TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ VIỆC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC PHỤC VỤ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID -19; THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT Y TẾ CƠ SỞ, Y TẾ DỰ PHÒNG
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Đồng thuận cao với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang góp ý về việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch trong Quân đội.
Quân đội là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phòng, chống dịch
Là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phòng, chống dịch, đại biểu nêu rõ, ngay từ đầu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động các lực lượng và trên 192.000 lượt cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch để hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Đồng thời tham gia tích cực phòng, chống dịch qua nhiều công việc khác nhau như: thực hiện công tác khám, chữa bệnh, tiêm chủng, thực hiện nhiệm vụ cách ly công dân, nhập cảnh, tham gia tích cực việc bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBHQ tỉnh Hà Giang
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Ngọc Định nhận thấy, có những công việc bộ đội chưa từng làm trước đó nhưng đã tổ chức và hoàn thành tốt như: mai táng, vận chuyển tử thi, tro cốt của nạn nhân Covid. Quân đội mà trực tiếp là Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền các địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan kiểm soát tốt tuyến biên giới, đất liền, trên biển, ngăn chặn triệt để hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới và các đối tượng xấu lợi dụng, tổ chức hoạt động chống phá, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thường xuyên duy trì khoảng 20.000 tổ chốt tại các cửa khẩu đường mòn lối mở với khoảng 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trực tiếp tham gia.
Bài học kinh nghiệm cho công tác ứng phó với những tình huống tương tự đại dịch Covid-19
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, đại biểu Hoàng Ngọc Định đã chỉ rõ còn nhiều vấn đề hạn chế và đó cũng là bài học kinh nghiệm cho công tác ứng phó với những tình huống tương tự đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua.
Thứ nhất, đó là đòi hỏi phải có kế hoạch đồng bộ, thống nhất trong việc huy động, điều động nhân lực, bao gồm cả lực lượng tư nhân, phân công nhiệm vụ đúng người đúng việc để những cá nhân tham gia phòng chống dịch phát huy tốt năng lực, sở trường và tham gia phòng chống dịch hiệu quả nhất.
Thứ hai, chế độ chính sách cho lực lượng tham gia phòng chống dịch, nhất là chế độ chính sách cho tuyến đầu chống dịch còn chậm, chưa đầy đủ như Báo cáo giám sát đã chỉ ra.
Thứ ba, trong phòng, chống dịch đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã có những hình thức khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức rất kịp thời. Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Chính phủ và các địa phương tiếp tục rà soát để đề nghị vinh danh khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia vào công tác phòng, chống dịch.
Thứ tư, Quốc hội đang thảo luận Luật Phòng thủ dân sự và sẽ được thông qua tại Kỳ họp này với nhiều quy phạm liên quan tới huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự. Đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, đây là quy định hết sức phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện đất nước ta vừa trải qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử với nhiều bài học kinh nghiệm về ứng phó với các tình huống dịch bệnh, các bệnh thảm họa, thiên tai, chiến tranh, trong đó có bài học về chủ động nguồn lực.
Các đại biểu tại phiên họp
Bảo đảm quyền lợi cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia trong công tác phòng, chống dịch
Về chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp cùng tham gia phòng, chống dịch, đại biểu nêu rõ, vào những thời điểm cam go nhất của các đợt bùng phát dịch cũng như đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp nơi tuyến đầu, đội ngũ viên chức ở các bộ phận gián tiếp cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch Covid 19.
“Cụ thể, các bộ phận như lái xe thực hiện nhiệm vụ lái xe, chở truy vết phóng viên truyền thông đi vào các vùng dịch, cùng cách ly y tế để tập trung điều tra, truy vết; bộ phận tài chính, kế toán trực tiếp thu phí xét nghiệm tại đơn vị và các khu cách ly; tập trung phục vụ công tác hậu cần, tổ chức hành chính, điều động phương tiện, nhân lực tham gia phòng chống dịch, phục vụ công tác hậu cần. Bộ phận truyền thông giáo dục sức khỏe hằng ngày cập nhật thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp…”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác hậu cần, cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 05 ngày 5/2/2023 và đã có hiệu lực về việc bổ sung và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và cán bộ y tế cơ sở lên mức 100%. Trong Nghị định chỉ đề cập đến số cán bộ làm việc thường xuyên và trực tiếp chứ không có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gián tiếp.
Để bảo đảm quyền lợi, động viên cán bộ làm việc gián tiếp và tạo sự công bằng giữa các lực lượng cùng tham gia trong công tác phòng, chống dịch nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid nói riêng, đại biểu Hoàng Ngọc Định đề nghị Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan xem xét bổ sung chính sách và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với đội ngũ lái xe, hành chính, kế toán và các cán bộ khác trong hệ thống y tế dự phòng./.