị 30, các cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nhiều lần sơ kết, tổng kết, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phù hợp với từng giai đoạn. Đến ngày 07/01/2016, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Kết luận 120 về Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thực hiện các chỉ thị, kết luận của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến. Công tác đối thoại, tiếp công dân, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được quan tâm hơn trước. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tiến bộ. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hoà giải ở cơ sở nhiều nơi hoạt động khá hiệu quả, phát huy được dân chủ trực tiếp của nhân dân tại địa bàn dân cư…

Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 và được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, như: quy định nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở còn hình thức; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định ở nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, chưa đồng bộ, toàn diện; trách nhiệm bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa cụ thể, thiếu chế tài xử lý; vai trò tham gia và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân chưa được quy định rõ; sáng kiến của Nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở sơ sở chưa được đề cao,...

Trong khi đó, Hiến pháp năm 2013 với tinh thần đề cao quyền làm chủ của Nhân dân đã ghi nhận các hình thức thực hiện quyền dân chủ, như: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6); “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (khoản 1 Điều 28); “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (khoản 2 Điều 28); đồng thời khẳng định nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14). Căn cứ Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành nhiều luật có quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015,...

Nghị quyết Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng đã xác định rõ một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của Nhân dân”; “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”; đồng thời khẳng định và yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Với mục tiêu hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp và khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Với 6 chương và 91 Điều, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về những nội dung cơ bản của Luật, Chương 1 về những quy định chung , Luật quy định phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ (cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, cộng đồng dân cư, tổ chức có sử dụng lao động), nguyên tắc, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng của Nhân dân, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn tại Chương 2, Luật quy định về việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn. Những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai; hình thức và thời điểm công khai thông tin; trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định về những nội dung, hình thức Nhân dân bàn và quyết định, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giá sát; trách nhiệm của các chủ thể lien quan trong việc tổ chức việc bàn, quyết định và thực hiện quyết định của cộng đồng dân cư, trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến. Quy định các nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4

Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị tại Chương 3, Luật quy định về công khai thông tin ở cơ quan, đơn vị; về việc cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn và quyết định; tham gia ý kiến và kiểm tra, giám sát. Theo đó, đối với mỗi nhóm nội dung hoạt động bàn và quyết định hay tham gia ý kiến hay kiểm tra, giám sát, Luật đều quy định rõ về những nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, trách nhiệm trong việc tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bàn, quyết định, đóng góp ý kiến và kiểm tra giám sát.

Tại cơ quan, đơn vị, Luật có quy định về thành lập và những nội dung cơ bản về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị.

Về thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động quy định tại Chương 4, Luật quy định cụ thể về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, với tính chất đặc thù của doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định của pháp luật, do vậy Luật quy định theo hướng cụ thể, chặt chẽ về việc thực hiện dân chủ ở loại hình doanh nghiệp này.

Luật quy định về công khai thông tin ở doanh nghiệp nhà nước trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức, thời điểm công khai thông tin và trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công khai thông tin. Quy định cụ thể nội dung, hình thức người lao động bàn và quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức hội nghị người lao động, trách nhiệm trong việc tổ chức để người lao động bàn, quyết định, tham gia ý kiến.

Luật cũng quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước và trách nhiệm trong việc bảo đảm để người lao động thực hiện kiểm tra, giám sát.

Công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4

Riêng đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, Luật quy định theo hướng khái quát và viện dẫn áp dụng pháp luật, đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật lao động về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, khoản 2 Điều 82 quy định tùy theo đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế, doanh nghiệp, tổ chức khác này được quyền lựa chọn áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước theo 6 quy định của Luật và thông báo đến tổ chức Công đoàn của doanh nghiệp và công khai nội dung áp dụng này.

Tại Chương 5, Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện và tổ chức thực hiện Luật; Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã trong vi địa phương; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia, hỗ trợ và làm nòng cốt để Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tại Chương 6, quy định về các điều khoản thi hành. Trong đó quy định ngày có hiệu lực của Luật (ngày 01/7/2023); áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp.

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4, giới thiệu Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Bộ Nội vụ đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Trong đó xác định rõ các công việc về tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Luật; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật; tổ chức theo dõi, kiểm tra và báo cáo kết quả thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm chủ trì và phối hợp của các Bộ, các cơ quan Trung ương và các địa phương; xác định thời hạn và tiến độ hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, dự thảo Kế hoạch đang gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

Bảo Yến