THẢO LUẬN TẠI TỔ 01: NHẤT TRÍ SỰ CẦN THIẾT ĐIỀU CHỈNH VỀ KẾ HOẠCH VỐN VAY LẠI NĂM 2022 CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

07/01/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 07/01, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 01. 

Thảo luận ở Tổ 01 gồm 31 đại biểu của Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội. Cùng dự có Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, các đại biểu thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra với sự cần thiết điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Các ý kiến cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán NSNN là đúng thẩm quyền.

Về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, các đại biểu đồng ý với đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh 2.268,3 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2021 sang dự toán chi đầu tư phát triển nhằm thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đồng thời nhấn mạnh, việc chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023 là cần thiết. Để bảo đảm tính khả thi trong giải ngân vốn đối với các dự án khởi công mới vào năm 2023, có thể cho phép quy định thời hạn giải ngân chậm nhất vào ngày 31/12/2024.

Đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các dự án đầu tư công được sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, đủ thủ tục theo quy định của pháp luật, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm hiệu quả thực tế. 

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Phạm Thị Thanh Mai điều hành nội dung thảo luận.

Về bổ sung dự toán NSNN nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, các đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, thống nhất số liệu với Kiểm toán nhà nước trước khi đề xuất bổ sung dự toán thu, chi nguồn viện trợ không hoàn lại (chi thường xuyên) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu.

Đồng thời Giao Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, làm rõ các nội dung chi cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, kéo dài việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, các ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh giảm dự toán đối với các địa phương không sử dụng hết vốn vay lại được thực hiện đồng thời cùng với điều chỉnh tăng cho một số địa phương sẽ bảo đảm cho tổng thể không vượt mức bội chi NSNN và bội chi NSĐP Quốc hội đã quyết nghị. Đồng thời, nếu thực hiện điều chỉnh kịp thời sẽ giúp phản ánh chính xác về tình hình thực hiện dự toán NSNN, các địa phương và Chính phủ chủ động hơn trong điều hành, do vậy, nhất trí việc cho phép điều chỉnh giảm dự toán theo đề xuất của Chính phủ.

Các ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát số liệu điều chỉnh tăng, giảm dự toán NSNN năm 2022 và chịu trách nhiệm về số liệu, bảo đảm tổng mức bội chi của ngân sách địa phương không tăng, dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo quy định của Luật NSNN; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và thời hạn giải ngân số vốn điều chỉnh tăng dự toán năm 2022 của các địa phương theo đúng quy định.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 01.

Đề cập về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022, các đại biểu nhận thấy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là cần thiết. Do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 và hủy dự toán đối với số chuyển nguồn không thực hiện, giải ngân đến hết niên độ NSNN năm 2022.

Đối với các địa phương chưa có báo cáo về tình hình kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư, đề nghị thực hiện đúng quy định pháp luật, cắt giảm, hủy dự toán kinh phí ngân sách địa phương còn dư theo quy định. Các địa phương bảo đảm tự sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện, không bổ sung ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ này./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác