QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT VIỄN THÔNG (SỬA ĐỔI): TIẾP TỤC RÀ SOÁT ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ TÍNH THỐNG NHẤT VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
QUY ĐỊNH RÕ PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH GIÁ THUÊ HẠ TẦNG KỸ THUẬT DÙNG CHUNG TRÁNH TÌNH TRẠNG ĐỘC QUYỀN
Thực hiện kỳ họp thứ 5, Quốc hội vừa thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là đề xuất bổ sung một số giải pháp để bảo đảm bí mật thông tin của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo đó, các đại biểu đề xuất bổ sung trường hợp doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý mà không cần phải có sự đồng ý của chủ thuê bao vào Điều 6 dự thảo Luật; bổ sung giải pháp để bảo đảm bí mật thông tin của các tổ chức, cá nhân trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông…
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nêu quan điểm: Tại khoản 4 Điều 6 về đảm bảo bí mật thông tin quy định "doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ các thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông nhưng không giới hạn ở các thông tin như tên, địa chỉ, số thuê bao, các thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi, địa chỉ Internet và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp". Việc quy định như này là phù hợp với các loại hình dịch vụ viễn thông truyền thống, nhưng trên thực tế ngoài nội dung cuộc gọi còn có rất nhiều hình thức giao tiếp khác giữa những người sử dụng dịch vụ viễn thông như tin nhắn chữ, tin nhắn hình ảnh, video, nhất là các giao tiếp trên môi trường Internet... mà doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm không tiết lộ thông tin.
Để đảm bảo an toàn thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị rà soát, bổ sung cũng như cần phân biệt rõ các thông tin trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông truyền thống và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, OTT.
Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng.
Tại điểm b khoản 4 của Điều 6 quy định các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho các công việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn các hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung giải pháp để bảo đảm bí mật thông tin của các tổ chức, cá nhân trong trường hợp các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông. Việc làm này là nhằm phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, như là khi các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi, cung cấp thông tin của người dùng. Các văn bản đó phải được thông báo tới cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Quy định như vậy bảo đảm chặt chẽ, tránh trường hợp các doanh nghiệp viễn thông liên kết với nhau làm ảnh hưởng đến bí mật thông tin của người dùng.
Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang.
Đề cập về việc cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho biết, Điều 3 của Luật Căn cước công dân 2014 quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là "tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân". Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do ngành Công an quản lý đang có 18 trường thông tin về công dân.
Tuy nhiên, dự án Luật Căn cước công dân do Chính phủ đang trình Quốc hội đã đề xuất bổ sung quy định là theo hướng mở rộng hơn nữa thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có bổ sung thông tin về số thuê bao di động để phục vụ công tác chuyển đổi số ở nước ta theo Đề án 06 của Chính phủ.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.
Trên cơ sở nêu trên, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề xuất bổ sung trường hợp doanh nghiệp viễn thông được chia sẻ, cung cấp thông tin thuê bao cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý mà không cần phải có sự đồng ý của chủ thuê bao vào Điều 6 dự thảo Luật. Việc bổ sung quy định như trên sẽ thuận lợi cho việc xác minh danh tính và thông tin của người sử dụng dịch vụ viễn thông, tăng cường khả năng kiểm soát và ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịch vụ viễn thông để gây rối an ninh, trật tự, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc hoặc vi phạm pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của việc triển khai và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần chuyển đổi số, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta./.