PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG, GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

01/02/2023

Nhằm triển khai có hiệu quả Luật Điện lực năm 2004, Luật Năng lượng Nguyên tử năm 2008, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 cùng các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, vừa qua, UBND Tp.Hà Nội đã ra Kế hoạch số 348/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.

Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa Châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Việt Nam cũng được đánh giá nằm ở một trong khu vực có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào nhất thế giới. Theo ước tính, khu vực giữa Biển Đông và khu vực ven bờ nam Trung Bộ có tổng năng lượng trực xạ và bức xạ tổng cộng khá lớn với tổng năng lượng trong khoảng 3.000 đến 5.000 Wh/m2/ngày.

Đánh giá năng lượng vừa là ngành sản xuất vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế-xã hội và là động lực cho quá trình phát triển của đất nước, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Điện lực năm 2004, Luật Năng lượng Nguyên tử năm 2008, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Luật Khoáng sản năm 2008, Luật Dầu khí số 12/2022…

Nhằm triển khai có hiệu quả các Luật, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, vừa qua, UBND Tp.Hà Nội đã ra Kế hoạch số 348/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, Kế hoạch đặt mục tiêu phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường; tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), điện mặt trời trên mặt nước, thí điểm mô hình sử dụng điện mặt trời phù hợp. Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ và cơ chế nhằm tạo đột phá cho phát triển điện mặt trời phù hợp điều kiện đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Tiếp tục khuyến khích và đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn điện từ xử lý chất thải rắn.

Về mục tiêu cụ thể, Kế hoạch xác định rõ, năm 2023, toàn Thành phố phấn đấu phát triển năng lượng tái tạo tăng thêm khoảng 37MW từ điện rác (đưa dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành); khuyến khích phát triển mô hình điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, Công an các phường, các trạm y tế, trường học..., dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà nhằm mục đích tự dùng, giảm công suất phụ tải đỉnh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các nhà xưởng của doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; khuyến khích sử dụng các sản phẩm đèn chiếu sáng có sử dụng điện năng lượng mặt trời trong chiếu sáng công cộng.

Để đạt được những kết quả trên, cần thực hiện đồng bộ và nhất quán nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó trước hết là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức. Kế hoạch nêu rõ, cần tuyên truyền trên báo đài Trung ương, Thành phố và các hình thức lồng ghép tại các sự kiện, các địa phương,... nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn Thành phố. Xây dựng cẩm nang điện tử tuyên truyền và đăng trên các báo, tạp chí, kênh điện tử,... nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phối hợp và thực hiện lồng ghép nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn Thành phố với nội dung tuyên truyền về quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả do cơ quan chức năng và các đơn vị điện lực chủ trì thực hiện.

Về khoa học và công nghệ, cần lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố. Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống ĐMTMN (tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường; bộ biến tần Inverter đảm bảo chất lượng điện năng nối lưới), kết hợp với hệ thống tích trữ năng lượng. Thực hiện đề tài nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất giải pháp quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nghiên cứu đề xuất sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch trong giáo dục, nông nghiệp; sử dụng năng lượng gió phù hợp với khí hậu Thành phố Hà Nội.

Về xây dựng cơ chế chính sách, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp thẩm quyền cho phép thành phố Hà Nội nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong phát triển năng lượng tái tạo hiện nay, tiếp tục thúc đẩy phát triển các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, Công an các phường, các trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, về hợp tác quốc tế, Kế hoạch xác định rõ cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời, điện rác trên địa bàn Thành phố. Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, nghiên cứu xây dựng phòng thử nghiệm hợp chuẩn. Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực, đảm bảo thực hiện xã hội hóa tối đa với các dự án điện mặt trời, điện rác trên địa bàn Thành phố.

Minh Hùng