QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 13/02/2023

13/02/2023

"UBTVQH khai mạc phiên họp thứ 20: Xem xét cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước và xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2), xem xét thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 10 tỉnh; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Nguyên Thủ tướng Pháp Édoard Philippe"…là những hoạt động đáng chú ý của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong ngày 13/02/2023.

QUỐC HỘI 24H: ĐIỂM TIN HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI NGÀY 10/02/2023

* Sáng 13/02, tại Nhà Quốc hội, Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, phát biểu khai mạc và cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 20

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngày 13/02, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ tháng 02/2023, diễn ra trong 3 ngày với các nội dung lớn, quan trọng: Cho ý kiến việc tiếp thu chỉnh lý 3 dự án luật: dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) – đây là những dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. 

Thời gian diễn ra Phiên họp chỉ có 3 ngày nhưng nội dung rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan bố trí, sắp xếp thời gian họp theo quy định để kỳ họp có chất lượng cao nhất, mở đầu cho năm Quý Mão “đại cát vạn sự thành”. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cơ quan báo chí đổi mới công tác truyền thông, đưa thông tổng quan của kỳ họp, giải quyết khối lượng công việc lớn để cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát.

Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (đợt 2).

Xem nội dung chi tiết tại đây: TỔNG THUẬT SÁNG 13/02: KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 20 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

* Sáng 13/2, tại Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp diễn ra trong vòng 3 ngày để cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung để bảo đảm chất lượng tốt nhất cho phiên họp mở đầu năm Quý Mão của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong đó lưu ý các cơ quan thông tin tuyên truyền cần phải đổi mới nội dung đưa tin đáp ứng mong đợi, kì vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: TẬP TRUNG BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG TỐT NHẤT CHO PHIÊN HỌP ĐẦU NĂM QUÝ MÃO CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

* Sáng ngày 13/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Ngài Édouard Philippe – Thị trưởng Thành phố Haver, nguyên Thủ tướng Cộng hòa Pháp đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ngài Édouard Philippe​ – Thị trưởng Thành phố Haver, nguyên Thủ tướng Cộng hòa Pháp

Tại cuộc tiếp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU cũng như với Pháp và các nước thành viên EU. Pháp là cửa ngõ giúp Việt Nam tiếp cận châu Âu, đồng thời là một trong những thành viên sáng lập và có tiếng nói quan trọng trong EU thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác Việt Nam - EU.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Pháp trong thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp, Việt Nam - EU.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN TIẾP NGUYÊN THỦ TƯỚNG PHÁP ÉDOARD PHILIPPE

* Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 20, chiều 13/02, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk, Trà Vinh và của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có 10 Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập, nhập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính thuộc các tỉnh nêu trên.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Căn cứ vào vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của các đơn vị hành chính nêu trên thì việc thành lập, nhập các đơn vị hành chính đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường,… trên địa bàn là cần thiết; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Thay mặt cơ quan thẩm tra các Đề án thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính tại 10 tỉnh nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập 01 thành phố (Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương), 03 thị xã (Thuận Thành và Quế Võ thuộc tỉnh Bắc Ninh, Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang), 34 phường (thuộc thành phố, thị xã của các tỉnh Bắc Ninh, An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc) và 11 thị trấn (thuộc các huyện của các tỉnh An Giang, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bến Tre, Bắc Kạn, Đắk Lắk) cũng như việc nhập xã Quân Chu vào thị trấn Quân Chu thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và việc điều chỉnh địa giới của 02 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Trà Vinh với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Xem nội dung chi tiết tại đây: XEM XÉT THÀNH LẬP, ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỦA 10 TỈNH ĐỂ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP TỐT HƠN NỮA

* Chiều 13/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Italia, Trung tướng Lê Tấn Tới đã tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Italia Maria Tripodi.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Italia Maria Tripodi

Vui mừng chào đón Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Italia Maria Tripodi và Đoàn công tác đến thăm Nhà Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia trong thời gian qua phát triển sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng từ chính trị - ngoại giao, đến kinh tế - thương mại, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, hợp tác địa phương. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Italia - một thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU); mong muốn, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia ngày càng phát triển sâu sắc, toàn diện.

Tại cuộc tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Italia Maria Tripodi đã trao đổi một số thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo tồn và phục chế di tích cổ; việc hỗ trợ và tăng số lượng học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam tại Italia; an ninh, quốc phòng… Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Italia có tiếng nói tích cực để EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nhằm góp phần bảo đảm sinh kế cho ngư dân.

Xem nội dung chi tiết tại đây: CHỦ NHIỆM ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÊ TẤN TỚI TIẾP THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO ITALIA 

* Tại Phiên họp thứ 20 của UBTVQH sẽ tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV. Quan tâm đến nội dung này, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, thành công của 02 Kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, UBTVQH trước những vấn đề cấp bách của đất nước, quyết liệt vì lợi ích của cử tri và Nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, thành công của 02 Kỳ họp bất thường tiếp tục khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc trước những vấn đề cấp bách, cần xử lý ngay của đất nước, sự nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của cử tri và Nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đưa ra một số kiến nghị để Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đi vào thực tiễn cuộc sống, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành nhanh chóng 03 Nghị quyết để giải quyết các vướng mắc thực tiễn phát sinh trong thực tế thuộc các lĩnh vực khác nhau, cũng như bày tỏ kỳ vọng công tác nhân sự sẽ sớm được kiện toàn môt cách hợp lý trong thời gian tới.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: THÀNH CÔNG CỦA 02 KỲ HỌP BẤT THƯỜNG KHẲNG ĐỊNH SỰ NỖ LỰC ĐỔI MỚI CỦA QUỐC HỘI, HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT VÌ LỢI ÍCH CỦA CỬ TRI

* Theo dự kiến chương trình, tại Phiên họp thứ 20 (tháng 2/2023), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh. Trước đó, tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về nội dung này, các đại biểu đều ủng hộ các địa phương trong đợt trình điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập đơn vị hành chính đô thị lần này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tỷ lệ đô thị hóa các tỉnh.

Phiên họp toàn thể lần thứ 12 của Ủy ban Pháp luật

Phiên họp toàn thể lần thứ 12 thẩm tra các đề án của Chính phủ đề nghị thành lập đơn vị hành chính đô thị và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính của 04 tỉnh: An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; thành lập 05 phường thuộc thị xã Điện Bàn và thành lập thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam và việc điều chỉnh 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 490 người của ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh huyện Duyên Hải về xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Khẳng định, việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị và việc điều chỉnh địa giới hành chính đều bảo đảm đủ 05 điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể là phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TỈ LỆ ĐÔ THỊ HÓA CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

* Phát biểu kết luận buổi làm việc của Thường trực Đoàn giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Đoàn giám sát bám sát và thực hiện đúng kết luận, đề cương chi tiết, kế hoạch chi tiết đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua; cân nhắc lựa chọn các địa phương để đi giám sát sao cho khả thi, hiệu quả, thiết thực, làm rõ vấn đề giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi làm việc của Thường trực Đoàn giám sát “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng Đoàn giám sát, đã nghe trình bày báo cáo và thảo luận về kết quả bước đầu thực hiện chuyên đề giám sát, báo cáo tổng hợp của Tổ giúp việc về những tồn tại, hạn chế và dự thảo kế hoạch giám sát và nội dung làm việc với các địa phương. Qua thảo luận cho thấy, vấn đề khó khăn nhất của Đoàn giám sát tính đến thời điểm hiện tại là việc gửi báo cáo của các cơ quan còn chậm, nhiều cơ quan trọng chưa có báo cáo chính thức, nhiều địa phương chưa có báo cáo. Do đó, chưa thể tổng hợp đầy đủ. Một số địa phương, một số cơ quan gửi báo cáo chưa đạt yêu cầu, số liệu đánh giá, nhận định các biểu bảng chưa đáp ứng nhu cầu của Đoàn giám sát đề ra.

Xem nội dung chi tiết tại đây: PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: GIÁM SÁT TẠI ĐỊA PHƯƠNG PHẢI RÕ NỘI DUNG, KẾ HOẠCH CỤ THỂ, THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

* Tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về việc triển khai kế hoạch công tác năm 2023 vừa qua, các thành viên Ủy ban đã nêu ra một số vấn đề trong việc triển khai chức năng, nhiệm vụ đòi hỏi phải được chú trọng hơn như giám sát thường xuyên về việc lập dự toán, thực hiện dự toán tại các địa phương, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chủ động rà soát, đôn đốc các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ lập pháp.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội chú trọng hơn giám sát thường xuyên, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chủ động rà soát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ lập pháp.

Các thành viên Ủy ban đều bày tỏ lo ngại khi tiến độ trình của Chính phủ và các cơ quan hữu quan còn chậm trễ. Điều này đòi hỏi sự chủ động theo dõi, đôn đốc của Ủy ban. Tuy nhiên, sự chủ động của Ủy ban và các đại biểu bị ảnh hưởng do hạn chế trong tiếp cận thông tin. Thông tin chủ yếu đến từ báo cáo và hoạt động giám sát, trong khi giám sát thường xuyên chưa được thực sự chú trọng. Do đó, cần có kế hoạch chi tiết nhiệm vụ từ nay đến kì họp để cụ thể hóa lộ trình triển khai các công việc.

Xem nội dung chi tiết tại đây: TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT THƯỜNG XUYÊN TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

* Tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, trước băn khoăn về tiến độ chuẩn bị các dự án luật, trong đó có nội dung về sửa đổi các luật về thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban chủ động rà soát các nội dung theo Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, kế hoạch của UBTVQH để đôn đốc các cơ quan hữu quan bảo đảm tiến độ đề ra. Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, mới đây, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đôn đốc triển khai nhiệm vụ lập pháp và một số nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Để bảo đảm tiến độ xây dựng pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ lập pháp trong lĩnh vực về thuế và tài chính ngân sách, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án Luật về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 theo tiến độ đã được Chính phủ đề xuất.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định. Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi Uỷ ban Pháp luật chậm nhất vào ngày 01/3/2023 để tổ chức thẩm tra.

Xem nội dung chi tiết tại đây: ỦY BAN TÀI CHÍNH – NGÂN SÁCH ĐÔN ĐỐC TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ LẬP PHÁP VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG THUỘC LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

* Còn khoảng 3 tháng nữa mới đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tuy nhiên ngay từ đầu năm 2023, các cơ quan của Quốc hội đã bắt tay ngay vào việc chuẩn bị, hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp. Qua các buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đều cho thấy quyết tâm và sự tập trung cao độ, chuẩn bị từ sớm, từ xa, bảo đảm chất lượng các nội dung công việc. Các cơ quan của Quốc hội theo dõi sát sao, kịp thời đôn đốc tiến độ, chất lượng triển khai các nhiệm vụ đề ra.

Nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng bậc nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng trước thực tế tiến độ triển khai việc lấy ý kiến Nhân dân rất chậm, đề nghị Ủy ban có văn bản để đôn đốc Chính phủ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch tại Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến Nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác.

Ngay sau buổi làm việc, trên cơ sở kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã có văn bản số 1582/UBKT15 ngày 08/02/2023 gửi Văn phòng Chính phủ về việc thúc đẩy tiến độ triển khai, tổ chức công tác lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Sau khi nhận được văn bản từ cơ quan của Quốc hội, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). 

Xem nội dung chi tiết tại đây: QUỐC HỘI CÙNG CHÍNH PHỦ ĐÔN ĐỐC KHẨN TRƯƠNG TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

* Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần bịt kín kẽ hở pháp luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt và nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện. Các đối tượng có hành vi tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Các đối tượng này lợi dụng các “khoảng trống”, “kẽ hở” trong chính sách, pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, nhằm làm lợi cho cá nhân và lợi ích nhóm.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, tham nhũng, tiêu cực là vấn đề cần phải được giải quyết có tính hệ thống, những vụ việc nào dư luận xã hội đã lên tiếng càng cần nhanh chóng xử lý rốt ráo. Về vấn đề này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Lê Như Tiến- đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII đánh giá cao việc làm rất quyết liệt của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian qua. 

Xem nội dung chi tiết tại đây: HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT, QUYẾT LIỆT ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

* Theo chương trình Phiên họp thứ 20, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc lấy ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Quan tâm đến nội dung này, Luật sư Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Baker McKenzie Việt Nam (BMVN) đề nghị, bổ sung và hoàn thiện quy định về quyền lợi những nhóm người tiêu dùng mới.

Luật sư Trần Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế Baker McKenzie Việt Nam

Luật sư Trần Mạnh Hùng cho rằng xây dựng và hoàn thiện các quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh, tránh việc đặt ra các quy định vô lý hoặc trách nhiệm nặng nề dẫn đến thiệt hại hoặc chi phí tuân thủ cao đối với doanh nghiệp, ngăn ngừa hành vi người tiêu dùng lợi dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Xem nội dung chi tiết tại đây: LUẬT SƯ TRẦN MẠNH HÙNG: CẦN BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN LỢI NHÓM NGƯỜI TIÊU DÙNG MỚI

Bảo Yến