CẦN BỔ SUNG ĐỊNH HƯỚNG VÀ NỘI DUNG LỚN VỀ LIÊN KẾT VÙNG, TẠO LẬP CƠ CHẾ ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN LIÊN VÙNG

07/01/2023

Sáng 07/01, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung định hướng phát triển vùng và liên kết vùng, đề nghị cần cập sâu hơn về việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng...

TỔNG THUẬT SÁNG 07/01: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Toàn cảnh phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia

Sau khi Luật Quy hoạch 2017 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án phân vùng để triển khai lập quy hoạch các vùng và làm cơ sở để phân vùng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia. Sau nhiều lần thảo luận, xem xét, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân vùng theo 06 vùng kinh tế - xã hội hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch. Theo đó, sáu vùng kinh tế - xã hội gồm:

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà  Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể quốc gia

Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 xác định định hướng chung trong phát triển và liên kết vùng là: Tổ chức không gian phát triển các vùng nhằm khai thác tốt thế mạnh của từng vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Bố trí không gian phát triển các vùng cần gắn với các hành lang kinh tế đi qua địa bàn vùng và kết nối với các hành lang kinh tế khu vực, quốc tế. Đối với các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển các vùng động lực.

Hình thành và phát triển các khu vực động lực của từng vùng. Gắn phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch với quá trình đô thị hóa. Phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng.

Hoàn thiện bộ khung kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không quy mô vùng và quốc gia trên địa bàn các vùng.

Xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng để triển khai thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực. Xây dựng các quy hoạch vùng bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững; phát huy vai trò của các quy hoạch vùng là công cụ điều phối phát triển vùng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng gắn với các nhiệm vụ điều phối, thúc đẩy liên kết cụ thể. Nghiên cứu xây dựng cơ chế về phối hợp nguồn lực giữa các địa phương.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Thảo luận tại hội trường, nhấn mạnh yêu cầu không để một số nội dung quy hoạch xa rời thực tiễn, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị cần nghiên cứu, để bổ sung trong Quy hoạch các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của 6 Vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và các Nghị quyết về phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đại biểu, điều này sẽ vừa bảo đảm cho nội dung quy hoạch phù hợp với quan điểm, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển của đất nước và đặc biệt là không xa rời thực tiễn.

Do đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng cần đề xuất chính sách phát triển liên kết vùng một cách thực chất. Đại biểu chỉ rõ, đánh giá chung về hiện trạng phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước giai đoạn vừa qua có nêu 8 nhóm hạn chế, trong đó có hạn chế về không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là do thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng. Còn tình trạng cục bộ địa phương theo đơn vị hành chính, các yếu tố thể chế liên quan như tổ chức điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh, v.v..

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng được nhấn mạnh tại các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây. Do vậy, đại biểu kiến nghị trong quy hoạch này cần phải đề cập sâu hơn về việc xây dựng các cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên vùng để làm căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển mang tính bền vững và bao trùm.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Báo cáo Quy hoạch tổng thế quốc gia mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Đại biểu phân tích, trong thời gian qua, vấn đề liên kết vùng miền vẫn còn nhiều hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở hạ tầng, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các vùng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, tư duy phối hợp trong quy hoạch và đầu tư giữa các địa phương chưa được quan tâm. Cơ chế, chính sách về liên kết vùng chưa được ban hành đồng bộ, hiệu quả, chưa tạo điều kiện cho thúc đẩy liên kết. Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn khá mờ nhạt, liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương trong một vùng cũng như giữa các vùng với nhau.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng, cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ cho liên kết vùng, có cơ chế điều phối quản trị vùng, nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đồng thời, cần làm rõ mối quan hệ liên kết giữa các vùng với các trung tâm kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đề nghị trong phát triển vùng và liên kết vùng cần chú trọng đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa Quy hoạch quốc gia và Quy hoạch vùng, Quy hoạch địa phương về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển; đồng thời bổ sung thêm một số chỉ tiêu về phát triển xã hội, môi trường của từng vùng bởi hiện trong dự thảo mới chỉ có chỉ tiêu về kinh tế phù hợp với mục tiêu chung của quốc gia và quy hoạch vùng.

 Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung mục tiêu liên kết phát triển vùng toàn diện, hiệu quả, là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030. Theo đó, đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp về liên kết trong nội vùng và giữa các vùng không chỉ liên kết về giao thông mà còn liên kết về phát triển công nghiệp chế tạo, dịch vụ logistics, du lịch, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số theo hướng phát huy tối đa lợi thế vượt trội, đặc trưng của từng vùng, miền.

Nhấn mạnh vấn đề cần được quan tâm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là liên kết vùng và rộng hơn là liên kết khu vực, từ vị trí của tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị bày tỏ đặc biệt quan tâm đến tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Đại biểu cho biết đây là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam, Trung Quốc. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển theo hành lang kinh tế này, coi đây là một mắt xích chính yếu trong việc đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị 

Đại biểu chỉ rõ, Việt Nam nằm ở điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh Quảng Trị, Huế và thành phố Đà Nẵng, giữ vị trí đắc địa khi kết nối các nền kinh tế Ấn Độ và Nam Á tới tiểu vùng sông Mekong, kết nối qua Biển Đông và các nền kinh tế ASEAN, biển đảo và các nước khác góp phần tạo ra những đại lộ kinh tế thương mại nằm ngoài hành lang, tuyến đường được tạo nên bởi các sáng kiến hợp tác như hợp tác Mê Kông - Lan Thương. Trong dự thảo quy hoạch cũng đã nêu định hướng bố trí phát triển theo hành lang kinh tế Đông - Tây, trục hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng định hướng phát triển cần nhìn rộng hơn và xa hơn, không chỉ nằm ở việc tận dụng lợi thế của cửa ngõ ra biển mà cần tận dụng lợi thế của hành lang kinh tế này với vai trò là con đường huyết mạch nối liền với không gian kinh tế sông Hằng - Ấn Độ, mở rộng giao lưu kinh tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kết nối giữa thị trường Trung Quốc và khu vực ASEAN. Qua đó giúp Việt Nam tiếp cận gần hơn với các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.

Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đảm bảo cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ quy định tại Điều 22 của Luật Quy hoạch, theo đó, quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược, theo hướng phân vùng và liên kết vùng, lãnh thổ, xác định tổ chức không gian phát triển của đất nước, phạm vi cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng. Việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này đã bám sát tinh thần Luật. Do đó, các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn, tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ tiếp tục rà soát để bảo đảm đúng tinh thần này./.

Bảo Yến

Các bài viết khác