QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
ĐỊNH HÌNH RÕ HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG NHÀ Ở XÃ HỘI, HẠN CHẾ TỐI ĐA VIỆC TRỤC LỢI
Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ công nhân có thu nhập thấp yên tâm sinh sống, làm việc tại các khu công nghiệp để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước là chủ trương luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm. Chính vì thế, băm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Năm 2022, có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 năm thì đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước.
Vấn đề nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 này.
Tuy nhiên, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 thì hiện đang giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%. Bây giờ Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023. Vấn đề đặt ra là 2 gói tín dụng trước chúng ta còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở thì đang được sửa đổi và quy hoạch thì chúng ta chưa phê duyệt xong.
Đề nghị gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và cho kéo dài đến hết năm 2025
Trước những bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025 thì mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, hiện nay, cả nước thì hiện có 7 triệu công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ mới đáp ứng được khoảng gần 30%. Phần lớn công nhân lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 70% đang thuê trọ của các hộ gia đình tư nhân xây. Các phòng trọ này thì hầu hết đều rất chật hẹp, chỉ từ 3 đến 4m2/người, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu như là ánh sáng, vệ sinh diện tích và phòng cháy chữa cháy.
Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.
Trước kỳ họp thứ 5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng có buổi làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh, tiếp xúc với gần 1.000 cử tri, công nhân lao động, thăm khu nhà trọ công nhân và khảo sát nhu cầu nhà ở, nhà trọ và vay vốn đối với trên 200 chủ nhà trọ và gần 300 công nhân của phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh. Qua khảo sát, chỉ có 27 công nhân có nhu cầu định cư và mua nhà chiếm gần 10%. Họ đều là các công nhân mà có gia đình và đã làm việc ở Bắc Ninh, có thời gian từ 5 đến 10 năm; 19 công nhân có nhu cầu ở trong ký túc xá của công nhân chiếm 6,5 %. Còn lại số đông công nhân chỉ có nhu cầu thuê trọ chiếm tới hơn 80% và họ là những công nhân xác định chỉ đến Bắc Ninh làm việc một thời gian, sau đó lại về quê sinh sống. Họ thường là các công nhân có tuổi đời rất trẻ, từ 18 đến 25 và chưa lập gia đình.
Qua khảo sát, đại biểu Trần Thị Vân các hộ gia đình, cá nhân, những người mà tự bỏ tiền ra xây nhà trọ cho thuê thì đang giúp chúng ta giải quyết chỗ ở cho hàng triệu công nhân lao động. Vì vậy, Chính phủ cần phải có các chính sách để hỗ trợ đối tượng này và người làm chính sách thì cần phải phân định rõ việc định cư và chỗ ở để làm việc hoàn toàn khác nhau. Chúng ta phải tách bạch nhu cầu mua nhà và nhu cầu chỗ của công nhân. Không phải ai làm ở khu công nghiệp cũng có nhu cầu định cư và mua nhà tại địa phương mà nơi họ đến làm việc. Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư xây nhà cho công nhân, hỗ trợ cho công nhân vay tiền để mua nhà này.
Thế nhưng, đối tượng là hộ gia đình và các cá nhân xây nhà cho công nhân thuê thì chưa được hỗ trợ, không là đối tượng của các chính sách hỗ trợ. Chính vì vậy, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát và bổ sung đối tượng quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15 của Nghị quyết 100 năm 2015. Đó là các hộ gia đình, cá nhân xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà cho công nhân thuê được hưởng các gói hỗ trợ giảm lãi suất nêu trên. Việc làm này góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa hỗ trợ cho người dân, nhường đất cho phát triển công nghiệp, có sinh kế phát triển bền vững, vừa hạ giá thành thuê nhà cho công nhân; đồng thời ban hành các quy định, quy chuẩn chung để quản lý nhà trọ, hướng dẫn lộ trình và thời gian thực hiện. Đây cũng là cơ hội để chúng ta giảm giá thuê nhà cho công nhân, đồng thời nâng cao chất lượng nhà trọ cũng như đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long.
Liên quan đến nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đề nghị Chính phủ cùng với việc chỉ đạo các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Theo đó, cần chú trọng công tác đẩy mạnh các biện pháp thanh, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất. Định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai các dự án để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Đây là một chương trình lớn mang tính nhân văn sâu sắc, giúp người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân kéo dài đến năm 2030
Đóng góp ý kiến về nguồn kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề cập xung quanh việc sử dụng tồn dư ngân quỹ của Nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng, đến nay còn trên 1 triệu tỷ đồng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, nguồn tiền trên có thể linh hoạt để bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động và người mất việc làm hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp và hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
Trước những ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tự nguyện tham gia để thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân cũng như người có thu nhập thấp. Đây là chương trình đến năm 2030 chứ không phải là chương trình chỉ giải quyết trong năm 2022. Nguồn vốn thì do chính các ngân hàng huy động và lãi suất thì giảm từ 1,5% đến 2% do chính từ nguồn lực tài chính của các ngân hàng thương mại. Điều này thể hiện sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm của 4 ngân hàng thương mại này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước chỉ hướng dẫn về lãi suất áp dụng trong thời gian ưu đãi để triển khai thống nhất và hiện nay Bộ Xây dựng cũng đã có các hướng dẫn và ủy quyền cho các địa phương công bố danh mục dự án. Có thể nói rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội và nhà ở công nhân là cao nhưng nhu cầu vay lại là một vấn đề, bởi vì quyết định vay để mua một căn hộ phải là do người dân, gói này sẽ được triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt là trong Luật Nhà ở trình Quốc hội xem xét trong kỳ này đã có một điểm là cho phép các doanh nghiệp mua nhà để có thể bố trí nhà ở cho công nhân, đây cũng là một điểm rất tích cực để gói này được tăng dư nợ giải ngân./.