PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI: LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) CẦN GIẢI QUYẾT HÀI HOÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT, NHÀ NƯỚC VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

08/03/2023

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ TNMT tổ chức sáng 8/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật có phạm vi tác động rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mọi tầng lớp Nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật sau 10 năm thực hiện; tháo gỡ bằng được những khó khăn vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước, bịt các lỗ hổng gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

“Việc sửa đổi Luật được tiến hành bài bản, công phu với tinh thần vào cuộc từ sớm từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; có kế hoạch, lộ trình cụ thể, xác định các vấn đề trọng tâm trọng điểm, tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm và đang tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; để bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng ,dự thảo Luật dự kiến thông qua 3 kỳ họp Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhận thấy không chỉ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mà các cơ quan, tổ chức khác cũng đã lên kế hoạch chi tiết, có phân công cụ thể để lấy ý kiến về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc lấy ý kiến đúng tinh thần đề ra là: kỹ lưỡng, công phu, chất lượng tốt, bảo đảm tính thực tiễn, tính khoa học và khả thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, yêu cầu đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật Đất đai để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, khắc phục được những bất cập của Luật sau 10 năm thực hiện; tháo gỡ bằng được những khó khăn vướng mắc cản trở sự phát triển của đất nước, bịt các lỗ hổng gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

Hoan nghênh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cảm ơn và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chất lượng của các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; rất nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, cụ thể, có tính thực tiễn và phản biện cao, đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, kinh doanh đến hoạt động của các doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng, các ý kiến này là những đóng góp quan trọng để Chính phủ hoàn thiện dự thảo luật, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện báo cáo thẩm tra và các ĐBQH nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật.

Góp ý vào dự thảo Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần quan tâm một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát để bám sát và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý, sử dụng đất, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trọng tâm là 8 nhóm vấn đề: (1) Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (3) Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (4) Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; (5) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; (6) Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; (7) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; (8) Xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ. Những vấn đề Trung ương đã thảo luận nhưng chưa có kết luận thì không đưa vào dự án Luật.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Thứ hai, nguyên tắc xuyên suốt để hoàn thiện các quy định của Luật Đất đai là không gây ách tắc trong thực hiện và không tạo lỗ hổng gây ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực khi triển khai Luật; khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập trước đây đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Lưu ý kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần luật hóa, cụ thể hóa tối đa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết đã được áp dụng hiệu quả qua các thời kỳ. Tuy nhiên, phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; đề phòng cài cắm lợi ích nhóm.

Thứ ba, Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, có mối quan hệ mật thiết với các luật khác như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật cần bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đồng thời giải quyết vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật khác với pháp luật về đất đai trong quản lý, sử dụng đất.

Xác định đúng, phù hợp mức độ cụ thể của các quy định trong Luật Đất đai; các quy định phải đảm bảo triển khai được trong thực tiễn hoặc có nguyên tắc, định hướng cụ thể trước khi giao Chính phủ quy định; phân định rõ những nội dung quy định cụ thể trong Luật Đất đai, những nội dung quy định nguyên tắc trong Luật Đất đai và quy định chi tiết tại các luật chuyên ngành để hoàn thiện Luật Đất đai và các Luật có liên quan.

Thứ tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất như các trường hợp Nhà nước thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất; nguyên tắc, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để người dân đồng thuận, giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai; nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng các quy định về tài chính đất đai, giá đất, các hình thức giao đất, cho thuê đất (giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hàng năm)…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người sử dụng đất, Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.

Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lưu ý phân cấp, phân quyền về giá đất trong điều kiện bỏ khung giá đất cần cụ thể nguyên tắc, tiêu chí, quy trình và tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ sáu, việc lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và công tác truyền thông về dự án Luật là rất quan trọng. Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong việc tham gia vào dự án Luật, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về dự án Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất, khung giá đất, tài chính về đất đai, thu hồi, đền bù, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Bên cạnh đó, VCCI cần thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật này, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, trung thực về các nội dung, chính sách lớn trong dự án Luật, nhất là những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, tăng cường tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện từ cộng đồng, xã hội.

Thứ bảy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị VCCI cần trao đổi thông tin, nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đối với những nội dung quan trọng, phức tạp như quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về đất đai, ngân hàng đất nông nghiệp... Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan Quốc hội cần nghiên cứu kỹ các luận cứ khoa học, thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế và xem xét việc áp dụng các kinh nghiệm tốt trong điều kiện của Việt Nam./

Bích Ngọc - Nghĩa Đức