SÁNG NGÀY 17/12: TỔNG THUẬT ‘’HỘI THẢO VĂN HÓA 2022’’
TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TẠI HỘI THẢO VĂN HÓA 2022
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trình bày tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, là thị trường lớn về văn hóa nghệ thuật của vùng và cả nước, đầu mối giao lưu quốc tế; luôn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của phát huy những tiềm lực vốn có để xây dựng ngành công nghiệp văn hoá nhằm triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định ngành công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc là một trong 08 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đó là Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm, Quảng cáo, Du lịch Văn hóa và Thời trang.
Thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn Thành phố. Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế của thành phố. Đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa vào GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2020 chiếm khoảng 3,9%, cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước là 3%.
Ngành công nghiệp văn hóa Thành phố phát triển tương đối hiệu quả trên các lĩnh vực Âm nhạc, Điện ảnh, Quảng cáo, Thời trang. Thành phố vừa là không gian, vừa là thị trường thu hút các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; giao lưu văn hoá quốc tế. Những năm gần đây, thành phố tập trung xây dựng những mô hình âm nhạc với kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của khát vọng Việt.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức.
Một trong những sự kiện tiêu biểu mang tính bước ngoặt đối với đời sống âm nhạc nói riêng và đối với việc xây dựng thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh nói chung là Lễ hội Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh “Hò dô” (HOZO). Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, hơn 150.000 khán giả thành phố và du khách quốc tế đã được hòa mình trong một không khí âm nhạc sôi động cuồng nhiệt; 200 nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc đã trình diễn nhiều tiết mục âm nhạc đa dạng về thể loại và ngôn ngữ, tạo ra một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức một lễ hội Âm nhạc chuyên nghiệp quốc tế chính là cần có một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm: nhà tổ chức, quản lý, ngành công nghiệp phụ trợ, nghệ sĩ và cộng đồng khán giả. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngành công nghiệp âm nhạc mới ở bước khởi đầu, vì vậy việc xã hội hóa hoạt động lễ hội âm nhạc là định hướng hiệu quả để nâng cao chất lượng lễ hội tại các địa phương.
Ở lĩnh vực Điện ảnh, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là trung tâm Điện ảnh của cả nước. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có hai hãng phim cổ phần hóa là Công ty cổ phần Phim Giải Phóng và Công ty TNHH MTV phim Nguyễn Đình Chiểu. Các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh phần lớn là doanh nghiệp ngoài nhà nước với 819 doanh nghiệp. Về cơ sở sản xuất phim, Thành phố có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên.
Thành phố Hồ Chí Minh có 56 rạp, cụm rạp chiếu phim, trong đó có 05 doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam. Đây cũng là địa phương chiếm thị phần phim ảnh lớn nhất nước với khoảng 40%. Hệ thống phim trường, phương tiện kỹ thuật của nhà nước và tư nhân tương đối đáp ứng điều kiện làm phim. Nguồn phim nhập khẩu phong phú, đa dạng, khán giả Thành phố có thể nhanh chóng tiếp cận nhiều bộ phim mới, nổi tiếng của điện ảnh thế giới. Doanh thu ngành Điện ảnh năm 2010 đạt 3.822 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.732 tỷ đồng.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những tiện ích công nghệ mới mẻ cho âm nhạc khiến cách thức sáng tác, cách quản lý, khai thác sản phẩm âm nhạc, cách tiếp cận khán giả hoàn toàn khác trước đây. Thị trường văn hóa Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng rất tiềm năng và có khả năng phát triển mạnh ở xu hướng chuyển đổi số trong tương lai.
Việc hoạch định chính sách, hệ thống các giá trị, định hướng xu thế phát triển đồng bộ xứng tầm với tiềm năng, khai thác hiệu quả các nguồn lực để tăng cường hiệu suất tiếp tục phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới là điều rất cần thiết.
Quang cảnh Hội thảo.
Mục tiêu phát triển ngành công nghiệp âm nhạc và điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 là Phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành phố trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế xã hội sáng tạo quan trọng, phát triển mạnh về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ tiêu dùng văn hóa, xác lập được các thương hiệu sản phẩm dịch vụ văn hóa của thành phố.
Phấn đấu Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực, gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế văn hóa, con người Thành phố Hồ Chí Minh ra khu vực và thế giới.
Thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5,7% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh và góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội./.