GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: MÔ HÌNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ THIẾU THỐNG NHẤT

16/03/2023

Trong quá trình giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế liên quan đến mô hình tổ chức và quản lý của các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện. Những bất cập này phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, yế dự phòng ở các địa phương.

GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG: RÀ SOÁT TOÀN DIỆN, KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: GIÁM SÁT THỰC CHẤT, HIỆU QUẢ, NHẬN DIỆN ĐẦY ĐỦ VẤN ĐỀ ĐỂ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỪA CÓ LÝ, CÓ TÌNH

Một số địa phương đã giải thể trạm y tế phường, thị trấn.

Thời gian qua, y tế cơ sở luôn giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh khẳng định, về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng, cũng như sự đầu tư quan tâm rất cụ thể và toàn diện của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực này. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vừa qua đã có rất nhiều câu chuyện xúc động xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ và chức năng của y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Bên cạnh đóng góp này, báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Mặc dù mô hình tổ chức y tế cơ sở đã phù hợp với Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thành lập các đơn vị sự nghiệp y tế công lập (Trung tâm y tế huyện, trạm Y tế xã) theo đơn vị hành chính chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở một số địa phương, nhất là tại các thành phố đông dân cư, các khu công nghiệp. Tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa thực sự ổn định, một số địa phương đã giải thể trạm y tế phường, thị trấn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa thực sự ổn định, một số địa phương đã giải thể trạm y tế phường, thị trấn.

Mô hình quản lý trung tâm y tế huyện/quận chưa thực sự ổn định và thống nhất giữa các địa phương. Trong vòng 10 năm có 3 lần thay đổi mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với mạng lưới y tế cơ sở đã tác động tới hoạt động của trung tâm y tế huyện/bệnh viện huyện và trạm y tế xã. Hiện nay có 60/63 tỉnh, thành phố quy định Trung tâm Y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế; có 3 tỉnh đang quy định là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện (Bình Phước, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh). Riêng Hà Tĩnh đang thực hiện cả hai mô hình Trung tâm Y tế huyện do Sở Y tế quản lý và UBND huyện quản lý.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, qua khảo sát tại tỉnh Bình Phước cho thấy, mô hình Trung tâm Y tế huyện do UBND quận/huyện quản lý sẽ gặp khó khăn trong việc điều động nhân lực giữa các quận/huyện do Sở Y tế không có vai trò điều phối để điều động nhân lực của các địa bàn. Đối với những tỉnh có mô hình Trung tâm Y tế huyện do Sở Y tế quản lý, Sở Y tế sẽ quản lý được về chuyên môn và có thể điều động được nhân lực. Tuy nhiên, nếu Trung tâm Y tế huyện được UBND huyện quản lý sẽ được quan tâm hơn trong đầu tư kinh phí, đồng thời sự phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe trên địa bàn sẽ được thực hiện tốt hơn.

Những hạn chế, bất cập về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng nêu trên đang được Quốc hội giám sát tối cao nhằm đánh giá khách quan những tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị giải pháp để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú, thành viên Đoàn giám sát bày tỏ băn khoăn trong 10 năm mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng chưa có sự thống nhất trong cả nước. Có địa phương sáp nhập trạm y tế xã vào Phòng khám đa khoa khu vực hoặc Trung tâm y tế huyện thực hiện chức năng của trạm y tế xã. Cụ thể: 59 Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện, còn 4 tỉnh vẫn giữ mô hình Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình ở cấp huyện. Về bệnh viện đa khoa huyện, có 19 tỉnh, thành phố có bệnh viện đa khoa tuyến huyện riêng biệt (không sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện). Về Trạm y tế xã, các địa phương đã thực hiện thành lập Trạm y tế xã phường theo các đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (99,6% xã, phường thị trấn có trạm y tế), tuy nhiên, có địa phương giải thể một số trạm y tế phường và giao Trung tâm Y tế huyện thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị lãnh Bộ Y tế giải trình về mô hình tổ chức cũng như cơ chế quản lý của các Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế xã, Bệnh viện tuyến huyện và thực hiện Kết luận 25-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30/12/2021 và thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn việc sáp nhập như hiện nay thì việc thực hiện chức năng y tế dự phòng tại những nơi giải thể Trạm y tế xã để sáp nhập vào như thế nào. Tương tự, ở tuyến tỉnh, khi sáp nhập các trung tâm, đơn vị có chức năng y tế dự phòng và thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cấp tỉnh, thì liệu có thực hiện đầy đủ và toàn diện các chức năng, trong đó có y tế dự phòng hay không

Ngoài sự thiếu ổn định, thống nhất về mô hình tổ chức và quản lý của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, qua giám sát tại cơ sở, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng nêu thực tế, khi sáp nhập bệnh viện tuyến huyện vào Trung tâm y tế dự phòng, việc thực hiện chức năng về y tế dự phòng và nhân lực không được quan tâm so chức năng khám bệnh chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Giải thể Trạm y tế phường, thị trấn là chưa phù hợp.

Chia sẻ về mô hình tổ chức và quản lý y tế cơ sở, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là nhân lực y tế, có sự quản lý, điều tiết phù hợp.  Thời điểm phòng, chống dịch COVID-19 có sự phối hợp tốt giữa Sở Y tế với các quận, huyện và sự điều tiết hệ thống của ngành y tế diễn ra thuận lợi cũng là minh chứng cho Hà Nội đã thành công trong phòng, chống dịch bệnh.

Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang duy trì mô hình mỗi quận, huyện đều có Phòng Y tế, tuy nhiên do thiếu nhân lực ở vị trí Trưởng phòng nên thành phố Hà Nội phân cấp cho Sở Y tế luân chuyển, điều động, bổ nhiệm chức danh giám đốc Trung tâm Y tế và Trưởng phòng Y tế. “Điều quan trọng là mô hình nào thì cũng cần một cơ chế hoạt động. Y tế cơ sở thuộc ngành hay trực thuộc quận, huyện thì cơ chế hoạt động cho y tế cơ sở, y tế dự phòng cần được tháo gỡ từ Trung ương”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói

Trả lời những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến mô hình tổ chức, cơ chế quản lý của y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định y tế xã là cơ sở, tuyến đầu cho việc triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, đúng như tinh thần tại Nghị quyết Trung ương 6 nêu "dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng". Trạm y tế xã và Trung tâm y tế huyện ngoài nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu, còn nhiệm vụ quan trọng là y tế dự phòng, quản lý sức khỏe cộng đồng, truyền thông, giáo dục sức khỏe…

Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm, việc giải thể Trạm y tế phường để chuyển nhiệm vụ này sang đơn vị khác là chưa phù hợp, bởi hoạt động khám, chữa bệnh đối với Trạm y tế chỉ là một trong những nhiệm vụ. Quan trọng nhất vẫn là chăm sóc sức khỏe, quản lý sức khỏe ban đầu của người dân, làm tốt công tác y tế dự phòng.

Liên quan đến mô hình tổ chức và nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định: đã có sự quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Điển hình như việc chuyển đổi mô hình 3 lần trong 10 năm vừa qua đã thể hiện sự chưa thống nhất, Bộ Y tế đang tham khảo ý kiến của các địa phương và tiếp tục đánh giá để có mô hình thống nhất trong thời gian tới./.

Lan Hương