GIẢI PHÁP TĂNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

06/06/2023

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung ngày (06/6), các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có giải pháp để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao bởi 2 vấn đề hạ tầng và nhân lực luôn là yếu tố quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư khi đến Việt Nam.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 6/6: QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu vấn đề bao giờ chất lượng nguồn nhân lực mới mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?

Đại biểu Nguyễn Thị Hà cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. “Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?” - đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý 1/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người.

Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, quy mô, kể cả sự phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý 1/2023), thấp so với các nước phát triển. 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thực tế lao động có bằng cấp, chứng chỉ có thấp so với các nước phát triển, nhưng  quan trọng hơn là cơ cấu về lực lượng lao động không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động kỹ năng thấp hơn nên cần điều chỉnh trong thời gian tới.  “Trong thực tiễn, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, bao giờ họ cũng đặt hai vấn đề: thứ nhất hạ tầng như thế nào? thứ hai là nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng được hay không? Hạ tầng thì bao gồm cả quá trình phát triển nhưng điều băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay thường là chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là những ngành nghề ưu tiên, mà gần đây chúng ta đang rất thiếu hụt”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thực tế.

Hiện Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội đã triển khai thực hiện Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, hiện đại, đồng bộ, hiệu quả và bền vững với 9 nhóm giải pháp căn bản từ việc tuyên truyền, nhận thức, xây dựng chính sách, việc triển khai tổ chức thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Một vấn đề được đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đặt là là cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm trên 80%.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương nêu thực trạng phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh, đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập. Cho nên chọn học các trường trung cấp nghề chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Còn đại biểu Trần Quốc Quân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp cụ thể trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo tại hệ thống các trường nghề nhằm đáp ứng kịp thời, cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của vùng, đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã có nghị quyết và tổ chức hội nghị triển khai, đồng thời đã đề ra nhiệm vụ liên quan đến đào tạo kĩ năng nghề và nhân lực chất lượng cao và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng bộ, ngành. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có đề án triển khai các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Chính phủ giao

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề về bản chất đang thực hiện đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tuy nhiên, tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường. 

Vì vậy, Bộ đã tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp để một trường cao đẳng có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng và ngành nghề đào tạo./.

Hải Yến - Nghĩa Đức