DẤU ẤN HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI TỪ ĐẦU NHIỆM KỲ ĐẾN NAY: CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC, THÍCH ỨNG TRONG MỌI ĐIỀU KIỆN, HOÀN CẢNH

26/02/2023

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội là một bộ phận không thể tách rời trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tạo thế chân kiềng vững chắc góp phần quan trọng vào việc thực thi hiệu quả chính sách đối ngoại của Việt Nam. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai một cách linh hoạt, hiệu quả, với các phương thức và cách làm mới, ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần xây dựng môi trường hòa bình ở khu vực, thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác, nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín đất nước.

CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XV: THÀNH CÔNG TRÊN SỰ KẾT HỢP HÀI HOÀ, CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC, LINH HOẠT VÀ HIỆU QUẢ

Định hình vai trò của ngoại giao Quốc hội trong tổng thể nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam

Sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới đòi hỏi nước ta phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.

Trong tổng thể đường lối đối ngoại của đất nước, đối ngoại của Quốc hội có những đặc thù và lợi thế riêng xuất phát từ địa vị pháp lý của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đối ngoại Quốc hội vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc. Từ đó, đối ngoại Quốc hội có thể đóng vai trò gắn kết giữa ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của ngoại giao Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, hoạt động của Quốc hội nói chung và đối ngoại của Quốc hội nói riêng qua mỗi khóa đều để lại những dấu ấn riêng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hoá Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung, và Quốc hội Việt Nam nói riêng, trên trường quốc tế.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu Quốc hội cần đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước. Tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những nội dung cốt lõi về chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới. Trong đó, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ban hành Chương trình hành động, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ.

Hình ảnh tại cuộc làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Một là, nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản của Nhà nước về đối ngoại: Phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, bảo đảm đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên với trọng tâm là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các điều ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ... tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ, hội nhập nhanh, hiệu quả hơn của đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Hai là, tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân để phát huy tối đa lợi thế của hoạt động ngoại giao nghị viện cũng như hiệu quả sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong triển khai công tác đối ngoại, cùng hướng tới thúc đẩy tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của Nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Ba là, chỉ đạo xây dựng các Đề án mang tính chiến lược, toàn khóa và kế hoạch hằng năm về ngoại giao nghị viện, trong đó xác định trọng tâm, trọng điểm, chú trọng xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế vào việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; tiếp tục khẳng định vai trò “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược về an ninh, phát triển của Việt Nam; đồng thời, là “thành viên có trách nhiệm”, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Bốn là, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với Quốc hội, nghị viện các đối tác có quan hệ đặc biệt, láng giềng, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác. Nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam trong những vấn đề và các cơ chế then chốt, quan trọng có tầm chiến lược tại các cơ chế liên nghị viện đa phương khu vực và quốc tế như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới  (IPU), Diễn đàn Đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP), Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF)… trên cơ sở phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện thực tế cụ thể.

Năm là, tăng cường phối hợp và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược trong lĩnh vực đối ngoại để chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Nâng cao hiệu quả cơ chế điều hòa, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Quốc hội và giữa Quốc hội với các cơ quan Đảng, Chính phủ trong triển khai các hoạt động đối ngoại.

Sáu là, chỉ đạo việc cung cấp thông tin đối ngoại toàn khóa, thông tin đối ngoại hằng năm nhằm kịp thời phản ánh chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; truyền tải thông tin hoạt động của Quốc hội tới công chúng và bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc với Thường trực Uỷ ban Đối ngoại và Văn phòng Quốc hội về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023

Có thể thấy, Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã quán triệt đầy đủ và cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, đồng thời thực hiện tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, có trọng tâm, trọng điểm. Đây là căn cứ, định hướng cho việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Thực tiễn hoạt động của Quốc hội cho thấy phương châm, định hướng đối ngoại của Quốc hội thể hiện rõ nét trong từng hoạt động, để lại dấu ấn sâu sắc với nhiều tác động tích cực, thiết thực cho sự ổn định, phát triển đất nước. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, diễn biến khó lường của tình hình thế giới,… các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai tích cực và hiệu quả, ngày càng minh chứng là động lực quan trọng, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện, nhiều mặt giữa Việt Nam với các đối tác và bạn bè trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, việc triển khai các hoạt động đối ngoại đã bám sát Chương trình đối ngoại của Lãnh đạo chủ chốt và Lãnh đạo cấp cao được Bộ Chính trị phê duyệt, Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã diễn ra sôi động trên cả bình diện song phương và đa phương.

Nếu như mục tiêu chính trong hoạt động đối ngoại năm 2021 là ngoại giao vaccine thì năm 2022, trọng tâm của công tác đối ngoại là hỗ trợ công tác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong tổng thể đó, công tác đối ngoại Quốc hội đã tập trung đẩy mạnh và triển khai một cách toàn diện, sâu rộng từ các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Chủ động, tích cực tham gia vào các diễn đàn nghị viện, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bước vào đầu nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 tạo ra những thách thức chưa từng có. Song đối ngoại Quốc hội không những vẫn đảm bảo được mạch phát triển mà còn diễn ra sôi động với nhiều hoạt động song phương, đa phương. Ngoại giao nghị viện có đóng góp quan trọng vào thành công chung của ngoại giao Việt Nam. Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trên cả bình diện song phương và đa phương tiếp tục được đẩy mạnh, gửi đi thông điệp của Quốc hội Việt Nam tới bạn bè thế giới, đồng thời mở rộng, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến

Vượt qua những trở ngại, ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2021, với việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự trực tuyến và trực tiếp ba hội nghị nghị viện lớn quy mô toàn cầu và khu vực; các Phó Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội cũng tham dự trực tuyến nhiều hội nghị đa phương quan trọng đã thể hiện một sự nỗ lực vượt bậc của Quốc hội Việt Nam trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Đại hội đồng AIPA 42 diễn ra vào tháng 8/2021 do Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam tổ chức theo hình thức trực tuyến đánh dấu hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ khóa XV.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước diễn đàn liên nghị viện khu vực, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất mang tính gợi mở, định hướng cho hoạt động của các nghị viện thành viên trong khu vực. Các sáng kiến của về chuyển đổi số, bảo đảm an ninh mạng, kêu gọi chia sẻ công bằng vaccine đã được bạn bè ASEAN đánh giá cao. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các Chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Trong thông cáo chung, đoàn Việt Nam đóng góp tới 5 ý kiến, đây là sự khẳng định vị thế của Quốc hội Việt Nam, khẳng định sáng kiến và ý kiến của trưởng đoàn Việt Nam là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã được cộng đồng AIPA đánh giá rất cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường (trái) và Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà (phải) tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo

Từ diễn đàn liên nghị viện khu vực vươn ra thế giới, tháng 9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo. Không chỉ là một sự kiện định kỳ, hội nghị lần này còn là dấu ấn cho sự trở lại của ngoại giao nghị viện đa phương truyền thống, là cuộc họp liên nghị viện quy mô lớn đầu tiên trên thế giới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát với tham dự của hơn 110 đoàn các nước là thành viên và quan sát viên của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị mới. Nhiều nội dung đã được đưa ra bàn thảo để các nghị viện chung tay phòng chống đại dịch, giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội đã có 2 bài phát biểu quan trọng nêu rõ quan điểm của Việt Nam với các vấn đề toàn cầu. Nghị viện các nước đã thống nhất chung tay phòng chống đại dịch, chia sẻ vaccine, lập chiến lược thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Dấu ấn Việt Nam tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị APPF 29 do Quốc hội Hàn Quốc đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 12/2021. Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hai phiên toàn thể về vấn đề chính trị an ninh và kinh tế và thương mại đã mang đến thông điệp và hình ảnh về đất nước Việt Nam đoàn kết, kiên cường trong dịch bệnh, khát vọng vươn lên; tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; phát huy vai trò của ngoại giao nghị viện, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Quốc hội Việt Nam trong ngoại giao nghị viện khu vực. Đáng chú ý, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành APPF đã nhất trí đề cử Quốc hội Việt Nam tham gia Ban Chấp hành APPF trong nhiệm kỳ mới 4 năm, bắt đầu từ APPF-30 đến hết Hội nghị APPF-33, cho thấy sự tín nhiệm cao của các nghị viện thành viên đối với Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43)

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) tổ chức tháng 11/2022 tại Phnom Penh, Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc lại câu tục ngữ  “Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, nêu rõ không một quốc gia nào có thể tự mình đơn độc giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay, đồng thời nhấn mạnh sự đoàn kết, gắn bó và tương hỗ lẫn nhau là yếu tố quan trọng giúp ASEAN thành công.

Và tháng 12/2022, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế bao gồm Vương quốc Anh, EU, Mỹ đã đạt Thỏa thuận Hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giúp Việt Nam nhận được 15,5 tỉ USD cho gói tài chính khí hậu để giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Cũng trong năm 2022 vừa qua, tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-144 tổ chức tại Bali, Indonesia, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Vũ Hải Hà, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận toàn thể với chủ đề “Hướng tới phát thải ròng bằng 0: Quốc hội tham gia hành động về vấn đề biến đổi khí hậu”, nêu ra 5 đề xuất thúc đẩy hành động của Quốc hội, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư về chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới IPU-144 

Hoạt động của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế nghị viện đa phương được nâng tầm từ “tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm” lên “dẫn dắt, định hình luật chơi”, bảo vệ và thúc đẩy hiệu quả các lợi ích chiến lược của Việt Nam.

Bên cạnh việc tham gia chủ động, thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò dẫn dắt trên các diễn đàn đa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội cũng được triển khai chủ động, tích cực. Đại dịch COVID-19 khiến cho các hoạt động gặp gỡ song phương trực tiếp khó có thể tiến hành, nhưng lại là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Bên cạnh đó là tận dụng mọi cơ hội có thể bên lề diễn đàn đa phương để tiếp xúc, trao đổi với các đối tác ở những khu vực xa xôi, khó có cơ hội đến thăm trực tiếp.

Năm 2023, Quốc hội Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, dự kiến diễn ra vào tháng 9/2023 tại thủ đô Hà Nội - sự kiện đối ngoại đa phương trọng tâm của Quốc hội Việt Nam trong năm 2023. Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132 và Đại hội đồng AIPA-41, Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện và quảng bá hình ảnh Việt Nam và Quốc hội Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Uỷ ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Diễn đàn Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức

Đối ngoại Quốc hội đóng góp quan trọng vì mục tiêu cao nhất là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Quốc hội Việt Nam đã chủ động trong hành động, đồng hành cùng Chính phủ vì mục tiêu cao nhất là chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân. Phát huy sức mạnh và tính chất riêng biệt, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam góp phần vào thành công chung của “ngoại giao vaccine”, qua đó, giúp Việt Nam thành công với chiến lược vaccine “đi sau, về trước”. “Ngoại giao vaccine” trở thành một mặt trận quan trọng, với mục tiêu cao nhất là tranh thủ mọi cơ hội, nguồn lực để tìm kiếm nguồn vaccine, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã được vận dụng khéo léo và phù hợp trong các cuộc làm việc, tiếp xúc với các vị lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ các nước; trong trao đổi với doanh nghiệp các nước sao cho đạt mục đích cao nhất là có nhiều vaccine nhất, nhanh nhất; có được các loại thuốc và vật tư y tế để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước.

Hình ảnh tại cuộc điện đàm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Ứng phó với đại dịch COVID-19, các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến của Chủ tịch Quốc hội với Chủ tịch Nghị viện các nước và tiếp xúc bên lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 tạo điểm nhấn và thể hiện thông điệp, cam kết mạnh mẽ của Quốc hội trong nhiệm kỳ mới. Các chuyến thăm song phương chính thức của Chủ tịch Quốc hội tại Nghị viện châu Âu, Vương quốc Bỉ, Phần Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ với nội dung nghị sự toàn diện, bao trùm và thiết thực đã củng cố quan hệ hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước, lan tỏa thông điệp về Quốc hội Việt Nam chủ động, đổi mới và trách nhiệm.

Sau chuyến công tác châu Âu vào tháng 9/2021, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tiếp nhận 200.000 liều vaccine AstraZeneca được chính phủ Vương quốc Bỉ và Cộng hòa Slovakia trao tặng; cùng với đó là các thiết bị, vật tư y tế trị giá 1.028 tỷ đồng, cùng tiền mặt ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh và Quỹ phòng, chống COVID-19. Sau chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã tiếp nhận 200.000 liều vaccine COVAXIN cho trẻ em dưới 18 tuổi do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ; chuyển giao toàn bộ công nghệ và 1 tấn nguyên liệu điều chế 4.750.000 viên thuốc MOVINAVIR 200 mg điều trị COVID-19 do Công ty Optimus Pharma (Ấn Độ) phối hợp với Công ty Cổ phần Hóa-Dược phẩm Mekophar (Việt Nam)... Những con số về số lượng vaccine, vật tư, thiết bị y tế cũng như tài chính quyên góp được sau các chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là minh chứng sống động cho việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả kênh ngoại giao nghị viện trong công tác “ngoại giao vaccine”, đóng góp thiết thực vào thành tựu phổ cập tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hiện nay của nước ta, khi Việt Nam đang thuộc nhóm các nước có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tham dự Lễ Bàn giao vaccine, thiết bị, vật tư y tế và kinh phí được ủng hộ trong chuyến công tác châu Âu do Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức

Một trong những nội dung thảo luận chính trong các hội đàm trực tuyến, điện đàm song phương, thư gửi của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam với Chủ tịch nghị viện các nước là hợp tác phòng, chống đại dịch, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam; cung cấp, chuyển nhượng vaccine, trang thiết bị y tế thiết yếu, hỗ trợ thuốc điều trị COVID-19. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu quan điểm: Việc chia sẻ một cách công bằng nguồn vaccine trên phạm vi toàn cầu là một vấn đề hết sức quan trọng và đòi hỏi có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa các cơ quan hành pháp cũng như hỗ trợ của cơ quan lập pháp trong bố trí các nguồn lực, các khung khổ thể chế, để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng cho từng nước, cũng như thúc đẩy quan hệ của nội khối, giữa ASEAN với khu vực và thế giới. Quan điểm trên của Chủ tịch Quốc hội đã được các thành viên Đoàn Quốc hội Việt Nam tham dự các hội nghị, cuộc họp đa phương, song phương cấp khu vực, châu lục và thế giới đưa ra dưới hình thức các đề xuất hợp tác.

Cùng với những dấu ấn trong ngoại giao nghị viện song phương và đa phương, “ngoại giao vaccine” với cách thức triển khai hết sức khéo léo, linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép “trúng” và “đúng” trong chương trình nghị sự song phương, đa phương đã trở thành một trong những dấu ấn đậm nét của công tác đối ngoại Quốc hội Việt Nam năm 2021.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm trực tuyến với Phó Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Vương Thần

Chú trọng ngoại giao kinh tế trong tổng thể hoạt động đối ngoại của Quốc hội

Mục tiêu cao nhất là tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, lấy lợi quốc gia là tối thượng; chú ý xây dựng ngoại giao kinh tế lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”. Chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trở thành kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Cụ thể hoá chỉ đạo này, Quốc hội Việt Nam sử dụng hiệu quả kênh ngoại giao nghị viện song phương và đa phương, đẩy nhanh quá trình các nước thông qua các Hiệp định thương mại và đầu tư, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp cận, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Đối với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nội dung trao đổi trong tiếp xúc cấp cao, làm việc với lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và nghị viện các nước, cũng như gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài thì nội dung về hợp tác kinh tế luôn được ưu tiên hàng đầu. Trong chuyến công tác tại châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể với lãnh đạo các nước châu Âu, làm sao tăng cường các biện pháp thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) hiệu quả, cùng có lợi, đồng thời thẳng thắn đề nghị lãnh đạo nghị viện của Liên minh châu Âu, lãnh đạo nghị viện của các nước sớm thông qua phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) với mục tiêu xây dựng và củng cố quan hệ hợp tác toàn diện thương mại và cả về đầu tư, để các nhà đầu tư châu Âu an tâm và được khích lệ khi sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì các diễn đàn doanh nghiệp từng nước và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi sâu sắc, lắng nghe tiếng nói đại diện hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Nghị viện châu Âu 

Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vào tháng 12/2021, hai bên đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định về Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, một Hiệp định quan trọng, giúp đảm bảo quyền lợi về BHXH của người lao động Việt Nam làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc (cũng như người lao động Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam). Đây cũng là Hiệp định về BHXH song phương đầu tiên được Việt Nam ký kết với một quốc gia khác, tạo điều kiện cho dịch chuyển lao động giữa hai nước diễn ra mạnh mẽ. 

Bước sang năm 2022, trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, việc nước ta duy trì tốt ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng 8,02% - nằm trong nhóm tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, quy mô GDP vượt 400 tỷ USD, xuất khẩu vượt 700 tỷ USD, an sinh xã hội được bảo đảm là các kết quả nổi bật và hết sức có ý nghĩa. Trong tổng thể thành công đó, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước nói chung và hoạt động đối ngoại của Quốc hội có những đóng góp hết sức quan trọng. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của Quốc hội diễn ra sôi động góp phần thúc đẩy ngoại giao nghị viện của Quốc hội ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu; góp phần triển khai các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng môi trường hòa bình ở khu vực, mở rộng hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Việt Nam – New Zealand

Ngoài ra, nói đến công tác đối ngoại của Quốc hội thường chúng ta chỉ nhìn về bề nổi bên ngoài là các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, song công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong lĩnh vực đối ngoại của Quốc hội góp phần quan trọng là cơ sở, nền tảng pháp lý vững chắc cho các hoạt động.

Từ năm 2021, Quốc hội đã thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế góp phần cùng hai điều luật quan trọng đã ban hành trước đó là Luật Điều ước quốc tế, Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài làm bộ khung pháp lý quan trọng để triển khai các hoạt động ngoại giao của nhà nước nói chung, công tác đối ngoại của Quốc hội nói riêng trong việc thúc đẩy ngoại giao kinh tế.

Các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tập trung vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong các chuyến công tác, nội hàm kinh tế cũng rất được chú trọng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tham dự nhiều diễn đàn thương mại, đầu tư cũng như hợp tác kinh tế với các nước trong các chuyến thăm của mình.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự rất nhiều diễn đàn về hợp tác giáo dục - là t thế mạnh của các nước đến thăm trong năm qua, cũng mong muốn thúc đẩy như Hungary, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand. Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra được Chủ tịch Quốc hội cũng như các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội quan tâm và thúc đẩy.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér ký Thoả thuận hợp tác mới giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hungary

Nhiều diễn đàn hợp tác kinh tế đã được tổ chức trong các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội tới các nước với nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết. Tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam – New Zealand tổ chức tại Wellington vào tháng 12/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến đại diện Chính phủ Việt Nam trao thoả thuận nhập khẩu nông sản (quả dâu tây và quả bí ngô) của New Zealand sang Việt Nam cho đại diện Chính phủ New Zealand.

Bên cạnh đó, các diễn đàn hợp tác giáo dục được tổ chức tại các quốc gia có thế mạnh về lĩnh vực này như Hungary, Anh, Australia, New Zealand đã mở ra cơ hội hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng cũng như việc phục hồi sau đại dịch.

Sau một thời gian dài bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm 2022 đã diễn ra một cách rất sôi động, tập trung vào những địa bàn có yếu tố chiến lược trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia, trong tổng thể quan hệ chung kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào cũng như 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Campuchia, nhiều hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã được triển khai.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia,Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Samdech Heng Samrin chủ trì Lễ đón trọng thể Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Quốc hội Việt Nam đã ký mới các thỏa thuận hợp tác với Bạn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác với hai đối tác rất quan trọng và đặc biệt của Việt Nam trong bối cảnh mới cũng như trong tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp. Quốc hội Việt Nam cũng triển khai tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị đối với Quốc hội, Nghị viện các nước Lào, Campuchia để chia sẻ kinh nghiệm về phục hồi và phát triển kinh tế dưới khía cạnh của công tác lập pháp và công tác giám sát, việc thực hiện các chức năng của Quốc hội.

Ngoài cơ chế quan hệ song phương, chúng ta cũng đã có những cơ chế hợp tác giữa các cơ quan của Quốc hội ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Để đưa các cơ chế hợp tác này ngày càng hiệu quả, thiết thực, đồng hành với cơ chế hợp tác ba bên trên kênh Đảng và kênh Chính phủ, ba Chủ tịch Quốc hội đã nhất trí nâng cấp cơ chế quan hệ của ba nghị viện ba nước lên cơ chế cấp Chủ tịch Quốc hội. Đây là một cơ chế rất quan trọng để góp phần thúc đẩy quan hệ của ba nước, hỗ trợ kênh Chính phủ thực hiện tốt những cam kết đã triển khai trong thời gian qua.

Tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phu nhân đã chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào

Đối với các đối tác khác ở châu Âu cũng như ở Nam Thái Bình Dương, Quốc hội Việt Nam đã có những ký kết thỏa thuận hợp tác mới với Nghị viện các nước như Australia, Hungary. Đối với Hungary, Quốc hội cũng đã thúc đẩy rất nhiều những mảng hợp tác thuộc mối quan tâm chung của nhân loại hiện nay cũng như thuộc về những lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam.

Tại các diễn đàn đa phương, Quốc hội Việt Nam cũng chủ động đưa ra những chủ đề nhằm đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển của đất nước từ nay đến năm 2030 với tầm nhìn 2045, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là những vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng…; làm sao vừa thực hiện được các cam kết quốc tế nhưng đồng thời cũng yêu cầu các nước phát triển phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm đối với những vấn đề đặt ra trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.

Với vị trí là một kênh đối ngoại vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính Nhân dân, hoạt động đối ngoại của Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong quá trình song hành cùng Chính phủ, thúc đẩy liên kết khu vực và hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có những chuyển biến mới, thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhằm đóng góp hơn nữa vào công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước ta, công tác đối ngoại Quốc hội Việt Nam đã bám sát nội dung xuyên suốt đường lối đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới, phát triển và bổ sung nội hàm đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; đưa công tác đối ngoại Quốc hội lên tầm cao mới, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và thực chất hơn; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế đã được vun đắp trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy thực hiện thành công các chiến lược hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng, về kinh tế, về văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và phát triển bền vững từ đó thực hiện thắng lợi chủ trương triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng đã đề ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII./.

Bảo Yến