VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM VÀO XÂY DỰNG HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA

25/02/2023

Đã qua 80 năm nhưng Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên tính thời sự và tỏa sáng giá trị trong quá trình xây dựng nền văn hóa mới thích ứng với thời đại mới. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần vận dụng tư tưởng Đề cương Văn hóa Việt Nam vào xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng.

NGHỆ THUẬT VIỆT NAM PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ DƯỚI SỰ SOI CHIẾU CỦA ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA

Cơ sở để định dạng và “thăng hoa” văn hóa Việt Nam

Đã 80 năm kể từ khi bản Đề cương về văn hóa do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2/1943, dù trải qua nhiều biến động thời cuộc, những giá trị của bản Đề cương vẫn còn nguyên tính thời sự.

Bàn về văn kiện quan trọng với ý nghĩa lớn lao này, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, với ba tiêu chí “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa”, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đặt cơ sở để củng cố và phát triển văn hóa Việt Nam. Ý thức “phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm”, đến hôm nay, những chủ trương ấy vẫn còn là kim chỉ nam cho những nhà hoạt động văn hóa.

Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nếu không làm việc này trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, những tác phẩm đi ngược lại truyền thống và cổ súy cho những tư tưởng lệch lạc được ra đời sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho đời sống tinh thần của xã hội. Đề cương về văn hóa Việt Nam đưa ra lời cảnh tỉnh suốt 80 năm qua đã trực tiếp dẫn dắt và “uốn nắn” hoạt động sáng tác và truyền bá văn học nghệ thuật. Một số luật sau này như Luật Xuất bản hoặc Luật Điện ảnh cũng bám sát và cụ thể hóa ba tiêu chí chủ đạo của Đề cương.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, nhờ mục tiêu rõ ràng, Đề cương về văn hóa Việt Nam trở thành nền tảng phát triển tiếng Việt suốt 80 năm qua. Ngay từ buổi sơ khai của cách mạng, các nhà văn như Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Chân, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Tô Hoài... đã tích cực tham gia vào cuộc chấn hưng tiếng Việt. Lộ trình trong sáng tiếng Việt từng bước được nhiều thế hệ tác giả Việt Nam vun đắp, khiến tiếng Việt ngày càng giàu đẹp. Tuy nhiên, thông điệp “tranh đấu về tiếng nói, chữ viết” vẫn còn rất nóng bỏng, vì công nghệ thông tin và lối sống thực dụng đang làm méo mó tiếng Việt. Những kiểu nói tắt, nói sai nghĩa gốc, nói độn tiếng Anh... đang phổ biến trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là vấn đề cần được soi chiếu bằng Đề cương về văn hóa Việt Nam, nhằm có sự chấn chỉnh kịp thời. Các nhà văn, nhà thơ cần thấm nhuần tư tưởng của bản Đề cương để bằng ngòi bút có những đấu tranh, phản bác kịp thời chống lại sự “vấy bẩn” tiếng Việt. Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng là góp phần phát triển văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhấn mạnh, sau 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn là cơ sở để định dạng và “thăng hoa” văn hóa Việt Nam. Những yêu cầu được đặt ra trong Đề cương về văn hóa 1943 vẫn chưa hề xưa cũ, thậm chí còn nguyên tính cấp thiết. Bởi lẽ, Đề cương về văn hóa 1943 chính là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của nước ta. Từ giá trị thực tiễn của Đề cương về văn hóa 1943, chúng ta có thêm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đề cương nêu rõ con đường xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc

Cùng quan tâm tới Đề cương Văn hóa Việt Nam, TS. Văn Thị Thanh Mai, Tạp chí Tuyên giáo cho rằng, Đề cương văn hóa Việt Nam là văn kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng, không chỉ đơn giản, ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và dễ nhớ mà còn khái quát về con đường, phương pháp xây dựng nền văn hóa mới của dân tộc, vì dân tộc, phục vụ dân tộc trên tinh thần chống lại cái tính chất phong kiến, nô dịch và cả những trở lực như “xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm,v.v.. cổ vũ, khích lệ quần chúng nhân dân tham gia vào tiến trình xây dựng nền văn hóa và thụ hưởng các giá trị văn hóa.

Thấm nhuần tư tưởng đó, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã xác định, “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; là để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đúng như về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nêu.

Nêu cao tinh thần này, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ mục tiêu “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” để nhằm “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế (…) nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.

TS. Văn Thị Thanh Mai khẳng định, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 dù ngắn ngọn và khái quát, nhưng đã thể hiện rõ tính chất một Cương lĩnh văn hóa cách mạng; không chỉ định hướng về con đường đi, cách thức xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới mà còn tạo cơ sở, nền tảng cũng như mở đường cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từng bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tiến trình phát triển.

Vận dụng tư tưởng Đề cương Văn hóa Việt Nam vào xây dựng Hệ giá trị quốc gia

Bàn về việc vận dụng tinh thần Đề cương Văn hóa vào đời sống hiện đại, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng, bản chất đời sống xã hội và thực tiễn lịch sử luôn luôn vận động và biến đổi. Các khái niệm như Dân tộc, Khoa học, Đại chúng từng là ba phương châm lớn của Đề cương, sau 80 năm cũng đương nhiên mang thêm nội hàm mới, ý nghĩa mới, giá trị mới. Các vỏ khái niệm quen thuộc giờ sẽ thâu thái thêm những luồng chân khí mới từ thế giới hội nhập, từ thời đại 4.0, từ công nghiệp hóa, hiện đại hóa… để tạo nên sức sống mới và đà phát triển mới. Đó sẽ là quá trình tự làm mới, tự nâng tầm của Đề cương.

PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Theo tinh thần đó, việc vận dụng, gắn kết, lồng ghép, quán triệt các tư tưởng của Đề cương với một nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta đang tiến hành hiện nay được đặt ra như một yêu cầu khách quan. Vào thời điểm kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương, giới nghiên cứu lý luận nói chung, nghiên cứu văn hóa, văn học nghệ thuật nói riêng đang đứng trước nhiệm vụ Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng và các văn kiện trước đó. Đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng Hệ giá trị Việt Nam, Hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chủ trì.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này, PGS.TS Phan Trọng Thưởng cho rằng việc nghiên cứu quán triệt các phương châm Dân tộc, Khoa học, Đại chúng theo tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam với yêu cầu mới, nội dung mới, thực tiễn mới… chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tương thích với nhiệm vụ xây dựng Hệ giá trị. Theo các kết quả nghiên cứu bước đầu thì không chỉ các phạm trù giá trị truyền thống như: Chân, Thiện, Mỹ mà ngay cả các giá trị đương đại như Dân tộc, Khoa học, Đại chúng cũng cần trở thành hệ tham chiếu mới, được kế thừa, phát triển trong điều kiện lịch sử văn hóa mới. Chắc chắn, đó sẽ là các phạm trù, các chuẩn mực giá trị cơ bản về văn hóa, con người và gia đình Việt Nam mà chúng ta đang xây dựng. Cho dù xu thế hội nhập với thế giới đang diễn ra như một tất yếu thì phẩm chất Dân tộc, tính Dân tộc của Hệ giá trị vẫn phải được xem là tiêu chí hàng đầu đã được kiểm nghiệm và đúc kết trong Bảng giá trị chung của dân tộc. Tương tự như vậy, Khoa học và Đại chúng cần trở thành những tiêu chí giá trị mới trong các bảng giá trị tinh thần và vật chất mà chúng ta đang xây dựng. Như vậy, Hệ giá trị mới sẽ mang được hơi thở, sức sống của Đề cương; Còn Đề cương thì nhờ đó mà được làm mới, được mang thêm giá trị và ý nghĩa để ngày càng phù hợp với xu thế mới, với thực tiễn lịch sử mới.

Minh Hùng