NHẬN DIỆN HÀNH VI LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRONG PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ LỢI ÍCH NHÓM, THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

09/04/2023

Ngày 08/4, tại Hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện các quy định để nhận diện hành vi này và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống.

CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP LÊ THỊ NGA CHỦ TRÌ HỘI THẢO VỀ PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, đại diện cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam Nguyễn Nguyệt Minh chia sẻ chủ đề của hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” cũng là vấn đề được Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) quan tâm. Tổ chức Minh bạch quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng vận động hành lang đã thao túng các quyết sách của một số lãnh đạo ở châu Âu dẫn đến tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Tiêu cực tham nhũng trong vận động hành lang cản trở sự tham gia của các bên liên quan khác trong xây dựng chính sách, làm sói mòn lòng tin của công chúng đối với những người hoạch định chính sách và ra quyết định.

Hiện nay Quốc hội cùng các cơ quan Bộ, ngành của Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tăng cường công khai minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật, trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Giữa phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực có mối liên hệ khá gần gũi. Ở Việt Nam vấn đề này được nhắc đến ngày càng nhiều ngày càng được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm.

Đại diện cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Nguyễn Nguyệt Minh phát biểu

Đại diện UNODC tại Việt Nam Nguyễn Nguyệt Minh cho biết, với chức năng của mình UNODC đã và đang cùng với các cơ quan của Việt Nam hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật, chính sách nhằm thiện các luật như Bộ luật hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống rửa tiền…tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn tăng cường minh bạch, liêm chính. Tuy nhiên phía trước còn rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đề ra.

Vấn đề đặt ra được nhiều đại biểu quan tâm là nhận diện hành vi tham nhũng tiêu cực lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật, biểu hiện của các hành vi, phương thức của nhóm lợi ích tác động trong quá trình xây dựng pháp luật. Nếu không nhận diện được thì lại không phòng tránh được nhưng nếu nhận diện không đúng lại không bảo vệ được cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ không nhận diện được thì không thể phòng, chống được. Do đó điều đầu tiên, quan trọng nhất là phải nhận thức được hình thức, nội dung của vấn đề, phải có hình dung về nhóm lợi ích, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng phát biểu

Qua trao đổi, các đại biểu cho rằng hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng, tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã có quy định của pháp luật nhưng các quy định này còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, như: thiếu các quy định để nhận diện các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chung chung, chưa quy định về chế tài cụ thể khi không thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, quyền hạn; chưa có chế tài xử lý đối với cơ quan có thẩm quyền khi Tòa án đã kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng không xem xét, không trả lời… dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam có những đặc thù riêng chi phối nhiều đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật. Theo đó quy trình xây dựng pháp luật của Việt Nam có nhiều chủ thể cùng tham gia trong đó các chủ thể thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, các chủ thể đến từ các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Mặc dù các quy định về quy trình, trình tự, thẩm quyền trong ban hành văn bản quy pháp luật được quy định rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên trách nhiệm công vụ của từng chủ thể lại không rõ. Phạm vi trách nhiệm của các chủ thể tham gia từ khâu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến, xem xét quyết định thông qua chưa rõ.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu

Thực tế xây dựng pháp luật cho thấy có xu hướng các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật luôn giành phần thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về phần mình và đẩy khó khăn về đối tượng chịu sự điều chỉnh. Trong khi đó, những thiết chế để kiểm soát quyền lực, nhất là kiểm soát quyền lực trong ban hành văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật nhưng còn yếu.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho biết, quy trình luật được ban hành tương đối rõ, một bên là xây dựng chính sách, một bên là phản biện chính sách từ ý kiến Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, thẩm định, thẩm tra và phản biện tại Quốc hội khi thảo luận về các dự án luật. Theo quy trình khi soạn thảo văn bản luật, Chính phủ trình phải có ý kiến của tòa án, viện kiểm sát và ngược lại các cơ quan khác khi trình dự án phải có văn bản ý kiến của Chính phủ theo nguyên lý kiểm soát quyền lực.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long chia sẻ thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cho thấy có những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ lợi ích nhóm, tham nhũng tiêu cực như đầu tư, đất đai…Thực tế đã có những nội dung chính sách được trình lên Quốc hội có nhiều điểm được đánh giá là không phù hợp với hệ thống pháp luật và Quốc hội đã tiến hành thảo luận và cho ý kiến về từng điều khoản cụ thể. Do đó, yếu tố phản biện chính sách là rất quan trọng và đòi hỏi phải nâng cao năng lực cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra và cơ quan quyết định cuối cùng, trong đó vai trò của đại biểu Quốc hội là rất lớn.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ nhất trí với các ý kiến đại biểu cho rằng muốn phòng ngừa trước hết phải nhận diện hành vi, như vậy làm rõ các khái niệm như “lợi ích nhóm”, “cục bộ”, “tham nhũng”, “tiêu cực”. Trong đó, lợi ích nhóm có lợi ích nhóm tích cực và lợi ích nhóm tiêu cực. Lợi ích nhóm nhằm bảo về cho nhóm người thiểu số yếu thế là lợi ích nhóm tích cực, không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc được Đảng, Nhà nước bảo vệ, Nhân dân đồng tình. Lợi ích nhóm tiêu cực là nội dung cần phải phòng, chống là lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Qua trình nghiên cứu cho thấy “lợi ích nhóm cục bộ” và “tham nhũng, tiêu cực” có mối quan hệ mật thiết.

Làm rõ các hành vi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, hành vi bỏ hoặc thêm một quy định nào đó vào luật hay trì hoãn sửa đổi quy định cũng đều có thể là lợi ích nhóm. Về phương thức thực hiện có thể là nhóm lợi ích tác động đến các chủ thể có thẩm quyền trong các giai đoạn của quy trình lập pháp với nhiều cam kết lợi ích hoặc thông qua truyền thông để định hướng dư luận làm nhìn nhận vấn đề một chiều, phiến diện hoặc các bộ ngành khi soạn thảo cố gắng đem lại lợi ích tốt nhất cho bộ mình ngành mình, tạo cơ chế thủ tục mang lợi ích xin cho, đẩy khó khăn về phía người dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng để nhận diện được lợi ích nhóm trong chính sách cần làm rõ chính sách đó làm lợi cho ai, nếu chính sách chỉ làm lợi cho một nhóm người thì lợi ích đó có chính đáng hay không; có tiêu cực trong quá trình xây dựng; cần trả lời câu hỏi chính sách có được xây dựng minh bạch, công khai, tuân thủ đúng quy trình.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trao đổi tại hội thảo

Sau khi nhận diện được hành vi thì phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn. Thực hiện được điều này đòi hỏi cơ chế kiểm soát quyền lực cũng như các biện pháp khác về phòng chống tham nhũng để không thể, không dám và không muốn tham nhũng.

Về giải pháp, các đại biểu đều thống nhất cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động lập pháp, ngăn chặn cài cắm lợi ích nhóm trong chính sách, pháp luật; tăng cường thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực.

Tiếp tục hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong hoạt động lập pháp, nhất là chú trọng công tác thẩm tra, thẩm định. Thực tế quy trình ban hành luật chặt chẽ và công khai nên việc tham nhũng, tiêu cực, cài cắm lợi ích nhóm ít phổ biến. Tuy nhiên, đối với các văn bản dưới luật tình trạng này xảy ra nhiều hơn do quy trình ban hành đơn giản từ đó dễ hình thành lợi ích nhóm, phát sinh cơ chế xin – cho, gây khó khăn nhũng nhiễu đối với người dân.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các cơ quan soạn thảo cần thực hiện nghiêm túc quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhất là việc tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động chính sách, đánh giá thủ tục hành chính đầy đủ, chất lượng, xây dựng chính sách minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ, đúng thẩm quyền. Thực tế nếu báo cáo đánh giá tác động chính sách sẽ phát hiện được có lợi ích nhóm hay không. Cùng với đó cần nâng cao chất lượng lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động, lấy ý kiến Nhân dân và các đối tượng có liên quan; công khai, minh bạch quá trình tiếp thu các ý kiến. 

Đồng thời tăng cường các kênh giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong ban hành và thực thi pháp luật; tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kiểm soát xung đột lợi ích trong xây dựng pháp luật; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát văn bản, hệ thống hóa văn bản. Các đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu; có chế tài xử lý hành vi cố tình cài cắm lợi ích nhóm vào chính sách, pháp luật cũng cần được xử lí nghiêm minh như hành vi tham nhũng khác.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì hội thảo

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu

Các đại biểu tham dự hội thảo

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác