THỐNG NHẤT ĐẦU MỐI, PHÂN RÕ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC

24/05/2023

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trước đó, dự án luật này cũng được xem xét, thẩm tra tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đồng thời phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về nguồn nước và trách nhiệm quản lý xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) bám sát vào 04 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị Quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước; Xã hội hóa ngành nước; Kinh tế tài nguyên nước; Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác. Trong quá trình xây dựng dự án Luật không bổ sung chính sách mới. 

Trước đó, dự án luật này cũng được xem xét, thẩm tra tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tại phiên họp, thay mặt cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh: Nội dung dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã thể chế hóa tương đối đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là Kết luận số 36 KL/TW về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập.

Để sửa đổi Luật, Chính phủ đã rà soát 48 luật, bộ luật, Nghị quyết, 02 điều ước quốc tế có liên quan, trong đó có 11 luật liên quan trực tiếp. Vì thế, nhìn chung các quy định cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Về tính khả thi của dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, dự án Luật đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật tài nguyên nước 2012, tổng kết thi hành Luật Tài nguyên nước và rà soát, đối chiếu với các luật có liên quan. Do đó, về cơ bản các quy định của Luật đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, trong dự án Luật còn 20/83 điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết nên đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát cụ thể hóa tối đa trong Luật.

Tại Phiên họp, đề cập về sự thống nhất giữa quy hoạch cấp tỉnh với quy hoạch về nước, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, trong dự án Luật cần đề cập rõ hơn về sự thống nhất hoặc khác biệt giữa hai loại quy hoạch này. Một số địa phương có quy hoạch cấp tỉnh đã đề cập đến việc sử dụng nước. Tuy nhiên, nếu quy hoạch về nước khác với quy hoạch cấp tỉnh thì việc xử lý như thế nào? Nếu theo các quy định của Luật Quy hoạch thì địa phương sẽ gặp vướng mắc đối với thực hiện quy hoạch về nước. Vì vậy, trong dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn trong giải quyết những bất cập khi có sự khác biệt giữa quy  hoạch cấp tỉnh với quy hoạch về nước.

Cho ý kiến về nội dung trên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc các địa phương thực hiện quy hoạch về nước khi quy hoạch cấp tỉnh được đề cập trước. Để tránh việc các địa phương  phải “chạy đua” với quy hoạch nước gấp rút với quy hoạch cấp tỉnh, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần xem xét kỹ lưỡng đến nội dung thống nhất giữa quy hoạch cấp tỉnh với quy hoạch về nước ở địa phương hoặc có sự điều chỉnh cho phù hợp.


Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ đóng góp ý kiến.

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, các đại biểu còn cho ý kiến về đảm bảo an ninh nguồn nước. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trong quá trình hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục rà soát các luật liên quan trực tiếp đến Luật Tài nguyên nước để tránh mâu thuẫn, không thống nhất. Ngoài ra, liên quan đến đảm bảo an ninh nguồn nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, cần quy định rõ trách nhiệm các Bộ ngành, cơ quan đối với vấn đề này.

Giải trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước; sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, nghiên cứu xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành và nghiên cứu tích hợp các quy định về quản lý nước trong một luật về nước để quản lý, kiểm soát, điều tiết các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; đồng thời phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về nguồn nước và trách nhiệm quản lý xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.


Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Đối với đề nghị rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bố cục, sắp xếp lại các quy định về các loại quy hoạch trong dự thảo Luật, Chính phủ đã rà soát các quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất với các luật khác. Đồng thời, bố cục, sắp xếp lại các quy định về quy hoạch về tài nguyên nước trong dự thảo Luật bảo đảm logic và thống nhất; lồng ghép quy định về quy hoạch tài nguyên nước; bổ sung quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập danh mục lưu vực sông liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; lập, ban hành danh mục lưu vực sông nội tỉnh, danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.

Minh Hùng