ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG GIÁM SÁT VIỆC ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

04/01/2023

Ngày 04/01, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang gồm các đồng chí: Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đã giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

BẮC GIANG: KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Cùng dự có đồng chí Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang.

Qua giám sát cho thấy, Sở GD&ĐT đã chủ động, tích cực chỉ đạo toàn ngành thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Đến nay, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên toàn tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Chương trình SGK các bậc học cơ bản phù hợp, bảo đảm tiêu chí giảm tải. Nguồn học liệu điện tử sinh động, hiện đại. Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh được các nhà trường quan tâm áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Đồng chí Trần Văn Tuấn chủ trì buổi giám sát.

Tuy vậy, tình trạng thiếu giáo viên, nhất là đội ngũ giảng dạy các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Âm nhạc - Mỹ thuật) khiến quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 gặp khó khăn. Trình độ, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ quản lý, giáo viên hạn chế. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số đơn vị chưa đồng bộ. Trong chương trình GDPT 2018, môn giáo dục địa phương mới chỉ giảng dạy, học tập thông qua bản sách điện tử mà chưa in được sách giáo khoa. Việc lựa chọn môn học trong chương trình THPT mới từ khi vào lớp 10 đã giảm số môn học cho học sinh nhưng sau đó muốn thay đổi môn học sẽ khó khăn.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT kiến nghị không áp dụng quy định tinh giản 10% biên chế đối với ngành Giáo dục trong giai đoạn hiện nay vì tổng số biên chế được giao hiện chưa đủ để triển khai tốt chương trình GDPT mới, nhất là ở các môn học mới, môn tích hợp và ở bậc tiểu học đang thiếu nhiều giáo viên. Đề nghị bổ sung biên chế bảo đảm tỷ lệ giáo viên/lớp trong bối cảnh sĩ số học sinh tăng nhanh. Quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ cho giáo viên yên tâm công tác.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Sở GD&ĐT trong việc đổi mới chương trình GDPT, chương trình SGK mới trong toàn ngành. Việc đổi mới trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, nội dung theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14.

Đồng chí đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch chương trình dạy và học bám sát chủ trương đổi mới, chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực, phẩm chất người học. Ngoài chương trình chính khóa cần tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm. Tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học, giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên giữa các môn học và giữa các trường trên địa bàn tỉnh. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình SGK, GDPT.

Đoàn giám sát tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của Sở GD&ĐT về những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT; nghiên cứu, xem xét, đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nghị quyết bảo đảm thực hiện thuận lợi, dễ kiểm tra, đánh giá. 

Trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã giám sát việc thực hiện nội dung này tại UBND huyện Tân Yên và một số trường học trên địa bàn huyện.

(Theo Báo điện tử Bắc Giang)