BẮC GIANG: KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

26/12/2022

Ngày 26/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang do đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn có buổi giám sát tại UBND tỉnh về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG GIÁM SÁT CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Thành viên đoàn gồm các ông, bà: Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Leo Thị Lịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Phạm Văn Thịnh, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư Pháp; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng tham gia giám sát.

Làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo các sở: Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội cùng một số cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

Ông Trần Văn Tuấn phát biểu tại buổi giám sát.

Trong 3 năm (2020, 2021, 2023), tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4/2021) Bắc Giang là tâm dịch của cả nước. UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động mọi nguồn lực nhằm sớm kiểm soát, khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19. 

Toàn tỉnh đã huy động hơn 2,5 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 550 tỷ đồng (gồm tiền và giá trị hiện vật quy đổi thành tiền) do các tổ chức, cá nhân tài trợ cùng nhiều hiện vật giá trị khác. 

Làm rõ thêm nội dung báo cáo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện toàn ngành còn hơn 1,5 nghìn danh mục tài sản chưa được xác lập sở hữu toàn dân, trong đó số tài sản quy ra tiền đã xác định được hơn 23,8 tỷ đồng, còn lại 847 danh mục trong số đó không xác định được giá trị do các tổ chức, cá nhân tài trợ còn thiếu giấy tờ, thủ tục pháp lý.

Qua giám sát trực tiếp tại các sở, ngành, địa phương và trao đổi trực tiếp tại hội nghị, đoàn giám sát ghi nhận trong thời gian qua, UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, thực hiện tốt việc điều hành phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19; chủ động triển khai các chính sách giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, chính sách tín dụng ưu đãi; thực hiện các gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng của dịch.

Đoàn giám sát chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Việc phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn đầu còn lúng túng, chưa kịp thời. 

Sau đợt cao điểm chống dịch, số lượng hàng hoá, hiện vật tồn kho ở một số đơn vị còn lớn, bao gồm cả hàng hoá, hiện vật được đầu tư từ ngân sách nhà nước và do các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ; một số máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch được phân bổ cho các đơn vị sử dụng trong đợt cao điểm chống dịch đến nay chưa được phân bổ, điều chuyển sử dụng cho phù hợp với điều kiện bình thường mới.

Đối với hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn một số hạn chế, bất cập như: Một số trung tâm y tế tuyến huyện và trạm y tế xã chưa quan tâm đúng mức công tác dân số và y tế dự phòng. 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hầu hết các trạm y tế thiếu thốn và lạc hậu. Lực lượng làm công tác y tế dự phòng mỏng; số nhân viên y tế, nhất là bác sĩ tại tuyến xã ngày càng giảm do nghỉ hưu, thôi việc, nhưng việc tuyển dụng nhân sự thay thế rất khó khăn. Khả năng đáp ứng của mạng lưới y tế cơ sở còn những hạn chế nhất định. 

Đồng chí Phan Thế Tuấn trao đổi với đoàn giám sát.

Đồng chí Phan Thế Tuấn cho biết, dịch Covid-19 xuất hiện bất ngờ, chưa từng có tiền lệ. Trước khó khăn đó, UBND tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo, tập trung huy động mọi nguồn lực dồn sức cho công tác chống dịch. Tuy vậy, quá trình thực hiện tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực chống dịch vẫn còn thiếu sót. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư song đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Đồng chí tiếp thu các ý kiến đoàn giám sát nêu, đồng thời sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục tồn tại nhằm phát huy hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn lực trong tình hình mới.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại tình hình hàng hóa, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn tồn kho, báo cáo phương án quản lý, sử dụng cụ thể, nhất là đối với những hàng hoá, vật tư có thời hạn sử dụng. 

Chỉ đạo các cơ quan khẩn trương có biện pháp giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn trong việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các trang thiết bị, máy móc được tài trợ tại tại Bệnh viện tâm thần, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và một số trung tâm y tế. 

Đối với một số máy móc, trang thiết bị hiện không có nhu cầu sử dụng phòng, chống dịch hoặc hiệu quả sử dụng hạn chế, tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo đơn vị liên quan nghiên cứu tìm giải pháp tháo gỡ, điều chuyển cho các đơn vị có nhu cầu khai thác, sử dụng, không để lãng phí nguồn lực.

Đồng chí Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, dịch Covid-19 trong nước chưa kết thúc, trong khi dịch bệnh ở một số quốc gia khác vẫn đang diễn biến phức tạp. Do đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. 

Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; nhất là đối với các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở và y tế dự phòng, kể cả đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản. Có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng cán bộ, nhân viên, nhất là bác sĩ về làm việc tại các trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. 

Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu các ý kiến của UBND tỉnh, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan để sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống dịch cũng như lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

(Theo Báo điện tử Bắc Giang)