ƯU TIÊN BỐ TRÍ NGUỒN LỰC NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ

01/06/2023

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng trong quá trình phát triển, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số vẫn còn những hạn chế nhất định. Do đó, đề nghị cần ưu tiên bố trí nguồn lực, vật lực, tài lực đúng mức để tạo một cơ sở hạ tầng số và các điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp công cụ, phương tiện, giải pháp cho chuyển đổi số.

QUYẾT LIỆT CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI, NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN

CẦN KỊP THỜI ĐIỀU CHỈNH CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VỀ TÍN DỤNG, THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết, những năm qua, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin phát triển Chính phủ điện tử luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số vẫn còn những hạn chế nhất định.

Theo đó, hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp. Hoạt động của cơ quan nhà nước còn dựa trên giấy tờ theo truyền thống, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực. Chuyển đổi số chưa có nhiều kết quả đột phá, công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, công tác phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số và kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số chưa thực sự được quan tâm.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Theo đại biểu, tại cuộc họp đánh giá những tồn tại, hạn chế của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) cho thấy vẫn còn 4 nhóm vấn đề còn tồn tại trong thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, bao gồm các hạn chế về pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ, dịch vụ công và nguồn lực triển khai Đề án. Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử, Luật Lưu trữ theo hướng tạo thuận lợi phát triển Chính phủ số.

Đồng thời, ban hành Nghị định của Chính phủ về Chính phủ số và một số giải pháp liên quan như phát triển mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối từ Trung ương đến cấp xã; xây dựng nền tảng điện toán đám mây Chính phủ; phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, nền tảng trao đổi định danh và xác định điện tử quốc gia, nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động cho mọi dịch vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp. Coi đây là dữ liệu trụ cột, cốt lõi cần phải hoàn thành, đưa vào khai thác sớm. Phát triển dữ liệu chuyên ngành về tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, giáo dục, y tế, việc làm,…

Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nhận thấy, để kịp thời ứng dụng 4.0, Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết, Quyết định chỉ đạo, định hướng và tổ chức thực hiện ứng dụng 4.0. Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế số.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học, công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão với những tiến bộ nhảy vọt, đại biểu cho rằng cần đánh giá đúng thực trạng, chủ động xây dựng kịch bản khai thác những giá trị tích cực cũng như lựa chọn các giải pháp ứng phó để không tụt hậu, đề ra các giải pháp nhằm chống chọi với những tác động tiêu cực và mặt trái của 4.0. Đồng thời, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện và kiến tạo, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng 4.0.

Theo đó, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức về khả năng hấp thụ 4.0 để lựa chọn những chính sách phù hợp với năng lực, tiềm năng, thế mạnh và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Cần ưu tiên bố trí nguồn lực, vật lực, tài lực đúng mức để tạo một cơ sở hạ tầng số và các điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp công cụ, phương tiện, giải pháp cho chuyển đổi số.

Cùng quan điểm về chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho biết, để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã xác định tài chính, ngân hàng là một trong tám lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số để tiết giảm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao nhất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực sau 2 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra rằng, trong những năm gần đây, có một loại hình ngân hàng số mới xuất hiện được gọi là ngân hàng số NeoBank vẫn chưa thực sự được quan tâm, định hướng, dẫn dắt. Loại hình ngân hàng số NeoBank này hướng tới các dịch vụ được cá nhân hóa, ưu tiên sự tiện lợi trên nền tảng kỹ thuật số, cung cấp nhiều tính năng vượt trội, những giải pháp tối ưu nhất mà ngân hàng truyền thống không làm được, với tốc độ nhanh hơn, chi phí rẻ hơn. Đặc biệt, tất cả tính năng trên đều được tích hợp trong một ứng dụng di động. Đại biểu cho rằng, đây cũng là cách đưa dịch vụ ngân hàng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, có thể trở thành động lực, điểm nhấn trong chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Do đó, cử tri mong muốn được nghe ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nội dung này.

Mặt khác, đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho hay, Chính phủ đang khẩn trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã tạo ra khí thế mới, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nông dân ở các vùng cao đã có thể bán các sản phẩm nông nghiệp sạch chỉ cần dựa trên một chiếc điện thoại di động. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử ngành thương mại đất nước.

Đại biểu Đặng Xuân Phương cho rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các ngành đang là đòi hỏi tất yếu như chính tốc độ giao thương hàng hóa đang trở nên nhanh hơn, buộc từng hộ gia đình, từng người dân phải khẩn trương, linh hoạt và chủ động hơn thông qua việc tự học để làm chủ công nghệ trên Internet, tăng năng suất lao động cao hơn nữa nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trong một cuộc chơi tầm cỡ toàn cầu.

Đại biểu đề nghị đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ở cấp doanh nghiệp và các cấp chính quyền địa phương theo lộ trình và mục tiêu, có sự kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tự phát và đẩy mạnh việc đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số./.

Minh Thành